Chiếc pa'nanh của người Cơ Tu
GIÀ làng Cơlâu Blao (76 tuổi, thôn Voòng, xã Tr’Hy, huyện Tây Giang) cho biết: Người Cơ Tu gọi chiếc ná là pa’nanh, một vật dụng hết sức thiêng liêng, tượng trưng cho khả năng chinh phục thiên nhiên và sức mạnh của người đàn ông Cơ Tu. Chiếc ná mang ý nghĩa tinh thần của người Cơ Tu nên được các lão làng vẫn miệt mài chế tạo ra nhằm phục vụ nhu cầu săn bắn. Xưa kia, người Cơ Tu sống ở vùng rừng núi, hồi đó còn nhiều thú dữ nên phải sống ở nhà sàn, đi rừng, lên nương đều luôn mang theo ná và các vũ khí khác để phòng thân và săn thú chống lại sự phá hoa màu mà lại có thêm thức ăn cho gia đình. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, chiếc ná của người Cơ Tu còn là vũ khí chiến đấu giữ làng.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngày xưa để làm một chiếc ná phải mất hàng tháng. Đàn ông Cơ Tu phải vào rừng tìm cây, rồi đánh dấu, sau một thời gian nhất định trong tháng mới đến đốn, vì khi đó chất gỗ sẽ săn chắc hơn. Gỗ phải là đoạn giữa thân cây. Sau khi đốn được đem về đẵn ra thành từng bộ phận riêng biệt, rồi dùng một con dao mác nhỏ gọt hai đầu đều nhau, sau đó lấy tâm điểm của cánh ná làm điểm chuẩn vót nhỏ dần ra hai bên, đoạn cuối gọt hai khấc nhỏ bằng đốt ngón tay dùng để móc dây ná, lúc này họ lấy một sợi dây cột ở giữa treo lên như chiếc cân dây rồi từ từ chỉnh cho đều nhau đến khi hai bên phải cân xứng nằm song song với mặt đất. Một bên được gọt cong hình cung rất đều, có đánh dấu ở tâm, tùy theo sở thích của mỗi người kiểu dáng uốn lượn cũng khác nhau. Công đoạn tiếp theo là làm thân ná (là cái báng có rãnh) có chiều dài trung bình 30 - 40cm, mặt trên bè ra, phía dưới thu nhỏ lại. Thân ná không đòi hỏi phải lựa chọn gỗ, thường thì họ dùng gỗ mềm dễ cho việc khoét lỗ để bỏ lẩy, nhưng đường rãnh đặt mũi tên bắt buộc phải có độ sâu và thẳng nhất định, phía cuối đường rãnh họ mài một thanh kim loại nhỏ bằng cái kim khâu nhưng ngắn khoảng 0,5cm gắn cố định để có thể giữ cho mũi tên không bị rơi ra, một số người chỉ bỏ sáp ong không dùng thanh kim loại, ở đoạn đầu họ khoét một lỗ làm sao cho bỏ lọt khít tâm của cánh ná, phía cuối gọt bè ra tạo điểm tựa cho tay cầm. Ná của người Cơ Tu thường có hai loại, phân biệt dựa theo chiều dài của cánh ná, cũng dựa vào đó mà sẽ có mũi tên thích hợp cho từng loại.
Từ dạo đồng bào Cơ Tu còn ở nhà sàn, ngoài công việc làm rẫy, săn thú rừng thì chiếc ná là vũ khí lợi hại của những đàn ông Cơ Tu giữ đất, giữ làng. Hôm nay, đồng bào Cơ Tu đã có cuộc sống khấm khá hơn nhưng chiếc ná vẫn là một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa của đồng bào.
NGUYỄN VĂN SƠN