Mùa hè xuyên Á - Kỳ cuối: Bất ngờ Siem Reap

Ký sự của TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG 13/05/2016 09:03

Một người Việt mở xưởng dạy nghề, dạy tiếng Anh, dạy vẽ nhằm tạo việc làm cho người khuyết tật; một người Campuchia là nạn nhân của Pôn Pốt chạy nạn sang Việt Nam và được cưu mang, để rồi trả ơn ấy bằng sự nhiệt tình với bất kỳ du khách Việt nào là hai câu chuyện đọng lại trong tôi tại điểm dừng chân Siem Reap (Campuchia).

  • Mùa hè xuyên Á - Kỳ 4: Sự tiết kiệm của người Thái
  • Mùa hè xuyên Á - Kỳ 3: Dấu ấn Việt tại Udon Thani
  • Mùa hè xuyên Á - Kỳ 2: Từ Seno đến Vientiane
  • Mùa hè xuyên Á - Kỳ 1: Đêm giữa rừng Sê Pôn

1. Thuê một xe du lịch 15 chỗ đi từ Bangkok xuống Siem Reap để có thể nhìn ngắm, dừng lại nhiều nơi mình muốn là một chọn lựa khả dĩ. Băng qua nhiều cánh đồng mía, sắn, cây nguyên liệu giấy bạt ngàn của miền Trung Thái Lan, qua những cánh đồng lúa Nakhon Nayok, Kabin Buri, Watthana sau mùa gặt xa tít chân trời hai bên đường cao tốc, rồi làm thủ tục vào Campuchia qua cửa khẩu Poi Pet khi gần trưa là một hành trình thú vị dài gần 400 cây số. Người hướng dẫn dân Campuchia tên Chuont đã đón chúng tôi ở cửa khẩu và thuê xe tiếp tục một chặng đường gần 160km nữa, với giá vé 12USD để về nghỉ đêm tại khách sạn Dara Reang Sey giữa tỉnh lỵ Siem Reap mà ngày trước chúng tôi chỉ biết đó là tỉnh Battambang trong chiến tranh.

Đỗ Trang ở cửa hàng Combolac của cô. Ảnh: T.Đ.T
Đỗ Trang ở cửa hàng Combolac của cô. Ảnh: T.Đ.T

Có lẽ Siem Reap là nơi nắng nóng nhất trong suốt hành trình 10 ngày qua của chúng tôi. Nhưng có lẽ nóng hơn chính là sinh hoạt náo nhiệt của khu chợ đêm ở đây, trên các Pub Street giữa trung tâm thành phố. Đây thật sự là một khu phố dày đặc khách du lịch phương Tây vào ban đêm với đủ loại hình sinh hoạt, từ quán bia, tiệm ăn, cà phê đến nhà hàng ca nhạc và cả những quầy bán rau xanh, nước trái cây thốt nốt của người bản địa. Lọt thỏm trong khu phố đêm Siem Reap là một sân khấu nhỏ của những nghệ sĩ khuyết tật Campuchia chơi các nhạc cụ dân tộc nhằm gây quỹ giúp các nạn nhân bom mìn, họ bán cả các CD cho du khách. Gần đó là một cửa hàng bán tranh sơn mài, tranh màu nước, ảnh nghệ thuật của một cô gái trẻ. Chúng tôi nói tiếng Anh một hồi mới nhận ra cô là một cựu sinh viên Trường Đại học Khoa học tự nhiên TP.Hồ Chí Minh tên Đỗ Trang. Trang mới 29 tuổi, kết hôn với một thanh niên Pháp tên Phillipe Pauly rồi sang đây lập nên công ty kinh doanh mang tên Cambolac, với phương châm “Nghệ thuật cho con người - Art for the people”. Họ có một xưởng dạy nghề, dạy tiếng Anh, dạy vẽ và sản xuất các loại tranh ảnh nghệ thuật trên nhiều chất liệu khác nhau, các loạt vật phẩm lưu niệm bằng sơn mài in hình ảnh của Angkor Wat… với gần 30 học viên là người khuyết tật và người nghèo bản xứ từ năm 2012 đến nay để bán cho du khách. Đỗ Trang kể: “Tuy du khách đến Siem Reap đông đúc, nhưng đây là một tỉnh nghèo nhất Campuchia, nhiều người là nạn nhân chiến tranh không có việc làm và chăm lo sức khỏe. Cambolac hướng đến giúp đỡ họ để học trở thành những người có ích cho cộng đồng và tạo ra những sản phẩm do chính người Siem Reap làm ra thay vì nhập từ nơi khác về. Đến nay, thu nhập bình quân cho mỗi người khuyết tật làm việc tại đây khoảng trên 3 triệu đồng Việt Nam mỗi tháng.

