Du xuân lễ hội
Tháng giêng, vào mùa lễ hội cũng là dịp để người dân và du khách du ngoạn về những miền quê xứ Quảng hòa mình vào các lễ hội dân gian, cùng cầu mong một năm bình an, may mắn, mưa thuận gió hòa.
Sau tết cũng là thời điểm khởi đầu cho những chuyến hành hương về với các giá trị văn hóa tâm linh. Nổi bật, có thể kể đến tết nguyên tiêu (rằm tháng giêng) được tổ chức quy mô tại các đình làng và hội quán của người Hoa ở Hội An như Quảng Triệu, Phúc Kiến hay Miếu Quan Công với các hoạt động văn hóa đặc sắc nhằm không chỉ cầu mong an bình thịnh vượng mà còn là dịp gặp mặt thường niên của con cháu xa gần trong bang cùng về tế tự tiền hiền. Cũng thời điểm này tại Hội An sẽ diễn ra một lễ hội khá độc đáo, tuy mới xuất hiện trong vài năm gần đây nhưng đã thu hút sự quan tâm khá lớn của du khách khắp nơi đó chính là Ngày hội bắp nếp, diễn ra sáng 16 tháng giêng tại phường Cẩm Nam.
Hát bả trạo trong lễ cầu ngư của các địa phương ven biển Quảng Nam. Ảnh: G.KHANG |
Tháng giêng, hai về Quảng Nam dù tiết trời còn se lạnh nhưng du khách sẽ ấm lòng hơn khi tham dự các lễ hội văn hóa tâm linh đặc sắc như lễ vía Bà Thiên Hậu thánh Mẫu, lễ hội Thanh minh, lễ hội Long chu, lễ Tế cá Ông, cầu ngư tại các vùng biển Hội An, Thăng Bình, Núi Thành… nhằm tri ân biển cả, tri ân cá Ông đã cứu giúp người dân đi biển thoát khỏi thiên tai, hoạn nạn. Đặc biệt, một lễ hội không kém phần hấp dẫn thu hút sự quan tâm của nhiều du khách đó là Lễ hội Bà Thu Bồn (Duy Tân, Duy Xuyên), tổ chức định kỳ ngày 12 tháng 2 âm lịch hàng năm. Đây là một trong những lễ hội mang đậm nét tín ngưỡng thờ mẫu của người dân các vùng bãi bồi sông nước nhằm tưởng nhớ một nữ tướng người Chăm (Bô Bô phu nhân), người có công gây dựng nghề nông - ngư nghiệp cho người dân trong vùng. Điểm nhấn của lễ hội chính là các trò chơi dân gian như đua thuyền, hát bội, bài chòi, rước cộ, rước nước… Trong đó lễ hội đua thuyền truyền thống đã trở thành hoạt động văn hóa khá thú vị. Theo lệ, trước khi tranh tài các thuyền phải đến làm lễ, khấn vái trước lăng Bà rồi mới xuất phát. Mỗi thuyền đua cử ra một người ngồi ở mũi thuyền mặc áo đỏ, được coi như “tùy phái’ của thần chủ thuyền có nhiệm vụ vừa hát, vừa múa để khích lệ trạo thủ khi nghe tiếng hô ấy sẽ cảm thấy mình được thần linh trợ lực nên tay chèo bơi khỏe hơn. Con sông Thu Bồn như cuộn sóng bởi tiếng hò reo của trạo thủ, tiếng cổ vũ của nhân dân hai bên bờ càng làm cho không gian lễ hội thêm phần rộn rã….
Một không gian lễ hội đã mở ra trước mắt gọi mời người xem và du khách đến chiêm bái, du ngoạn. Đó cũng chính là khởi đầu cho một năm mới với nhiều niềm tin và kỳ vọng. Còn chần chờ gì nữa, hãy đến và hòa mình vào tiếng trống khai hội…
GIA KHANG