Tuyển sinh lớp 10 năm 2016: Càng bàn, càng "nóng"
Sáng qua 15.3, Sở GD-ĐT tổ chức hội nghị bàn công tác tuyển sinh lớp 10 năm 2016. Năm nào ngành GD-ĐT cũng mở hội nghị nhưng lần này vẫn “nóng” với nhiều ý kiến của lãnh đạo các trường THPT, Phòng GD-ĐT.
Phân tuyến tuyển sinh giúp cho Trường THPT Phan Châu Trinh (Tiên Phước) nâng cao chất lượng. Ảnh: X.P |
Câu chuyện “phân tuyến”
Ông Huỳnh Ngọc Phúc - Trưởng phòng Khảo thí kiểm định chất lượng Sở GD-ĐT cho biết, phương án tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2016 - 2017 cơ bản vẫn giữ như các năm trước. Đó là, 2 trường chuyên vẫn tổ chức thi tuyển và thí sinh được dự tuyển 2 nguyện vọng nhằm tạo cơ hội thuận lợi cho học sinh giỏi có cơ hội trúng tuyển. Về tuyển sinh lớp 10 các trường THPT miền núi, xét tuyển 100% số học sinh tốt nghiệp THCS trên địa bàn đăng ký. Riêng đối với các trường THPT công lập ở các huyện đồng bằng, thị xã, thành phố, phương thức tuyển sinh năm 2016 vẫn là xét tuyển kết hợp với phân vùng tuyển sinh theo trường THCS, kể cả vùng ven.
Tuyển sinh lớp 10 theo phương thức xét tuyển kết hợp với phân tuyến triển khai thực hiện nhiều năm qua. Theo đánh giá của ngành GD-ĐT và dư luận xã hội, phương thức tuyển sinh này có nhiều ưu điểm như giảm được áp lực thi cử và tốn kém cho học sinh, phụ huynh và xã hội; tạo điều kiện thuận lợi và công bằng cho học sinh, các trường học, qua đó giúp cho các trường THPT có động lực thi đua dạy tốt, học tốt. Ngoài ra, xét kết quả học tập kết hợp với phân tuyến trong tuyển sinh sẽ đáp ứng mục tiêu giáo dục toàn diện cho học sinh cấp THCS, đem lại hiệu quả giáo dục tốt hơn.
Để tránh sai sót như đã xảy ra tại tuyển sinh vào trường THPT chuyên năm 2015, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Thanh Quốc chỉ đạo thành lập tổ kiểm tra hồ sơ đăng ký dự tuyển của thí sinh. Nhiệm vụ của tổ này là sau khi 2 trường chuyên nhận hồ sơ, kiểm tra xong thì tổ sẽ kiểm tra lại lần cuối cùng, tuyệt đối không để lặp lại việc giáo vụ các trường nhập sai số liệu tuyển sinh, môn đăng ký của thí sinh dẫn đến thiệt thòi quyền lợi của các em học sinh. |
Tuy nhiên, cũng như những năm qua, câu chuyện “phân tuyến” với nhiều bất hợp lý trong phân vùng tuyển sinh một lần nữa được hiệu trưởng nhiều trường THPT chia sẻ. Thầy Phạm Hữu Thức - Hiệu trưởng Trường THPT Phan Châu Trinh (Tiên Phước) cho rằng, phân tuyến là hợp lý nhưng vẫn còn có rất nhiều vấn đề ở các địa phương cần được làm rõ nhằm tạo ra sự công bằng cho học sinh và trường học. Dẫn chứng trường hợp 30 học sinh giỏi của Trường THCS Lê Thị Hồng Gấm thay vì dự tuyển vào Trường THPT Phan Châu Trinh như phân tuyến nhưng cuối cùng lại vào học lớp 10 THPT Huỳnh Thúc Kháng, thầy Thức đặt câu hỏi về sự minh bạch, hợp lý trong phân tuyến của huyện Tiên Phước. Chia sẻ về thông tin này, một lãnh đạo Phòng GD-ĐT huyện Tiên Phước cho rằng đang có tình trạng phụ huynh chạy hộ khẩu để con em có thể vào học tại Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng. Dù vậy, một thực tế là khi phân tuyến vẫn có những bất cập như một số học sinh đi ngang qua Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng để đến học Trường THPT Phan Châu Trinh nên UBND huyện đã giải quyết theo nguyện vọng của phụ huynh.
