Kích cầu du lịch từ lụa

LÊ QUÂN - GIA KHANG 28/04/2016 11:11

Một sản phẩm đặc trưng cho du lịch xứ Quảng vẫn chưa được tìm thấy trong hàng chục “đặc sản” của vùng đất. Và lụa được nghĩ tới như một trong những món quà độc đáo góp phần tạo nên ấn tượng về điểm đến trên cung đường di sản…

Một trung tâm phân phối sản xuất lụa Việt, một bảo tàng tơ lụa thế giới… là điều có thể thành hiện thực trong nay mai, nếu lụa được chọn để trở thành “đại sứ” du lịch đặc trưng. Những người làm du lịch có quyền mơ tưởng như vậy, nếu nhìn vào cách thức phát triển sản phẩm này từ các nước trên thế giới, cách nước bạn nâng tầm sản phẩm truyền thống thành một nền công nghiệp. Và nghĩ về xứ mình, với một thời hoàng kim trong vị trí của một thương cảng trên “con đường tơ lụa thế giới”.

Ngành công nghiệp tơ lụa thế giới

Trong một báo cáo của Học viện Mekong cho biết sản phẩm tơ lụa phát triển trên 60 quốc gia, tuy nhiên, chỉ có 29 quốc gia tập trung sản xuất ngành công nghiệp này và cung cấp hàng hóa cho cả thế giới. Trong đó, châu Á có đến 14 quốc gia. Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc là những nước sản xuất và kinh doanh tơ lụa hàng đầu. Cũng tại Hội thảo Con đường tơ lụa Mekong tổ chức năm 2015, các đại biểu đến từ nhiều quốc gia đã quyết định sẽ hỗ trợ các nước tiểu vùng sông Mekong phát triển ngành công nghiệp tơ lụa, với những tiêu chí đưa ra như khẳng định, nâng cao vị thế của lụa trong đời sống đương đại và đưa ngành công nghiệp tơ lụa phát triển góp phần ổn định cơ cấu kinh tế - xã hội. Điều này đã được nhắc lại tại Lễ hội Tơ lụa châu Á tổ chức ở Hội An hồi tháng 3.2016, với lời nhắn nhủ của Chủ tịch Hiệp hội Dệt may công nghiệp Nishijin (Nhật Bản): “Sản xuất tơ lụa là ngành nghề nông nghiệp có thể giải quyết nhiều yếu tố từ lao động đến môi trường và phù hợp với văn hóa”.

Lụa trên sàn diễn thời trang.Ảnh: LLHA
Lụa trên sàn diễn thời trang.Ảnh: LLHA

Các nước phát triển chọn con đường để ngành công nghiệp này thu hút lao động và sự quan tâm của công chúng, bằng rất nhiều cách. Thái Lan tích cực hỗ trợ và khuyến khích nông dân địa phương đẩy mạnh sản xuất hàng tơ lụa thủ công, các tập đoàn dệt may sẽ trích một phần kinh phí thu mua các sản phẩm này, đảm bảo đầu ra ổn định, khuyến khích các nhà thiết kế trẻ sử dụng chất liệu tơ tằm trong thời trang hiện đại. “Chúng tôi triển khai dự án “Vẻ đẹp tơ lụa miền Đông Bắc” với mục tiêu là cho phép người thợ dệt địa phương phát triển ý tưởng sản xuất sản phẩm của mình và bán thành phẩm cho công ty chúng tôi. Các nhà thiết kế trẻ sẽ phối hợp với thợ dệt địa phương để cho ra những sản phẩm truyền thống có chất lượng tốt. Điều này sẽ giúp thế hệ trẻ hiểu được vẻ đẹp của tơ lụa Thái và ra sức bảo tồn văn hóa tơ lụa của đất nước chúng tôi” - Chutima Dumsuwan, đại diện của tập đoàn tơ lụa Jim Thompson chia sẻ. Trong khi đó, tại Nhật Bản, Hiệp hội Tơ lụa Nhật Bản đã bàn bạc và thống nhất các doanh nghiệp cùng Các Viện nghiên cứu nông nghiệp nhận đơn đặt hàng về cải tạo giống tằm chất lượng cao, giống dâu mới với biện pháp canh tác đảm bảo không làm ảnh hưởng môi trường, loại bỏ hoàn toàn chất hóa học trong quy trình sản xuất; qua đó tạo dòng sản phẩm thương hiệu quốc gia “Made in Japan”. Trung Quốc đã thành công trong việc phát triển chất liệu lụa  cùng hoa văn truyền thống với các thiết kế hiện đại...

