Vướng mắc ở Điện Bàn

VĨNH LỘC 02/03/2016 10:24

Đã một năm kể từ ngày Điện Bàn chuyển đổi từ mô hình quản lý huyện sang thị xã, bên cạnh những mặt tích cực vẫn còn nhiều vướng mắc cần hoàn thiện, nhất là đối với các phường trực thuộc.

Kết quả tích cực

Ngày 11.3.2015, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Quyết định số 889/NQ-UBTVQH về việc thành lập thị xã Điện Bàn. Trên cơ sở đó, có 7 phường mới được thành lập gồm Vĩnh Điện, Điện An, Điện Dương, Điện Ngọc, Điện Nam Trung, Điện Nam Đông, Điện Nam Bắc. Dù có những bỡ ngỡ ban đầu trước mô hình quản lý đô thị còn mới mẻ nhưng nhìn chung kết quả đạt được ban đầu khá tích cực. Tại phường Điện Ngọc, thành tựu rõ nét nhất từ khi lên phường là thương mại - dịch vụ phát triển; trật tự an ninh đảm bảo; hạ tầng giao thông được thúc đẩy triển khai nhanh chóng với việc hoàn thành 2 tuyến đường 603, 607; đầu tư xây dựng Tượng đài Dũng sĩ Điện Ngọc; bê tông hóa kênh mương nội đồng… Tương tự, việc chuyển đổi từ xã lên phường cũng giúp các địa phương khác có những thay đổi tích cực, bộ mặt đô thị dần định hình, cuộc sống, sinh hoạt người dân bắt đầu đi vào nền nếp theo lối sống văn minh đô thị… Đặc biệt, bên cạnh thương mại - dịch vụ phát triển, thủ tục giấy tờ được giải quyết nhanh gọn hơn thì một kết quả khá rõ nét chính là ý thức người dân đã dần thay đổi, trật tự xã hội được đảm bảo do việc kiện toàn bộ máy quản lý về an ninh như thành lập các ban bảo vệ dân phố, tổ bảo vệ dân phố để cùng phối hợp với lực lượng công an chính quy thường xuyên tiến hành tuần tra, kiểm tra, kịp thời ngăn chặn các biểu hiện gây mất an ninh trật tự trên địa bàn.

Ngoại trừ Vĩnh Điện, các phường khác của Điện Bàn đều có những vướng mắc nhất định, tập trung chủ yếu vào hạ tầng giao thông.
Ngoại trừ Vĩnh Điện, các phường khác của Điện Bàn đều có những vướng mắc nhất định, tập trung chủ yếu vào hạ tầng giao thông.

Sự ra đời của các đồn công an phường đã góp phần hạn chế số vụ vi phạm pháp luật. Điển hình, tại Điện Ngọc, từ khi thành lập đồn công an đã duy trì thực hiện tốt công tác trực đêm, trực bảo vệ các ngày lễ, tết; chủ động phối hợp với Ban chỉ huy quân sự, dân quân, dân phòng, công an vùng giáp ranh tổ chức tuần tra, mai phục, trấn áp tội phạm, xử lý các vụ liên quan đến an ninh trật tự. Ngoài ra, lực lượng công an cũng phối hợp chốt chặn tuần tra, kiểm soát ngăn chặn tình trạng khai thác tài nguyên trái phép trên sông Ngân Hà - Tứ Câu; hỗ trợ xử lý các trường hợp xây dựng nhà, vật kiến trúc trái phép… Tính đến hết năm 2015 số vụ phạm pháp hình sự đã giảm 12 vụ (còn 58 vụ), tai nạn giao thông giảm 36 vụ so với năm 2014. Với Điện An, việc thành lập Ban bảo vệ dân phố, Tổ bảo vệ dân phố phối hợp hoạt động với công an phường đã góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, qua đó hạn chế số vụ vi phạm chỉ còn 22 vụ - con số khá thấp nếu so với trước khi lên phường. “Thành công nhất của Điện An từ khi lên phường chính là tình hình an ninh được đảm bảo, số vụ gây rối, vi phạm pháp luật giảm do tâm lý nể nang, thân quen trước đây của lực lượng công an xã đã được xóa bỏ” - ông Trần Văn Sơn - Phó Chủ tịch UBND phường Điện An chia sẻ.