2. Buổi sáng tôi dậy đi bộ ngoài khách sạn và bất ngờ gặp những người dân Campuchia đi uống cà phê sớm rất giống ở Việt Nam. Có người nói được tiếng Việt và kể gia đình họ đều là những nạn nhân của Pôn Pốt, bỏ chạy qua Việt Nam từ năm 1970 - 1980 sau đó mới trở về. Đa số trú ở quận 6, TP.Hồ Chí Minh và hiện nay vẫn còn nhiều người bà con ở lại, lâu lâu qua thăm nhau. Nhưng câu chuyện của anh hướng dẫn Chuont khiến chúng tôi không khỏi ám ảnh. Anh năm nay 40 tuổi, là người còn sống duy nhất trong một gia đình cha mẹ là giáo chức bị giết. Anh được người Việt Nam cứu sống và quay lại Siem Reap sau hòa bình. Đứa trẻ mồ côi ấy được đi học rồi tự học thêm tiếng Anh, tiếng Hàn Quốc để đi làm hướng dẫn viên. Ơn Việt Nam ở anh được thể hiện qua câu nói: Tuy có thể ít tiền công hơn, nhưng nếu có khách Việt Nam sang là anh ưu tiên nhận hướng dẫn. Ngoài hướng dẫn viên du lịch, Chuont còn kiêm luôn chụp ảnh lưu niệm cho khách với giá cả vừa đủ sống. “Bởi không phải thế, làm sao có đủ tiền nuôi hai đứa con ăn học. Ít nhất phải tốn 500USD mỗi tháng”.

Tôi sẽ không kể về sự hùng vĩ của ba khu tháp đá Angkor và sự đông đúc du khách ở đây, vì ai cũng biết nó được người Khmer xây dựng từ thế kỷ 11, sau các di sản thế giới Wat Phou ở Lào và Mỹ Sơn ở Việt Nam ba thế kỷ. Nhưng đến Siem Reap, có lẽ bất ngờ nhất với tôi chính là nạn cò mồi với du khách. Chỉ cần bước qua cửa khẩu Poi Pet, nhiều thanh niên Campuchia đã gạ bạn bán tờ khai nhập cảnh với giá 20 bath Thái. Chỉ cần vào bến xe bạn sẽ bị gạ đổi tiền riel với một giá thấp hơn thị trường vì “Ở Siem Reap người ta chỉ lấy tiền riel thôi. Tiền Thái, tiền Mỹ không ai lấy cả”. May là chúng tôi đã cảnh giác và không ai bị lừa. Thật sự đi du lịch ở Angkor Wat, bạn có thể dùng đô la Mỹ, bath Thái Lan và cả tiền đồng Việt Nam. Riêng vé đi thăm Angkor Wat là 20USD mỗi người để được phát một thẻ đeo cổ có in ảnh và luôn bị kiểm tra trên đường vào các tháp, kể cả khi đến khu tháp Bayon bốn mặt ở Angkor Thom gần đó.

Ký sự của TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG

Ký sự của TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG