Một đề tài lớn và hấp dẫn
Qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, một đội ngũ văn nghệ sĩ - chiến sĩ hùng hậu và một nền văn học chiến tranh cách mạng phong phú đã được khai sinh, rất nhiều tác phẩm đã trở thành dấu son trong nền văn học nước nhà.
Chiến tranh cách mạng vẫn đang là đề tài lớn và hấp dân với nhiều người cầm bút. Trong ảnh: Hai nhà văn Nguyễn Bảo và và Đỗ Viết Nghiệm trong một chuyến đi thực tế tại các vùng kháng chiến cũ ở Quảng Nam. Ảnh: P.C.A |
Dấu ấn một thời
Riêng tại khu V, trong đó có Quảng Nam - nơi được xem là “mảnh đất của văn học sử thi”, rất nhiều người đã trưởng thành và khẳng định được mình, góp phần làm nên gương mặt văn chương một thời của Việt Nam nói chung, của khu V và Quảng Nam nói riêng. Những cái tên như: Nguyễn Văn Bổng, Phan Tứ, Nguyên Ngọc, Thu Bồn, Nguyễn Chí Trung, Chu Cẩm Phong, Lưu Trùng Dương, Cao Duy Thảo, Thái Bá Lợi, Thanh Thảo, Nguyễn Khắc Phục, Trung Trung Đỉnh,... vẫn còn sừng sững. Rất nhiều tác phẩm của họ vẫn đang “sống” trong lòng công chúng, như “Con trâu” (Nguyễn Văn Bổng); “Đất Quảng”, “Rừng xà nu” (Nguyên Ngọc); “Bài ca chim Chơ rao”, “Mặt đất không quên”, “Quê hương mặt trời vàng” (Thu Bồn); “Gia đình má Bảy”, “Mẫn và tôi” (Phan Tứ); “Bức thư làng Mực” (Nguyễn Chí Trung); “Những người đáng yêu nhất”, “Tình nguyện” (Lưu Trùng Dương)...
Sau năm 1975, nhiều nhà văn, nhà thơ trưởng thành trong chiến tranh tiếp tục có mặt trong những binh chủng chủ lực của đại đoàn văn chương đất nước. Và trong các sáng tác của họ về sau này - khi mà chiến tranh ngày càng lùi xa, đề tài chiến tranh cách mạng vẫn là một ưu tiên. Bằng cách này hay cách khác, bằng cách miêu tả trực tiếp hay gián tiếp, nhiều người tiếp tục “nhìn” về cuộc chiến với những chiêm nghiệm mới và khác hơn. Có thể kể đến những “Tiếng khóc của nàng Út” của Nguyễn Chí Trung; “Lạc rừng”, “Người trong cuộc” của Trung Trung Đỉnh; “Vùng chân Hòn Tàu” “Hai người trở lại trung đoàn” của Thái Bá Lợi; “Chim én bay” của Nguyễn Trí Huân; “Những người đi tới biển”, “Dấu chân qua trảng cỏ” của Thanh Thảo; “Năm 75 họ đã sống như thế” của Nguyễn Trí Huân...
