Xuân về Linh Cang

VIỆT QUANG 04/02/2016 10:57

Mùa xuân đang tràn về, phả sức sống mới lên vùng đất Linh Cang (xã Bình Phú, Thăng Bình), nơi lưu giữ Di tích lịch sử cấp tỉnh “Căn cứ Huyện ủy Thăng Bình”, địa điểm quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ của quân và dân Quảng Nam.

Đường về thôn Linh Cang không còn gồ ghề, trơn trượt vì mưa lầy, thay vào đó là những con đường bê tông sạch sẽ, thoáng đãng. Dọc hai bên đường, rừng keo lá tràm tươi mới, rừng cao su xanh mơn mởn, ngút ngàn trong mưa bụi. Chúng tôi tìm đến gia đình anh Nguyễn Viết Cường, đoàn viên xuất sắc của phong trào thanh niên làm kinh tế giỏi huyện Thăng Bình. Từ năm 2007 đến nay, qua nhiều nguồn vốn huy động được, anh Nguyễn Viết Cường đã trồng gần 3.000 cây cao su trên diện tích 5ha. Đến thời điểm này, rừng cao su tiểu điền của anh đã cho thu hoạch. Theo ước tính, năng suất mủ cao su thu hoạch đạt 1 tấn/ha. Với 5 tấn mủ cao su thu hoạch mỗi năm, gia đình anh Cường sẽ có nguồn thu khoảng 500 triệu đồng. Mặc dù giá mủ cao su xuống thấp vào thời điểm này nhưng anh Cường không quá lo bởi rừng cao su này sẽ còn cho thu hoạch trong vòng 25 năm đến…

Người dân thôn Linh Cang viếng hương tại Di tích lịch sử cấp tỉnh “Căn cứ Huyện ủy Thăng Bình”. Ảnh: Q.VIỆT
Người dân thôn Linh Cang viếng hương tại Di tích lịch sử cấp tỉnh “Căn cứ Huyện ủy Thăng Bình”. Ảnh: Q.VIỆT

Nghe chúng tôi hỏi thăm nhà ông Nguyễn Viết Trãi, một người dân đang chăm lúa trên ruộng nhanh tay chỉ lối: “Nhà anh Trãi ở chỗ ngã ba đó, rẽ phải vào là thấy ngay, ngôi nhà xinh xắn nhất xóm”. Quả nhiên, nhà ông Trãi hiện ra bề thế mà gần gũi, 3 gian nhà rộng rãi, ngăn nắp. Từ nhiều năm qua, ông Trãi là nông dân sản xuất giỏi của huyện Thăng Bình. Trước đây, gia đình nuôi 30 con bò giống sinh sản. Từ 2 năm nay, thấy giống bò lai khỏe mạnh hơn, đem lại giá trị kinh tế cao, ông Trãi mua 7 con bò lai với tổng trị giá 210 triệu đồng. Mỗi năm, sau khi 4 con bò cái đẻ, gia đình ông Trãi bán bê con thu được 80 triệu đồng. Từ nguồn vốn tích lũy được, ông Trãi đã đầu tư thêm mô hình nuôi 200 con thỏ. Khi mỗi con thỏ đạt trọng lượng 2kg, ông Trãi đem bán thịt thu được gần 200 nghìn đồng/con. Mỗi lứa nuôi thỏ trong thời gian 3 tháng, gia đình ông Trãi có thu được khoảng 36 triệu đồng.

Linh Cang vốn là địa bàn đóng chân của căn cứ Huyện ủy Thăng Bình (1964 - 1975). Đây là địa bàn quan trọng nối liền chiến trường phía đông bắc và tây nam của tỉnh, là huyết mạch vận chuyển quân, liên lạc. Tối ngày 13.3.1975, tại căn cứ Huyện ủy Thăng Bình, đồng chí Hoàng Minh Thắng - Bí thư Đảng ủy Mặt trận Giải phóng Quảng Nam đã trao cờ Quyết thắng cho cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang giải phóng vùng đông Thăng Bình và Quảng Nam.

Không chỉ có những con đường tươm tất, các yếu tố hạ tầng khác như điện, đài, trường, trạm của Linh Cang đều được kiện toàn, tạo động lực để người dân tập trung phát triển kinh tế, xây dựng quê hương; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn chưa đầy 10%... Ông Đoàn Ngọc Hùng - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Phú cho biết, tiền đề của những đổi thay trên quê hương cách mạng Linh Cang là nhờ công cuộc xây dựng nông thôn mới đã đem đến “trái ngọt” cho người dân. Thành quả đó còn hiển hiện ở từng công trình thiết chế văn hóa được xây dựng khang trang. Đời sống của người dân ngày một khấm khá nhờ đầu tư phát triển đa dạng các mô hình kinh tế. Đi quanh thôn thấy rộn rã nói cười, như không khí xuân đã ngập tràn lối xóm.

Ông Hùng cho hay, xây dựng nông thôn mới đã tạo cú hích lớn cho chặng đường phát triển của thôn Linh Cang. Tuy nhiên để duy trì đời sống vật chất ổn định, nâng cao chất lượng hưởng thụ các giá trị văn hóa, tinh thần cho người dân còn là cả một chặng đường dài ở phía trước.

VIỆT QUANG

VIỆT QUANG