Không chủ quan khi hành nghề sông nước
|
(QNO) - Vụ lật ghe xảy ra tại lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2 (Bắc Trà My) vào rạng sáng 14.4 khiến 2 người chết một lần nữa cho thấy, người dân rất hờ hững trong việc trang bị phương tiện bảo hộ khi hành nghề đánh bắt trên sông nước.
Ông Lê Anh Dũng - Phó Chủ tịch UBND thị trấn Trà My (Bắc Trà My) cho biết, đã tìm thấy thi thể anh Phạm Công Nguyên (SN 1984, trú tại tổ Đồng Trường 2, thị trấn Trà My) vào lúc 8 giờ 45 phút sáng nay 15.4 sau hơn một ngày tìm kiếm; vị trí tìm thấy thi thể gần nơi xảy ra lật ghe.
Mất mát
Như Báo Quảng Nam Online đưa tin, khoảng 4 giờ sáng 14.4, khi vợ chồng anh Phạm Công Nguyên, chị La Thị Thanh Trang (SN 1987) dùng ghe đi thu lưới gỡ cá trên lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2 đoạn qua xã Trà Giác (Bắc Trà My) thì ghe bị lật khiến hai vợ chồng mất tích. Khoảng 1 giờ đồng hồ sau đó, người dân phát hiện và báo cơ quan chức năng. Thi thể chị Trang được tìm thấy vào khoảng 10 giờ sáng cùng ngày, cách nơi xảy ra tai nạn không xa; còn thi thể anh Nguyên được tìm thấy vào sáng nay 15.4.
Lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2 - nơi nhiều người dân thường tham gia đánh bắt cá. Ảnh: V.H |
Ông Trần Ngọ (54 tuổi, trú tổ Đồng Bàu, thị trấn Trà My) - người thân gia đình nạn nhân cho biết, việc tìm kiếm rất khó khăn, trời nắng nóng, phải mất 30 phút đi ghe ra mới tiếp cận được hiện trường xảy ra vụ việc. “Hôm qua nhận được tin dữ, tôi lập tức đến hiện trường và tham gia lặn tìm kiếm giữa hồ. Bây giờ chưa khẳng định được nguyên nhân lật ghe, tuy nhiên tại nơi xảy ra tai nạn, quan sát thấy chiếc ghe bị vỡ do đâm vào một gốc cây” - ông Ngọ nói. Lý giải về gốc cây trên, ông Ngọ cho biết thêm, khu vực giữa lòng hồ này nhô lên một khoảnh đất giống như “ốc đảo”, khoảng 30m. Nếu thiếu quan sát, ghe chạy nhanh, nhất là ở điều kiện ánh sáng kém rất dễ xảy ra va chạm.
Sau khi xảy ra vụ lật ghe, khoảng 50 người gồm Công an huyện Bắc Trà My, Ban Chỉ huy Quân sự huyện, dân quân thị trấn Trà My và các xã lân cận được huy động để tham gia công tác tìm kiếm.
Được biết, vợ chồng anh Nguyên có một đứa con gái 4 tuổi. Hiện cháu được hàng xóm trông giữ và còn quá nhỏ để nhận thức được tai ương đang xảy ra đối với gia đình. Anh Nguyên (quê tỉnh Bình Định) và chị Trang cưới nhau được gần 5 năm, 2 năm trước gia đình thuộc hộ nghèo của địa phương. Đầu năm 2016 đến nay, gia đình tham gia nuôi cá lồng bè trên lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2. Cùng với đó còn đi đánh bắt, thả lưới để kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống.
Không chủ quan khi hành nghề sông nước
Có một thực tế rằng, người dân tham gia đánh bắt trên sông nước, thường ít khi trang bị áo phao. Khi gặp sự cố lật ghe, chìm thuyền rất khó để xoay xở.
Hai vợ chồng trẻ tử vong để lại đứa con gái 4 tuổi. Ảnh: V.H |
Bà Ngô Phạm Như Quỳnh - Phó Chủ tịch UBND thị trấn Trà My cho biết, vợ chồng anh Nguyên chị Trang còn rất trẻ và chí thú làm ăn. Khi đi thu lưới gỡ cá trên lòng hồ, hai vợ chồng không mặc áo phao. “Địa phương chúng tôi có 6 hộ hiện đang nuôi cá lồng bè trên lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2, và những hộ này thường xuyên dùng ghe đi thả lưới, đánh bắt cá để có thêm thu nhập. Trước đây địa phương, Hội Chữ thập đỏ huyện Bắc Trà My cũng đã tổ chức các lớp tập huấn, trang bị đồ dùng cứu hộ nhưng nhiều người chủ quan” - bà Quỳnh nói.
Hiện nay, có nhiều hộ dân Bắc Trà My nuôi cá lồng bè trên lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2 và được hỗ trợ, trang bị đầy đủ áo phao. Tuy nhiên, vì thói quen, nhiều người dân hờ hững trong việc bảo vệ mình khi dùng ghe, thuyền đi đánh bắt. Đến khi xảy ra bất trắc, dù biết bơi nhưng cũng rất khó để tự cứu mình vì mực nước sâu. Bà Ngô Phạm Như Quỳnh cho biết thêm, trong thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền công tác này để người dân thay đổi nhận thức, bảo đảm an toàn khi hành nghề trên sông nước.
Ông Huỳnh Ngọc Thiệu - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Bắc Trà My cho biết, địa phương hiện có 13 hộ đang nuôi cá lồng bè trên lòng hồ thủy điện sông Tranh 2; công tác tuyên truyền bảo hộ lao động để đảm bảo an toàn trong quá trình nuôi cá cũng như tham gia đánh bắt được duy trì thường xuyên. Tuy nhiên, một bộ phận người dân còn ý thức kém, chủ quan khi làm ăn trên sông nước.
Để động viên gia đình anh Nguyên vượt qua mất mát, chính quyền thị trấn Trà My đã hỗ trợ trước mắt 50kg gạo, 500 nghìn đồng. Đồng thời làm báo cáo lên huyện xin hỗ trợ đột xuất cho gia đình nạn nhân. Còn ông Lê Nho Triều - Chánh Văn phòng UBND huyện Bắc Trà My cho biết, địa phương đã có kế hoạch hỗ trợ, chia sẻ đau thương đối với gia đình.
VĂN HÀO