Một "địa chỉ đỏ" ở Phú Ninh

BÙI THỊ THANH MINH 05/05/2016 08:58

Nhà thờ tộc Nguyễn Văn (ở thôn Xuân Phú, xã Tam Thái, Phú Ninh) từ lâu đã trở thành địa chỉ đỏ quen thuộc trong những đợt hành quân về nguồn của tuổi trẻ Phú Ninh.

Nhà thờ nằm trong vùng đất yên tĩnh, rộng gần 3.000m2, được xây dựng vào khoảng năm 1885 dưới thời nhà Nguyễn. Ở góc sân có đặt tấm bia ghi rõ Di tích lịch sử nhà tộc và danh sách 39 người con cháu có công với nước. Nhà thờ gồm 3 gian, 2 chái, dựng bằng gỗ mít và gỗ kiềng kiềng. Bên trong nhà thờ, chân dung những nhà hoạt động cách mạng tại đây vẫn được giữ lại vẹn nguyên. Những di vật trong nhà vẫn còn đó với chiếc bàn làm việc của đồng chí Võ Chí Công, Khưu Thúc Cự, Lê Huy Lưu; chiếc ghế bành của đồng chí Trương Kiểm - Bí thư Phủ ủy Tam Kỳ.

Ông Nguyễn Cam - cháu đời thứ 10 của tộc thường xuyên lui tới dọn dẹp, thắp hương. Ảnh: B.T.T.M
Ông Nguyễn Cam - cháu đời thứ 10 của tộc thường xuyên lui tới dọn dẹp, thắp hương. Ảnh: B.T.T.M

Trước cách mạng Tháng Tám, các đồng chí Võ Chí Công, Khưu Thúc Cự, Trương Chí Cương, Lê Thuyết, Nguyễn Chánh… đã sử dụng nhà thờ để tổ chức nhiều cuộc hội họp công khai và bán công khai, đề ra những quyết sách phát triển lực lượng cách mạng, lãnh đạo phong trào đấu tranh chống sưu thuế của chính phủ Pháp và Nam triều. Trong kháng chiến chống Pháp, nhà thờ là cơ quan làm việc của UBND Phủ Tam Kỳ, Ban Giám đốc cơ xưởng quân giới Đại đoàn 27. Sau đó, các lớp học bổ túc văn hóa của Hội Phụ nữ tỉnh cũng được tổ chức tại đây. Nhà thờ cũng là nơi tập hợp lực lượng, phân công các đồng chí cách mạng tập kết ra Bắc và ở lại hoạt động đấu tranh đòi chính quyền Ngô Đình Diệm thi hành hiệp định Giơ-ne-vơ. Trong những năm đầu kháng chiến chống Mỹ, nhà thờ trở thành đầu mối liên lạc, ăn ở, hoạt động của các đồng chí lãnh đạo Khu ủy khu V, Tỉnh ủy Quảng Nam như Lê Khắc Thuật, Hồ Nghinh, Cao Sơn Pháo, Đỗ Thế Chấp, Võ Chí Công, Trương Chí Cương. Vào tháng 3.1965, sau nhiều lần theo dõi, chỉ điểm, địch khủng bố, phá dỡ nhà thờ tộc, truy bức gia tộc Nguyễn, đẩy con cháu mỗi người mỗi nơi. Nhờ có sự đấu tranh, phản đối của nhân dân trong vùng nên gia phả và ngôi nhà thờ chính của tộc vẫn được giữ lại cho đến bây giờ.

Trong nhà thờ tộc Nguyễn giờ đây, ông Nguyễn Cam (85 tuổi), cháu đời thứ 10 vẫn thường ngày lui tới dọn dẹp, cúng bái tổ tiên và mở cửa đón những đoàn khách tham quan. Tháng Ba hàng năm là dịp giỗ tộc cũng như tổ chức lễ phát phần thưởng cho con cháu đạt thành tích xuất sắc, thúc đẩy công tác khuyến học. Ông Lê Hồng Quân - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Thái cho biết, nhà thờ tộc Nguyễn được công nhận là Di tích lịch sử cấp tỉnh vào năm 2009. Trong thời gian tới, xã sẽ có hướng mở rộng, tổ chức các buổi thuyết minh, giới thiệu về di tích lịch sử này cho các đoàn đến tham quan tìm hiểu.

BÙI THỊ THANH MINH

BÙI THỊ THANH MINH