Tết buồn của người nuôi cá trên thuỷ điện Sông Tranh
(QNO) - Những người nuôi cá lồng bè trên thuỷ điện Sông Tranh (huyện Bắc Trà My) đang đối diện một cái tết kém vui khi giá bán khá thấp và nhất là thời gian gần đây, xuất hiện tình trạng kẻ xấu phá hoại tài sản.
Giá cá bán ra thấp khiến người nuôi gặp nhiều khó khăn. Ảnh: XUÂN THỌ |
Bí đầu ra, giá bị ép
Nuôi cá từ đầu năm 2015, đến nay anh Hoàng Viết Sĩ có 1 bè gồm 8 lồng nuôi các loại cá lăng, diêu hồng, trê, rô phi. Trong đó, số lượng cá diêu hồng và cá trê chiếm số lượng nhiều nhất. Cho đến thời điểm hiện tại, anh chỉ mới xuất bán được 2 lần với tổng cộng 5,5 tấn cá diêu hồng.
Lần đầu giá cá diêu hồng trên 40.000 đồng/ kg, anh bán 3,5 tấn thu về 140 triệu đồng. Lần thứ 2 anh bán 2 tấn cá với giá khoảng 34.000 đồng/ kg và thu về khoảng 68 triệu đồng. Tranh thủ tết, anh Sĩ định xuất bán để có tiền sắm tết, tuy nhiên giá cá hiện chỉ khoảng 34.000 đồng/ kg và đầu ra cũng chưa thật sự chắn chắn nên chưa bán được.
Anh Sĩ tính toán: “Để nuôi được 1 tấn cá trong trường hợp không có rủi ro, chi phí “chết cứng” khoảng 35 triệu đồng. Nên giá bán dưới 35.000 đồng/ kg chúng tôi chắc chắn sẽ bị lỗ, đó là chưa nói đến công sức bỏ ra. Đầu năm 2015 đến nay, chỉ có một lần giá cá trên 40.000 đồng/ kg, còn lại đều “nằm” ở giá 34.000 đồng/ kg hoặc thấp hơn”.
Hôm chúng tôi đến, ông Đỗ Văn Nên vừa bán được 2 tấn cá diêu hồng đi Huế với giá 34.000 đồng/ kg, 4 lồng còn lại, dù muốn bán nhưng không có thương lái chịu mua. “Với giá bán này, tính ra tôi lỗ 9 triệu đồng/ tấn, nhưng cũng phải bán vì càng để càng lỗ, và bán để có tiền mua bột, thuốc men cho số cá nhỏ hơn. Cũng vì giá bán thấp, đầu ra bí nên đến thời điểm này tôi không dám nuôi thêm lứa mới nào; trong khi cùng thời điểm này mọi năm, đã là lứa thứ 2 rồi” - ông Nên cho biết thêm.
Nuôi cá từ năm 2013, đến nay ông Nên có 18 lồng gồm các loại các trê, rô phi, diêu hồng, leo, ốc len... Riêng năm 2015, chi phí ông Nên bỏ ra để nuôi là gần 1,5 tỉ đồng nhưng mới chỉ thu được gần 900 triệu đồng. Ông Nên còn cho biết thêm, trong năm 2015 có ít nhất 3 đợt bị thiệt hại nặng do dịch bệnh, khiến cho chi phí nuôi cá của ông “đội” lên nhiều hơn.
Theo những người nuôi cá, thị trường của họ là Tam Kỳ, TP.Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Huế. Tuy nhiên, những năm gần đây các thị trường này cũng có người nuôi nên thương lái giảm hẳn đơn hàng khiến cho đầu ra của họ gặp khó. Còn thị trường tại chỗ là Bắc Trà My, thì người dân chưa quen với cá diêu hồng. Các loại cá còn lại thì mỗi ngày mỗi bè nuôi xuất bán cũng chỉ chưa tới 20kg, chưa đủ tiền mua bột cho cá ăn trong ngày.
Lồng bè bị phá hoại
Trong khi việc nuôi cá đang bị “bủa vây” bởi những khó khăn trên, thì khoảng 3 tháng trở lại đây, xuất hiện tình trạng kẻ xấu phá hoại lồng bè khiến cho người nuôi hoang mang, lo lắng. Theo phản ánh từ người nuôi cá, những kẻ xấu này hoạt động vào khoảng từ giờ khuya đến đầu giờ sáng ngày hôm sau. Thủ đoạn phá hoại của những kẻ này là phá rớ, rạch lưới lồng nuôi cá...
Sau khi bị phá hoại, bà Nguyệt di chuyển rớ mới về gần sát bè nuôi cá hơn. Ảnh: XUÂN THỌ |
Lần gần đây nhất là cách đây khoảng nửa tháng, lợi dụng đêm khuya, kẻ xấu cho thuyền chạy đến và áp sát bè nuôi cá của bà Nguyễn Thị Hoa. Sau đó, chúng dùng dao cắt lưới lồng nuôi cá trê khiến cho toàn bộ cá trong lồng này thoát ra ngoài hết. Bà Hoa cho biết số cá trê này bà nuôi đã hơn 3 tháng, từ 40kg cá giống với tổng chi phí từ lúc thả nuôi đến bị phá hoại là khoảng 14 triệu đồng.
Ngoài phá lồng bè, các đối tượng xấu còn chặt phá, lôi kéo rớ của người nuôi cá và đã có ít nhất 2 nạn nhân. Bà Lâm Thị Nguyệt cho biết cách đây không lâu, kẻ xấu sau khi chặt, bằm rớ của bà rồi định kéo đi nơi khác nhưng vì nặng quá nên không thành. Tuy vậy, hành động phá hoại ấy khiến bà Nguyệt lo lắng, đồng thời phải làm lại rớ mới và kéo đặt rớ nơi gần bè nuôi cá hơn. Được biết, các hộ nuôi cá dùng rớ để bắt cá nhỏ làm thức ăn cho các nuôi. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Nhuần - PCT UBND huyện Bắc Trà My cho biết đã tiếp nhận vụ việc, đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan vào cuộc điều tra làm rõ.
XUÂN THỌ