Du lịch bền vững và có trách nhiệm

VĨNH LỘC 05/05/2016 08:05

Được triển khai từ năm 2014, dự án “Du lịch bền vững và có trách nhiệm ở các tỉnh miền Trung” do chính phủ Luxembourg tài trợ thông qua Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và UNESCO vừa kết thúc. Dự án đã góp phần thúc đẩy quảng bá du lịch cộng đồng, tăng cường các nguồn lực văn hóa cho phát triển du lịch, nhất là các vùng nông thôn và miền núi của tỉnh.

Giảm nghèo và bảo tồn văn hóa

Tại Quảng Nam, dự án “Du lịch bền vững và có trách nhiệm ở các tỉnh miền Trung” là hoạt động tiếp nối những kết quả đạt được của dự án “Tăng cường hoạt động du lịch tại các huyện sâu trong đất liền ở tỉnh Quảng Nam” từ năm 2011 - 2013. Mục đích của dự án là hướng đến phát triển năng lực và nguồn nhân lực tại địa phương thông qua đào tạo và hỗ trợ phát triển du lịch bền vững, tạo ra sinh kế bền vững trong tương lai; thúc đẩy, quảng bá du lịch cộng đồng; tăng cường các nguồn lực văn hóa cho phát triển du lịch. Từ mục tiêu đó, dự án đã được triển khai tại 3 nơi là Triêm Tây (Điện Phương, Điện Bàn); Đhrôồng (Tà Lu, Đông Giang) và Mỹ Sơn (Duy Phú, Duy Xuyên), kết quả đạt được ban đầu là khá tích cực, ngoài hỗ trợ những kỹ năng về quản lý giao tiếp với khách, kỹ năng về nấu ăn, kỹ năng về ngoại ngữ…, dự án cũng giúp người dân cách tổ chức quản lý làng du lịch cộng đồng một cách hiệu quả, khoa học. Đặc biệt, thông qua dự án, ILO và UNESCO đã phối hợp với các đối tác khác cung cấp những hỗ trợ kỹ thuật và hướng dẫn thúc đẩy các phương thức đối thoại mới cũng như những cơ chế làm việc nhằm khuyến khích phát triển du lịch bền vững và có trách nhiệm.

Cảnh quan môi trường thôn Triêm Tây khang trang xanh đẹp kể từ khi triển khai dự án du lịch cộng đồng. Ảnh: V.LỘC
Cảnh quan môi trường thôn Triêm Tây khang trang xanh đẹp kể từ khi triển khai dự án du lịch cộng đồng. Ảnh: V.LỘC

Tại làng Triêm Tây, dự án gặt hái được nhiều kết quả khi diện mạo cảnh quan nơi đây đã thay đổi, ý thức và thu nhập của người dân được nâng cao. Qua 6 tháng đi vào hoạt động thử nghiệm (10.2015 - 4.2016), Triêm Tây đã đón gần 3.000 khách, doanh thu gần 300 triệu đồng. Còn tại thôn Đhrôồng, du lịch cộng đồng đã góp phần quan trọng tăng cường vai trò của phụ nữ trong gia đình từ việc tạo ra thu nhập thông qua dệt thổ cẩm và du lịch. Từ năm 2013 đến nay, dưới sự hỗ trợ của dự án và sự giúp đỡ của các cấp ngành liên quan đã giúp địa phương phát triển và khôi phục làng nghề truyền thống dệt thổ cẩm, tạo điều kiện cho 28 phụ nữ trong làng có việc làm với thu nhập ổn định bình quân 1 triệu đồng/người/tháng.  

Dự án đã giúp khôi phục bảo tồn nghề dệt thổ cẩm và tạo ra thu nhập cho phụ nữ thôn Đhrôồng.
Dự án đã giúp khôi phục bảo tồn nghề dệt thổ cẩm và tạo ra thu nhập cho phụ nữ thôn Đhrôồng.

Nỗi lo hậu dự án        

Tại hội thảo đánh giá dự án “Du lịch bền vững và có trách nhiệm” do Sở VH-TT&DL phối hợp với ILO và UNESCO tổ chức mới đây, TS. Chang-Hee Lee - Giám đốc Văn phòng quốc gia của ILO tại Hà Nội nhìn nhận, du lịch là một trong những ngành tạo ra nhiều việc làm nhất tại các nước đang phát triển, và Việt Nam không nằm ngoại lệ. Tuy nhiên, hiện vẫn còn khoảng cách lớn về phát triển giữa khu vực trung tâm - nơi có các di sản thế giới và những vùng nông thôn, miền núi - nơi có ít lợi thế hơn. Người dân địa phương, nhất là những người sống tại vùng sâu và nông thôn hưởng lợi rất ít từ du lịch, một trong những nguyên nhân do hạn chế về chất lượng nguồn nhân lực không đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp. Chính vì vậy, dự án với sự tham gia của ILO, UNESCO và các đối tác địa phương luôn hướng đến xây dựng các mô hình và phương cách tốt nhất để phát triển du lịch văn hóa hướng đến mục đích giảm nghèo, và đây cũng là mô hình mẫu đã được triển khai rộng rãi hiện nay.

Thực tế, qua tìm hiểu tại những nơi dự án triển khai, vấn đề quan tâm nhất vẫn là nỗi lo hậu dự án. Trong đó, ngoài kinh phí đầu tư hạ tầng dịch vụ, một yếu tố khác chính là chất lượng nguồn nhân lực, nhất là kỹ năng nghề (hướng dẫn, phục vụ, ngoại ngữ, kỹ thuật…). Theo đại diện Sở VH-TT&DL, tuy dự án đã giúp nâng cao năng lực về du lịch cộng đồng, mang đến cơ hội cho người dân trong phát triển du lịch nhưng tại một số làng do chưa kịp ban hành những quy chế quản lý, điều hành dẫn đến bất đồng trong các thành viên. Để khắc phục tình trạng này, ngoài việc nhanh chóng thúc đẩy hoàn thiện các quy chế quản lý điều hành, đầu tư hạ tầng dịch vụ, tăng cường kỹ năng nghề, việc huy động nguồn kinh phí đầu tư cho các làng du lịch cộng đồng từ UBND các huyện (có dự án triển khai) cũng đã được tính đến. Ông Đinh Hài - Giám đốc Sở VH-TT&DL khẳng định: “Dù vẫn còn nhiều vấn đề cần hoàn thiện nhưng những thành công của dự án mang lại là đáng ghi nhận. Hiện tỉnh đang đề xuất ILO tiếp tục duy trì dự án này thêm một chu kỳ nữa tại các vùng phía tây và phía nam của tỉnh nhưng việc này còn phải chờ ý kiến từ các đối tác”.

VĨNH LỘC

VĨNH LỘC