Đề tài lớn và hấp dẫn
Trong các trao đổi về nghề, hầu hết tác giả trưởng thành trong chiến tranh hoặc từng đi qua chiến tranh đều cho rằng đề tài chiến tranh cách mạng là một đề tài lớn, có sức hấp dẫn đặc biệt đối với văn chương. Theo nhà văn Trung Trung Đỉnh, đề tài chiến tranh cách mạng là đề tài cực lớn, nhất là khi mà cả dân tộc đã phải trải qua và làm nên cuộc chiến tranh vĩ đại đến thế. Ông bảo: “Tôi tin rằng, mấy trăm năm sau nữa, đây vẫn là đề tài lớn, có sức hấp dẫn đặc biệt. Vấn đề là các thế hệ sau có thể sẽ có cách tiếp cận, có cách viết khác đi...”. Chia sẻ ý kiến này, Đại tá - nhà văn Nguyễn Bảo, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội, cho rằng với văn học, đề tài chiến tranh cách mạng luôn hấp dẫn và ngày càng hấp dẫn. Tất nhiên, đề tài hấp dẫn ấy chỉ trở nên hấp dẫn nếu được khai thác rộng hơn, không chỉ nói về mất mát, hy sinh, chiến đấu và chiến thắng mà còn phải khai thác những vấn đề sâu xa, sâu thẳm ở bên trong và phía sau nó. Và ông nêu ra một gợi ý: “Chúng ta sáng tác về kháng chiến trên một bình diện rộng lớn, bao quát nhưng cũng cần quan tâm khai thác sâu hơn về một đối tượng nhân vật rất quan trọng, đó là nhân dân”. Tương tự, nhà văn Hồ Duy Lệ cũng cho rằng, chiến tranh vẫn là đề tài lớn và gần như bất tận của văn học hôm nay. Bởi ở đó, không chỉ có súng đạn mà còn có rất nhiều những giá trị sống cao quý mà có thể sau một độ lùi nhất định về thời gian, con người mới có thể nhận diện và thấu hiểu...
Và trên thực tế, sự hấp dẫn của đề tài chiến tranh cách mạng đã được chứng minh. Ngay như ở Quảng Nam những năm gần đây, đề tài này đã được xới lên khá mạnh mẽ. Hiện thực ngồn ngộn, khốc liệt và bi tráng của hai cuộc chiến tranh, nhất là cuộc chiến tranh chống Mỹ, cứu nước, đã được nhiều tác giả tập trung khai thác. Từ một nơi cách Quảng Nam ngót 1.000 cây số và sau một khoảng lùi hơn 30 năm kể từ ngày chiến tranh kết thúc, Nguyễn Bảo có 2 tiểu thuyết chân thực, sống động về cuộc chiến hào hùng ở Quảng Nam: “Thượng Đức” và “Đỉnh máu”. Với một khoảng cách không gian và thời gian tương tự, Đỗ Viết Nghiệm hồi niệm về cuộc chiến ở đất Quảng với tiểu thuyết “Đường đen nước đỏ”. Trước đó, Từ Nguyên Tĩnh có tiểu thuyết “Truyền thuyết sông Thu Bồn”... Một số tác giả của Quảng Nam cũng nhập cuộc khai thác đề tài chiến tranh cách mạng. Trong đó, bền bỉ và thành công nhất là nhà văn Hồ Duy Lệ với một loạt tác phẩm: “Mười Chấp và một thời”, “Không có gì trôi đi mất”, “Trong lớp bụi thời gian”, “Mạ tôi”, “Chuyện kể ngày nào”, “Người sót lại”, “Khu vườn kỷ niệm”, “Lửa Núi Thành”... Tác giả Phạm Thông thì góp mặt với 3 tập bút ký: “Ám ảnh vùng Đông”, “Tam Kỳ thời lửa đạn”, “Những bình thường lấp lánh”. Nhà văn Nguyễn Bá Thâm có tập bút ký “Đất của máu và lửa”. Nhà văn Nguyễn Tam Mỹ có các tác phẩm “Máu và tội ác”, “Tuổi thơ trong chiến tranh”, “Nóc ông Bền”. Cao Kim có “Đội chim chèo bẻo”, “Chiến đấu giữa đòn thù”, “Tuổi thơ trong lửa đạn”...
Giờ đây, nhiều cây bút đi ra từ chiến tranh vẫn đang miệt mài sáng tác về đề tài chiến tranh cách mạng. Nói cách khác, đây vẫn đang là đề tài hấp dẫn đối với họ. Duy chỉ có một điều băn khoăn là, số người cầm bút sinh sau 1975 theo đuổi đề tài lớn này đến nay vẫn rất hiếm hoi...
PHAN CHÍ ANH