Cần có nơi thờ phụng các liệt sĩ

NGUYỄN ĐIỆN NGỌC 21/03/2016 10:13

TRẢI qua 2 cuộc kháng chiến trường kỳ và gian khổ của dân tộc, hàng trăm người con ưu tú của thôn Quý Thượng (xã Tam Phú, TP.Tam Kỳ) đã đứng lên cầm súng giết giặc, giữ làng và có không ít người đã anh dũng hy sinh. Riêng gia đình mẹ Phạm Thị Hiệt có 7 liệt sĩ, trong đó có chồng, 4 người con trai, 1 con dâu và bản thân mẹ là liệt sĩ. Thế nhưng đến nay vẫn chưa có nơi thờ phụng trang nghiêm để xứng đáng với sự hy sinh cao cả đó.

Những tấm gương trung liệt

Một ngày trung tuần tháng 7.1967 là một trong những ngày tang thương nhất đối với gia đình mẹ Phạm Thị Hiệt. Ngày đó, chồng mẹ là ông Nguyễn Hiệt, sinh năm 1911, một đảng viên trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, không đi tập kết ở lại địa phương làm cán bộ nông hội cùng con trai là Nguyễn Xuân Thanh, sinh năm 1948 và người con dâu là chị Bùi Thị Ngoãn, cùng đội viên du kích đang ẩn náu trong căn hầm bí mật được xây dựng ở ngăn trong, còn mẹ Hiệt và đứa con gái ở ngăn bên ngoài của căn hầm trú đạn. Lúc này địch đi càn bắt mọi người ra khỏi hầm, trong tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, mẹ Hiệt và đứa con gái phải đi ra khỏi hầm để đánh lạc hướng. Nào ngờ liền sau đó bọn chúng ném ngay 2 quả lựu đạn cay xuống hầm làm cho cha con ông Hiệt ngạt thở, không đủ sức để chịu đựng. Vừa bò ra tới miệng hầm, bọn chúng bắn xối xả làm 3 cha con ông chết tại chỗ, trong khi đó chị Bùi Thị Ngoãn đang mang thai 5 tháng. Chưa đầy 3 năm sau đó, khi căn hầm bí mật ở Gò Đá bị địch khui phá, biết mẹ Hiệt là cơ sở nuôi giấu cán bộ chiến sĩ trong căn hầm này nên bọn chúng đến nhà xả súng làm cho mẹ Hiệt và người con gái út Nguyễn Thị Tâm mới 4 tuổi chết tại chỗ. Ngoài 5 người đã bị địch sát hại trong 2 lần, gia đình mẹ Phạm Thị Hiệt còn có 3 người con trai khác cũng lần lượt hy sinh. Đầu tiên là anh Nguyễn Hữu Ngọc (Hai Hiệt) sinh năm 1937, tham gia công tác từ năm 1963, được tổ chức phân công về đơn vị D70 và đã anh dũng hy sinh vào năm 1967 trong một trận đánh không cân sức. Anh Nguyễn Thành Long (tức Phựu), sinh năm 1942, Đại đội phó V12 cũng đã hy sinh vào năm 1972. Anh Nguyễn Minh Huy (tức Năm Hựu), sinh năm 1944, Đội trưởng Đội công tác Kỳ Anh Đông, một cán bộ kiên cường chỉ huy đánh hàng chục trận lớn nhỏ góp phần làm tiêu hao sinh lực địch nhưng rồi hy sinh vào năm 1969. Ông Đỗ Xuân Thăng - người từng chứng kiến nỗi đau thương, mất mát của gia đình mẹ Hiệt nay là Phó Chủ tịch Hội Tù yêu nước TP.Tam Kỳ bồi hồi nhớ lại: “Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước gia đình mẹ Hiệt đã hy sinh hết 7 người, trong đó có anh Nguyễn Minh Huy, Đội trưởng đội công tác xã Kỳ Anh Đông đã nhiều lần bí mật về nhà để tổ chức và lãnh đạo nhân dân đánh địch. Địch biết được nên thường xuyên vây ráp, mai phục nhằm giết hại anh. Một lần, bọn chúng bắn chết 1 đồng chí của ta trong đêm tối ở đầu làng, cho đó là anh Huy, nên hí hửng đến kêu mẹ Hiệt đem xác con về chôn. Tuy không phải là con của mình nhưng mẹ vẫn kêu khóc thảm thiết, rồi đem thi thể đồng đội về chôn cất chu đáo. Sau đó biết người hy sinh không phải là con của mẹ nhưng mẹ đã đánh lừa bọn chúng cùng với đó mẹ là cơ sở cách mạng nhưng không có chứng cứ làm cho bọn chúng càng tức tối nuôi dã tâm giết hại mẹ. Tấm gương trung liệt của mẹ Hiệt cùng những người thân trong gia đình đáng được xây dựng nhà tưởng niệm để giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ con cháu mai sau”.

