Ngư dân quyết tâm thực hiện quyền cử tri
|
Trong những năm gần đây, số lượng tàu đánh bắt xa bờ được đóng mới, cải hoán ngày một lớn hơn, sức vận chuyển dầu, thực phẩm, sản phẩm được nhiều hơn; vì thế, chuyến đi biển của ngư dân càng dài ngày hơn, trung bình hai tháng rưỡi đến ba tháng, riêng chuyến biển đầu tiên trong năm thường kéo dài hơn ba tháng. Nhiều tàu do điều kiện chuẩn bị và phụ thuộc vào thời tiết nên việc trở về đất liền sau thời gian dài không cần phải tính toán, chủ yếu đánh bắt đạt sản lượng. Tuy nhiên, với chuyến ra khơi đầu tiên năm nay, không đơn giản là chỉ đánh bắt hiệu quả, mà còn phải tính toán sao cho hợp lý, tức là vừa đánh bắt đạt sản lượng, vừa vô đúng thời điểm để bán được giá, vừa kịp nghỉ vài ngày để được đi bầu cử! Đó chính là quyết tâm của ngư dân xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, trước khi xuất hành chuyến biển đầu tiên năm 2016.
Tài công Trương Công Chín (thôn Hà Bình) là người đầu tiên đặt quyết tâm với “bài toán” này. Trong cuộc liên hoan với bạn tàu trước khi khởi hành, anh dõng dạc tuyên bố: “Tàu mình sẽ về trước bầu cử 5 ngày, anh em sẽ được đi bỏ phiếu bầu cử, nhưng đảm bảo thu nhập không thua các tàu khác, mọi người phải cố gắng xuống thúng…”. Tuyên bố của anh Chín được bạn tàu tích cực tham gia ý kiến, bàn tán rất sôi nổi.
Theo anh Chín tính toán, do điều kiện năm nay thời tiết đầu mùa không thuận lợi, nên tháng Giêng không thể xuất bến sớm như mọi năm, nếu qua tháng 2 âm lịch mới khởi hành với chuyến biển dài 3 tháng thì phải đến cuối tháng 4 âm lịch, tức là đầu tháng 6 dương lịch mới về bến, lúc này đã qua ngày hội bầu cử. Vì vậy, mặc dù thời tiết chưa ổn nhưng anh quyết định xuất bến trong cuối tháng Giêng, tức là đầu tháng 3 dương lịch, dự kiến chuyến đi này khoảng hai tháng rưỡi, đến khoảng từ 12 đến 14 tháng 4 âm lịch (18 đến 20 tháng 5 dương lịch) thì về bến, tức là về trước bầu cử từ 3 đến 5 ngày. “Làm ăn thì làm ăn nhưng không được quên mất cái quyền cử tri của mình. Bận bịu với con tàu nhiều năm qua nên đôi khi mình thấy cũng lạc hậu với thời cuộc. Lần ni phải quyết tâm về kịp bầu cử!”. Với sự phân tích hợp lý của anh Chín, một tài công lão luyện hơn 15 năm điều khiển tàu đánh bắt xa bờ, luôn đứng đầu trong tốp thu nhập cao, toàn thể thuyền viên tàu đã đồng lòng với lịch trình tài công đặt ra, họ quyết tâm rút ngắn thời gian đồng nghĩa với việc mỗi “bạn câu” phải cố gắng từng đêm trên biển để được sản lượng không thua kém ai mà vẫn kịp về tham gia bầu cử.
Không riêng gì thuyền viên của tàu anh Chín, nhiều tàu khác cũng đặt quyết tâm như vậy. Có nhiều ngư dân tâm sự rằng, vì do chí thú làm ăn mà nhiều khi không chú ý đến những vấn đề lớn của đất nước là một thiệt thòi to, đôi khi bị lạc hậu, bị chính những người bạn cũng là ngư dân chê là “ếch ngồi đáy giếng”. Bên cạnh đó, những vấn đề diễn ra hàng ngày trong xã hội liên quan đến cuộc sống của người dân, những vấn đề tranh chấp ngư trường, biển đảo với tàu Trung Quốc buộc ngư dân phải quan tâm đến thời cuộc. “Cuộc sống của dân mình ngó vậy mà có liên quan nhiều đến con người mình chọn để bầu…” - tâm sự của ngư dân Huỳnh Văn Sơn (thôn Bình Tân), đi bạn trên tàu do anh Trần Công Thanh làm thuyền trưởng kiêm tài công. Cũng theo ngư dân Huỳnh Văn Sơn, trong buổi họp mặt chuẩn bị xuất bến, khi tài công đưa ra vấn đề này, ban đầu cũng có nhiều người phản đối, họ cho rằng “một ngày làm là một tháng ăn, về sớm gần nửa tháng thì mất thu nhập cũng nhiều…”. Nhưng sau một hồi tham gia thảo luận, phân tích của nhiều người, cân nhắc đủ điều, cuối cùng tập thể thuyền viên tàu anh Trần Công Thanh cũng thống nhất đặt quyết tâm rút ngắn thời gian đánh bắt để kịp về tham gia bầu cử. Bởi, không ai có thể trả lời được câu hỏi: “Vì sao tàu khác làm được còn mình thì không? Tự mình đánh mất quyền công dân của mình được không?”…
Bình Minh với đội tàu khoảng 150 chiếc có công suất từ 90CV đến gần 1.000CV; trong đó có 20 tàu đánh bắt xa bờ công suất từ 400CV trở lên do chính ngư dân Bình Minh làm chủ, có 3 tàu vỏ thép được đóng theo Nghị định 67 của Chính phủ vừa hạ thủy. Với gần 800 ngư dân của xã tham gia đánh bắt trên những tàu xa bờ hàng tháng trời, việc vận động họ thực hiện những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước luôn gặp khó khăn. Chính vì vậy, việc tuyên truyền để ngư dân nhận thức tốt về chủ trương, chính sách là một việc làm cần thiết và thường xuyên của địa phương trong những năm qua. Nhất là đối với cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp lần này, nếu không làm tốt công tác tuyên truyền, tạo nhận thức sâu sắc cho ngư dân trước khi ra khơi thì việc về bờ kịp để tham gia bầu cử của ngư dân là vấn đề rất khó thực hiện.
Để ngư dân địa phương lao động trên các tàu đánh bắt xa bờ có chung quyết tâm rút ngắn thời gian đánh bắt, kịp về trước ngày 22.5 (ngày hội bầu cử) thực hiện quyền cử tri, cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể và nghiệp đoàn nghề cá của địa phương đã vào cuộc rất sớm, tranh thủ lúc các tàu liên hoan đầu năm để vận động. Ông Hồ Thanh Hưởng - Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Bình Minh quả quyết: “Tất cả tài công đều quyết tâm đưa tàu về kịp để tham gia bầu cử. Họ đã nói là thực hiện, tôi đoan chắc như vậy!”. Theo phân tích của ông Hưởng, thời điểm diễn ra bầu cử cũng không làm ảnh hưởng lớn đến sản xuất của ngư dân. Vì thời gian từ khi xuất bến đến lúc vô trước bầu cử 3 đến 5 ngày, các tàu cũng đã có khoảng hai tháng rưỡi đánh bắt, nếu chuyến biển trúng, ngư dân có khi còn vô sớm hơn…
Với nhận thức đúng đắn của ngư dân địa phương, xã Bình Minh khẳng định quyết tâm tổ chức và thực hiện tốt cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 sắp tới.
TRƯƠNG CÔNG HÙNG