Khi lụa làm du lịch

Làng lụa Hội An bước đầu trở thành địa chỉ tin cậy trong hành trình kết nối lụa Việt cũng như một số thương hiệu lụa thế giới. Sẽ lãng phí và tiếc nuối đối với giới mộ điệu nếu không phát triển nơi này thành trung tâm giới thiệu lụa châu Á, kết nối với 100 cửa hàng may đo tại Hội An, phân phối các dòng sản phẩm cao cấp do các tập đoàn sản xuất tơ lụa châu Á cung cấp. “Trước mắt, chúng tôi sẽ kiến nghị lên Bộ VH-TT&DL, Hiệp hội Tơ lụa Việt Nam có những quan tâm nghiên cứu để công nhận làng nghề dâu tằm lâu đời trở thành di sản quốc gia. Đồng thời cũng sẽ tiến hành phục hồi những vùng nguyên liệu truyền thống và đẩy mạnh xuất khẩu. Riêng Làng lụa Hội An sẽ trở thành nơi gặp gỡ cho cả cộng đồng nghề tơ lụa dâu tằm và du khách trong và ngoài nước tiếp cận, trải nghiệm văn hóa tơ lụa Quảng Nam và Việt Nam” - ông Lê Thái Vũ - Chủ tịch HĐQT Công ty Tơ lụa Quảng Nam, chia sẻ.

Làng lụa Hội An không chỉ là nơi trình diễn, giới thiệu về quy trình trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa mà còn là một bảo tàng sống phục dựng thời hoàng kim về thương hiệu lụa xứ Quảng. Du khách có thể bắt gặp những gì liên quan đến lụa, tơ, tằm, từ giống dâu, tằm bản địa, công cụ, kỹ thuật dệt thủ công quý hiếm đến sản phẩm lụa tơ tằm của các cư dân Chămpa - Đại Việt - Quảng Nam đã từng sử dụng trong lịch sử, nhất là bộ sưu tập triều phục của vua quan, phụ nữ quý tộc, cung đình xưa và trang phục cổ của 54 dân tộc anh em...

Ý tưởng xây dựng một “Làng nghề truyền thống sáng tạo” mang đậm bản sắc văn hóa Hội An, phục vụ cho lợi ích cộng đồng, bao gồm hoạt động sáng tạo của nghệ nhân, nhà chuyên môn, lấy nghệ thuật, văn hóa và du lịch văn hóa làm nền tảng cho sự phát triển đã dần thành hình. “Làng lụa Hội An coi trọng ý tưởng xây dựng mô hình tạo một điểm đến du lịch văn hóa lý tưởng, kết nối các trường học, bảo tàng, thư viện; lấy văn hóa và du lịch văn hóa làm nền tảng cho sự phát triển; lấy lĩnh vực nghệ thuật làm nền tảng chính cho sự tiếp nối sáng tạo, tác động đến làng nghề, đến cộng đồng cư dân của Hội An, thúc đẩy sự đa dạng văn hóa trong sản phẩm. Và điểm nhấn chính là những tour trải nghiệm trồng dâu nuôi tằm, xem quy trình dệt vải nhằm giúp du khách hiểu hơn những giá trị truyền thống của nghề mà Làng lụa muốn hướng đến” - ông Lê Thái Vũ - Chủ tịch HĐQT Công ty Tơ lụa Quảng Nam, đơn vị chủ quản Làng lụa Hội An nói.

LÊ QUÂN - GIA KHANG

LÊ QUÂN - GIA KHANG