Tương tự, ông Nguyễn Hữu Thiện - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Huệ (Núi Thành) chia sẻ, những năm gần đây số lượng học sinh của trường liên tục giảm khi huyện phân tuyến học sinh xã Tam Hải về học tại Trường THPT Núi Thành. “Thời gian qua, cứ mỗi năm nhà trường sụt giảm 2 lớp. Vì vậy, tôi đề nghị kiểm tra lại việc phân tuyến của địa phương liệu có hợp lý chưa?” - ông Thiện nói. Hiệu trưởng Trường THPT Duy Tân - Lê Thanh Tiền cũng bày tỏ băn khoăn về việc TP.Tam Kỳ phân học sinh THCS xã Tam Thăng về 2 trường THPT Trần Cao Vân và Duy Tân trong khi các em đi học trường Duy Tân gần hơn nhiều. “Tôi không hiểu vì sao có sự phân tuyến lạ kỳ này. Nhà trường đã có văn bản gửi Sở GD-ĐT và UBND TP.Tam Kỳ nhưng chưa có hồi âm” - ông Tiền cho hay.
Bỏ học nhiều, chất lượng thấp
Không chỉ câu chuyện “phân tuyến”, vấn đề tỷ lệ tuyển sinh bao nhiêu là hợp lý cũng được nhiều trường học quan tâm. Sở dĩ như vậy bởi hiện nay, theo lãnh đạo các trường THPT, chất lượng giáo dục thấp và tình trạng bỏ học gia tăng đang là vấn đề nan giải khiến cho các trường đau đầu. Theo ông Nguyễn Khắc Thám - Hiệu trưởng Trường THPT Đỗ Đăng Tuyển (Đại Lộc), tâm lý của địa phương, phụ huynh, học sinh là tuyển sinh nhiều nhưng như thế nào để hợp lý, có chất lượng cần phải được xem xét thấu đáo. Thực tế thời gian qua khi tuyển 95% số học sinh vào lớp 10 thì tình trạng học sinh bỏ học xảy ra ở rất nhiều trường, với tỷ lệ khá cao. “Theo tôi, nên tuyển sinh 85 - 90% là hợp lý để nâng cao chất lượng, giúp các trường hạn chế việc bỏ học, ảnh hưởng đến công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia” - ông Thám đề nghị.
Trong khi đó, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Huệ - ông Nguyễn Hữu Thiện cho biết bên cạnh bỏ học giữa chừng, rất nhiều học sinh đã không ra lớp ngay từ đầu vì không có nhu cầu học lên lớp 10. Điều này khiến nhà trường rất khó khăn và vất vả trong việc vận động các em ra lớp, xây dựng kế hoạch và tổ chức giảng dạy. Cạnh đó, do tuyển sinh gần như 100% số học sinh THCS nên chất lượng ở bậc THPT thấp. Đồng quan điểm, ông Phùng Hoàng - Trưởng phòng GD-ĐT huyện Duy Xuyên đề nghị nên nghiên cứu hạ thấp tỷ lệ tuyển sinh xuống dưới 95%, vì với tỷ lệ tuyển sinh như vừa qua, nhiều em sức học hạn chế dẫn đến bỏ học giữa chừng, chất lượng học tập thấp.
Theo Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Thanh Quốc, phương thức xét tuyển kết hợp với phân tuyến trong tuyển sinh lớp 10 vào các trường THPT các huyện đồng bằng, thị xã, thành phố được thực hiện trong những năm qua đã đem lại nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, những tồn tại, bất cập trong việc phân tuyến cần phải được các trường THPT, Phòng GD-ĐT tiếp tục nghiên cứu, có văn bản gửi Sở GD-ĐT để tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo giải quyết hợp lý. Liên quan đến chất lượng giáo dục của bậc THPT thấp so với khi còn học ở bậc THCS, ông Quốc cho rằng đó là kết quả chung của cả nước. Tuy nhiên, qua đó cho thấy các Phòng GD-ĐT, các trường THPT cần phải chú trọng hơn nữa đến công tác dạy và học, nâng cao chất lượng. Còn tỷ lệ tuyển sinh cao hay thấp phụ thuộc vào nhiều yếu tố trong đó có đội ngũ cán bộ, giáo viên.
XUÂN PHÚ