Nhà xuống cấp phải dùng cây để chống đỡ. Ảnh: NGUYỄN ĐIỆN NGỌC
Nhà xuống cấp phải dùng cây để chống đỡ. Ảnh: NGUYỄN ĐIỆN NGỌC

Cần có nơi để thờ phụng

Sau khi hòa bình lập lại, gia đình mẹ Phạm Thị Hiệt còn sống được 5 người con, đến nay 4 người con gái đã có chồng ở xa. Anh Nguyễn Xuân Thưởng, sinh năm 1953, là người con trai duy nhất còn sống sót hiện làm nông ở quê nhà. Cuộc sống còn nhiều khó khăn nên không đủ điều kiện để xây dựng nơi thờ phụng cha mẹ và các anh chị được trang  nghiêm hơn. Trước tình hình đó, năm 2007 được Hội Chữ thập đỏ tỉnh hỗ trợ 15 triệu đồng cùng với khoản kinh phí tích cóp được, anh Thưởng đã xây dựng căn nhà mang tên nhân đạo từ thiện. Các liệt sĩ được thờ trên ngăn gác lửng nhưng ván lót sàn không đủ kín, cầu thang không có tay vịn nên mỗi lần đi lên để thắp hương rất khó khăn. Nguy hiểm hơn là những cây xà gỗ làm bằng gỗ bạch đàn nay đã võng xuống làm cho những tấm lợp bị vỡ vụn, mỗi khi trời mưa, nước chảy tràn vào bàn thờ làm cho những tấm Bằng Tổ quốc ghi công ướt sũng, trong đó có một số tấm hư hỏng hoàn toàn. Do kinh phí ít, điều kiện khó khăn nên căn nhà xây dựng không được kiên cố, mới qua hơn 8 năm kể từ khi đưa vào sử dụng đã xuống cấp trầm trọng, anh Thưởng phải dùng đủ các loại cây chống đỡ để khỏi bị sập. Ông Phạm Văn Phòng - Bí thư Chi bộ thôn Quý Thượng cho biết: Mới đây, các ngành chức năng của thành phố đã khảo sát, thống nhất hỗ trợ 25 triệu đồng để sửa chữa nhà tình nghĩa cho con liệt sĩ nhưng xét thấy số tiền này là quá ít gia đình anh Thưởng sẽ không có điều kiện sữa chữa vì căn nhà đã xuống cấp trầm trọng, trong khi đó kinh tế gia đình còn nhiều khó khăn. Chi ủy và Ban nhân dân thôn Quý Thượng đang tham mưu Đảng ủy, UBND xã Tam Phú cho chủ trương để địa phương gửi thư kêu gọi những người con quê hương có điều kiện đang sinh sống, công tác ở mọi miền Tổ quốc cũng như các nhà hảo tâm trong và ngoài địa phương giúp đỡ. Đồng thời vận động bà con họ hàng đóng góp kinh phí nhằm giúp anh Thưởng có điều kiện sửa chữa nhà làm nơi thờ phụng các liệt sĩ được trang nghiêm hơn. Tuy nhiên đến thời điểm này vẫn chưa nhận được sự phản hồi.

“Gia đình tôi có cả thảy 7 người hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, trong đó anh Nguyễn Thành Long đang được vợ và người con gái thờ phụng tại nhà riêng ở phường An Phú. Còn lại cha, 4 người anh trai, 1 chị dâu và mẹ tôi là liệt sĩ và là Bà mẹ Việt Nam anh hùng tôi đang thờ nhưng nhà cửa đã xuống cấp, vợ chồng tôi làm nông, kinh tế còn nhiều khó khăn không đủ điều kiện để sửa chữa nhà ở. Rất mong Đảng, Nhà nước hỗ trợ kinh phí giúp chúng tôi xây dựng nhà nhằm sớm có chỗ thờ phụng để cha mẹ và các anh chị của chúng tôi được ấm lòng ở nơi chín suối” - anh Nguyễn Xuân Thưởng bày tỏ.

NGUYỄN ĐIỆN NGỌC

NGUYỄN ĐIỆN NGỌC