Nhân ngày toàn dân hiến máu tình nguyện (7.4): Những người giữ máu

VINH ANH 07/04/2016 09:23

Những công việc thầm lặng hàng ngày của các y, bác sĩ tại Khoa Huyết học truyền máu, Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam trong việc tiếp nhận, sàng lọc và bảo quản máu để mang đến nguồn máu “sạch” cung cấp cho bệnh nhân.

Cẩn trọng sàng lọc

Hiện nay, máu được tiếp nhận thông qua 2 nguồn cung cấp cơ bản. Đầu tiên là nguồn máu nhân đạo từ phong trào hiến máu tình nguyện do hội chữ thập đỏ các cấp vận động và phân bổ. Thứ 2 là nguồn máu được lấy trực tiếp tại bệnh viện từ người nhà bệnh nhân và đội ngũ ngân hàng máu sống. Dù bằng hình thức nào thì lượng máu tiếp nhận từ người hiến tặng trước khi được truyền trực tiếp cho bệnh nhân đều phải qua các khâu xử lý, bảo quản tại khoa huyết học của bệnh viện. Bởi vì, máu tiếp nhận ban đầu dù có qua xét nghiệm nhưng chỉ mới là điều kiện cần để một người dân có thể hiến máu, còn cung cấp cho bệnh nhân thì chưa đủ. Do đó, những công đoạn sàng lọc, bảo quản máu tại khoa huyết học phải hết sức cẩn trọng và đảm bảo các quy định nghiêm ngặt của Bộ Y tế đặt ra.

Máu sau khi tiếp nhận, sàng lọc sẽ được bảo quản cẩn thận trong các tủ lạnh để đảm bảo nhiệt độ thích hợp. Ảnh: VINH ANH
Máu sau khi tiếp nhận, sàng lọc sẽ được bảo quản cẩn thận trong các tủ lạnh để đảm bảo nhiệt độ thích hợp. Ảnh: VINH ANH

Theo tìm hiểu của chúng tôi, Khoa Huyết học truyền máu, Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam là nơi tiếp nhận, sử dụng và phân bổ máu hàng tháng lớn nhất trên địa bàn tỉnh. ThS. Nguyễn Minh Tuấn - Phó Trưởng khoa Huyết học truyền máu, Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam cho biết, trung bình mỗi tháng khoa huyết học tiếp nhận khoảng 700 đơn vị máu toàn phần. Sau đó tiến hành điều chế máu làm 2 phần: hồng cầu và huyết tương (FFP). Từ đó, tùy theo nhu cầu của bệnh nhân để sử dụng máu phù hợp. Lượng máu sử dụng, phân bổ hàng tháng tại Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam khoảng 1.200 đơn vị (gồm máu và chế phẩm máu). Ngoài cung cấp máu cho việc cấp cứu, điều trị cho bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam, máu còn được lưu trữ tại khoa huyết học và được cung cấp cho các bệnh viện tuyến huyện và nhiều trường hợp cho cả Bệnh viện Đa khoa miền núi phía Bắc, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Núi Thành.

Để có nguồn máu “sạch” lưu trữ tại kho máu của khoa huyết học thì các công đoạn từ tiếp nhận, sàng lọc đến bảo quản máu phải được thực hiện nghiêm ngặt. Cũng theo ThS. Nguyễn Minh Tuấn, máu sau khi tiếp nhận từ người hiến máu đều được tiến hành sàng lọc và bảo quản kỹ trước khi sử dụng. Khi tiếp nhận máu từ người hiến tặng thì mới chỉ làm xét nghiệm bước đầu, còn sau đó phải tiến hành sàng lọc tại khoa huyết học để kiểm tra chất lượng máu. “Qua kỹ thuật xét nghiệm máu ELIZA mà chúng tôi đang áp dụng, máu sau khi được tiếp nhận sẽ được sàng lọc để phát hiện các bệnh: viêm gan B, HIV, viêm gan C, giang mai và sốt rét. Những đơn vị máu nào dương tính với các bệnh nêu trên sẽ loại ra và ngược lại. Thông thường, tỷ lệ máu bị nhiễm bệnh chiếm khoảng 3%. Do đó, đây là bước hết sức quan trọng để xác định nguồn máu sạch trước khi cung cấp cho bệnh nhân” - ThS.Tuấn nói.

Chú trọng bảo quản

Sàng lọc để xác định chất lượng máu là một vấn đề, quan trọng nhất vẫn là khâu bảo quản máu sau khi được sàng lọc. Tại Khoa Huyết học truyền máu, Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam, một phòng lưu trữ, bảo quản máu được đầu tư khá quy mô theo công nghệ của Bỉ. Tại đây, 2 máy điều hòa nhiệt độ phải bật 24/24 giờ. Máu được lưu trữ trong các tủ chuyên dụng, trên đó hiển thị các thông số để nhân viên theo dõi hàng ngày. ThS. Nguyễn Minh Tuấn cho biết: “Bảo quản máu phải tuân thủ nghiêm ngặt về nhiệt độ. Đối với hồng cầu phải đảm bảo được giữ ở nhiệt độ 4 - 60C; huyết tương (FFP) phải đảm bảo giữ ở nhiệt độ - 400C. Nếu nhiệt độ dao động thì chất lượng máu sẽ giảm, khi truyền vào người bệnh nhân, lập tức sẽ tạo ra một số phản ứng nguy hiểm như sốc phản vệ, buồn nôn… Do đó, việc theo dõi nhiệt độ trong các tủ lạnh bảo quản máu hết sức quan trọng. Hàng ngày, nhân viên phải theo dõi cẩn thận để đảm bảo nhiệt độ bảo quản máu, nếu không máu sẽ bị hỏng. Đặc biệt, thời gian sử dụng máu cũng được quy định rất nghiêm ngặt. Với hồng cầu thì chỉ sử dụng được không quá 35 ngày và FFP chỉ sử dụng được khi không quá 18 tháng”.

Việc cấp cứu và điều trị cho bệnh nhân tại các cơ sở y tế luôn cần nguồn máu dự trữ. Tại bệnh viện, ngoài những ca cấp cứu thông thường chỉ cần truyền máu một lần, có những bệnh nhân phải truyền máu định kỳ nên lượng máu sử dụng rất lớn. Đơn cử như bệnh suy tủy xương, trung bình 2 tháng phải truyền 8 đơn vị máu; những bệnh mãn tính như thiếu máu huyết tán cũng phải truyền máu 2 tháng/lần, tương đương khoảng 6 - 7 đơn vị máu. Đặc biệt, có nhiều ca đa chấn thương, nhiễm độc… lượng máu phải truyền là cực lớn. Những năm qua, phong trào hiến máu tình nguyện ngày càng lan tỏa, thu hút nhiều người tham gia. Nhờ đó, nguồn máu cung cấp cho các bệnh viện dần được đảm bảo.

ThS. Nguyễn Minh Tuấn chia sẻ: “Nhờ phong trào hiến máu tình nguyện được cộng đồng hưởng ứng rộng rãi nên đã giúp các bệnh viện có nguồn máu dự trữ hàng tháng. Nhiều người bệnh đã được cứu sống nhờ nguồn máu quý giá từ cộng đồng. Đặc biệt, có những trường hợp là thành viên của ngân hàng máu sống, khi bệnh viện cần truyền máu gấp thì họ luôn có mặt dù bất cứ giờ nào. Tôi mong rằng phong trào này ngày càng lan tỏa hơn nữa để cộng đồng ai cũng nhận thức được và sẵn sàng tham gia”.

VINH ANH

VINH ANH