Đòn bẩy văn hóa trong xây dựng nông thôn mới
Với đặc thù phần lớn dân cư là đồng bào dân tộc thiểu số, việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa là một trong những yếu tố tiên quyết để xây dựng nông thôn mới ở xã A Tiêng (Tây Giang).
Đồng bộ các tiêu chí
Sau thành công của xã A Nông và Lăng, A Tiêng được đánh giá là địa phương có nhiều lợi thế trong việc triển khai đồng bộ các tiêu chí theo chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới. Trong đó, chú trọng định hình và duy trì ổn định các tiêu chí giảm nghèo, giao thông - thủy lợi, y tế - giáo dục, nhà ở dân cư, an ninh - trật tự xã hội,… nhằm từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống người dân địa phương. Bà Alăng Thị Thiếu - Phó Chủ tịch UBND xã A Tiêng, cho biết: “Cùng với việc mở rộng diện tích đất sản xuất nông nghiệp, tăng năng suất sản lượng lương thực có hạt, chúng tôi còn lập và triển khai đồng bộ các phương án hỗ trợ giống cây trồng, con vật nuôi cho nhân dân các thôn theo Chương trình 30a, 135 và nông thôn mới với hơn 22 nghìn cây ba kích, cùng hàng trăm con bò, dê, heo cỏ địa phương. Ngoài ra, công tác phối hợp với các đơn vị chuyên môn các cấp cũng như công tác khuyến nông - khuyến lâm trên địa bàn xã trong việc cấp, hỗ trợ cây, con giống phục vụ cho nhân dân sản xuất cũng được địa phương thực hiện đạt hiệu quả theo mục tiêu lâu dài”.
Một góc làng mới R’bhượp (xã A Tiêng). Ảnh: ALĂNG NGƯỚC |
Tính đến thời điểm này, A Tiêng đã đạt được 14/19 tiêu chí về nông thôn mới. Trong đó, nhiều tiêu chí được thực hiện đồng bộ về quy mô, đảm bảo quy trình hoạt động và phát huy hiệu quả, giúp từng bước nâng cao thu nhập người dân. Cùng với các chương trình hoạt động an cư lập nghiệp, xây dựng làng bản văn hóa, địa phương còn đặc biệt chú trọng đến công tác san ủi mặt bằng dân cư tại các thôn trên địa bàn. Theo đó, đến nay đã có 7 mặt bằng được hình thành, đảm bảo ổn định chỗ ở lâu dài cho người dân tại các thôn R’bhượp, Aching, Ahu và Agrồng. Bên cạnh đó, chính quyền xã A Tiêng cũng đã hình thành các khu sản xuất ổn định, phát triển bền vững, cùng nhiều mô hình gia trại chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung tại các thôn trên địa bàn. Với nỗ lực trên, hiện toàn xã chỉ còn 14,24% hộ nghèo theo chuẩn mới với thu nhập bình quân đầu người mỗi năm đạt gần 33 triệu đồng.
Nền tảng từ văn hóa
Một trong những khó khăn lớn nhất của xã A Tiêng chính là việc chưa thể giải quyết hoàn thiện mặt bằng khu trung tâm hành chính xã, cũng như thực hiện tiêu chí về trường học, môi trường và tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên. Dù vậy, ông B’ríu Quân vẫn tin tưởng địa phương sẽ “cán đích” đúng theo kế hoạch. |
Ông Bh’riu Quân - Bí thư Đảng ủy xã A Tiêng cho hay, mục tiêu đến cuối năm 2016 địa phương sẽ phấn đấu hoàn thành các tiêu chí còn lại, trình UBND tỉnh xét công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. Với đặc thù phần lớn dân cư là đồng bào dân tộc thiểu số, việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa là một trong những yếu tố tiên quyết góp phần tạo thành công trong chặng đường xây dựng nông thôn mới của địa phương. “Không chỉ đầu tư đồng bộ về cơ sở hạ tầng, thực hiện san ủi mặt bằng dân cư, đẩy mạnh công tác giảm nghèo bền vững… chúng tôi còn thực hiện có hiệu quả công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào Cơ Tu, xây dựng và duy trì các tiêu chí về giáo dục, y tế, an ninh - quốc phòng. Qua đó, đảm bảo đời sống người dân ngày càng được nâng cao, diện mạo nông thôn miền núi ngày thêm khởi sắc” - ông Quân nói.
Tà Vàng, Aching, Ahu - những điểm sáng trong đời sống văn hóa của đồng bào Cơ Tu tại xã A Tiêng được kỳ vọng sẽ là những “cánh chim đầu đàn” giúp địa phương trong việc hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Cùng với nâng cao chất lượng cuộc sống, xây dựng làng bản văn hóa, đồng bào Cơ Tu trên địa bàn xã còn đồng lòng trong việc hiến đất làm đường giao thông nông thôn, xây dựng mặt bằng dân cư và tìm cơ hội giảm nghèo bằng các mô hình kinh tế hiệu quả với sự giúp sức của chính quyền địa phương. Nhờ vậy, tỷ lệ hộ đói nghèo ngày càng giảm dần, từng bước xóa bỏ tâm lý trông chờ, ỷ lại vào các chủ trương, chính sách đầu tư của Nhà nước.
Để dễ quản lý các hộ dân trên địa bàn xã, chính quyền xã A Tiêng đã triển khai gắn số nhà cho người dân. Mặc dù mô hình này còn mới mẻ với người dân miền núi, nhưng nhờ tính hiệu quả mang lại nên đã nhận được sự ủng hộ của đồng bào. Trưởng thôn Tà Vàng - ông Alăng Nheeng chia sẻ, là thôn đầu tiên của xã đăng ký thực hiện gắn số nhà cho người dân, đến nay hầu hết ngôi nhà của đồng bào Tà Vàng đều đã được gắn số, góp phần giúp quản lý thông tin của từng hộ dân được dễ dàng. “Số nhà được lưu vào phần mềm máy tính, mỗi khi có thay đổi về chủ hộ, người dân chỉ cần đến UBND xã để cán bộ chỉnh sửa thông tin ngay trên máy tính. Rất tiện lợi” - ông Nheeng bộc bạch.
ALĂNG NGƯỚC - THÀNH CÔNG