Đầu tư chưa tương xứng

Theo tính toán, tổng kinh phí đầu tư trung hạn (2016 - 2020) trên địa bàn thị xã Điện Bàn ước tính vài nghìn tỷ đồng, tuy nhiên tổng nguồn huy động cân đối của thị xã trong 5 năm tới cũng chỉ dao động trong khoảng 400 tỷ đồng, vì vậy sự hỗ trợ từ tỉnh và trung ương trong đầu tư hạ tầng đô thị rất quan trọng. Ông Trần Úc - Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn khẳng định, việc chuyển đổi từ huyện thành thị xã, ngoài hiệu quả tốt về quản lý nhà nước, an ninh, trật tự an toàn xã hội…, cái được nhất chính là sự quan tâm của tỉnh nhiều hơn trong đầu tư hạ tầng, đặc biệt là các trục kết nối ĐT603, 607, 605, 609. Ngoài ra, cũng đã bắt đầu xuất hiện một dòng đầu tư mới hay nói cách khác đã tạo ra một sự cạnh tranh đầu tư ở Điện Bàn nhất là trong các dự án du lịch ven biển cũng như các dự án đô thị.

Việc chuyển đổi mô hình quản lý từ xã lên phường bước đầu đã mang lại những kết quả tích cực, tuy vậy không phải tất cả đều thuận lợi. Qua khảo sát tại các phường mới thành lập, ngoại trừ Vĩnh Điện, các nơi khác đều có những vướng mắc nhất định, tập trung chủ yếu vào hạ tầng giao thông, nguồn lực đầu tư, cơ chế quản lý, chính sách đối với người dân như mức thu phí, lệ phí mới về vệ sinh môi trường, điện, nước, học phí… Ông Trần Văn Sơn - Phó Chủ tịch UBND phường Điện An thừa nhận, dù ý thức của người dân đã bắt đầu nâng cao nhưng nhìn chung vẫn còn một bộ phận chưa đồng tình trong việc nộp phí vệ sinh môi trường, rác thải; việc lấn chiếm vỉa hè, vi phạm trong xây dựng còn diễn ra khá nhiều do ý thức người dân vẫn chưa kịp thay đổi. “Vướng nhất hiện nay là vấn đề nhập khẩu, tách khẩu. Nếu trước đây làm giấy khai sinh cho con chỉ cần tới bộ phận tư pháp xã và qua công an xã nhập khẩu nhưng bây giờ phải xuống công an thị xã làm nên rất phiền cho dân” - ông Sơn cho biết.

Tại phường Điện Ngọc, dù đã có những thuận lợi riêng về hạ tầng, đầu tư cơ bản khi đã được công nhận đô thị từ năm 2013 nhưng cũng gặp không ít khó khăn, nhất là nguồn lực đầu tư hạ tầng vẫn chưa tương xứng với yêu cầu phát triển; chính sách hỗ trợ cán bộ, công chức cơ sở sụt giảm so với trước đây. Theo ông Phan Văn Huyến - Chủ tịch UBND phường Điện Ngọc, việc lên phường cũng kèm theo nhiều chính sách thay đổi như thuế đất, chuẩn nghèo tăng lên nhưng mức hỗ trợ cho cán bộ chuyên trách lại giảm xuống. Cụ thể, nếu như trước đây mức hỗ trợ cho cán bộ dân số 300 nghìn đồng/tháng thì nay chỉ còn 60 -70 nghìn đồng. Rồi công tác giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo cũng tăng cao, chủ yếu trên lĩnh vực tranh chấp đất đai.  Ngoài ra, mức hỗ trợ thu gom rác thải cho phường cũng giảm từ 220 triệu đồng (năm 2015) xuống còn 193 triệu đồng (năm 2016) nên phường phải bù kinh phí (ngay như năm 2015 đã phải bù khoảng 113 triệu đồng). Riêng số tiền nợ từ các dự án đầu tư cơ bản đã gần 3 tỷ đồng nhưng hiện phường vẫn chưa tìm được nguồn để trả…

“Suy cho cùng, những cái chưa thuận lợi là quá nhỏ so với cái được khi Điện Bàn lên thị xã. Tuy vậy, để sớm hoàn thiện hạ tầng đô thị, tỉnh cần có cơ chế đặc thù cho Điện Bàn theo mô hình phát triển của một đô thị như Tam Kỳ, Hội An. Thứ hai là cơ chế đầu tư cũng phải xem xét lại, nhất là trong phân chia tiền sử dụng đất để thị xã tạo nguồn lực chứ không thể chia đều 50 - 50  như các huyện khác, còn cả vấn đề bố trí con người…” - ông Trần Úc, Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn, nói.

VĨNH LỘC

VĨNH LỘC