Giúp học trò nghèo

XUÂN PHÚ 01/02/2016 08:50

Công tác khuyến học (KH) ở Quảng Nam lan tỏa khắp địa bàn tỉnh, không chỉ là công việc riêng của các cấp hội KH và những gia đình có con em đi học mà trở thành tình cảm, trách nhiệm chung của mọi người, mọi lực lượng xã hội.

Chỗ dựa của trò nghèo

Quảng Nam là mảnh đất có truyền thống hiếu học và học giỏi. Ngày nay, xứ Quảng có thêm một vinh dự nữa, đó là địa phương có phong trào KH phát triển khá sớm. Năm 1991, Hội KH tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng ra đời và phải đến năm 1996, Trung ương Hội KH Việt Nam mới được thành lập. Nhưng điều đáng nói hơn là sự phát triển mạnh mẽ của tổ chức hội và hội viên. Cho đến nay, các cấp hội KH luôn tự hào khi có được mạng lưới tổ chức cơ sở hội phát triển rộng khắp, phủ kín đến tận thôn, khối phố, cơ quan, dòng tộc và không ngừng gia tăng mỗi năm, đến nỗi nhiều người nói vui “ở đâu có học trò, ở đó có KH”.

Chủ tịch Hội KH Quảng Nam Phạm Thị Minh Chiến trao phần thưởng cho học sinh đoạt giải tại kỳ thi học sinh giỏi lớp 12 năm học 2015-2016.
Chủ tịch Hội KH Quảng Nam Phạm Thị Minh Chiến trao phần thưởng cho học sinh đoạt giải tại kỳ thi học sinh giỏi lớp 12 năm học 2015-2016.

Bà Phạm Thị Minh Chiến - Chủ tịch Hội KH Quảng Nam cho biết, cả tỉnh hiện có 8.895 chi hội, phân hội, ban KH với số lượng hội viên lên đến hơn 192 nghìn người. Chính việc phát triển mạnh tổ chức hội, hội viên và đặc biệt là sự nhiệt tình, tận tâm của những người làm công tác KH đã kết nối được với nhiều tổ chức, lực lượng trong xã hội trong việc huy động nguồn kinh phí gây quỹ, đưa hội KH trở thành chỗ dựa cho học trò nghèo. Báo cáo tổng kết công tác năm 2015 của Hội KH Quảng Nam đưa ra những con số đáng mừng: năm qua hội KH các huyện, thị xã, thành phố đã vận động được gần 45 tỷ đồng; qua đó xét cấp học bổng, khen thưởng, hỗ trợ các trường hợp đặc biệt khó khăn cho hơn 178 nghìn học sinh với số tiền gần 38 tỷ đồng. Trong khi đó, Hội KH Quảng Nam đã tiếp nhận 7,8 tỷ đồng từ các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp; trao 3.222 suất học bổng, khen thưởng với số tiền 4,7 tỷ đồng. “Trong 1 năm mà tỉnh hội và các huyện, thị, thành hội KH cấp học bổng và khen thưởng cho hơn 181 nghìn học sinh với tổng số tiền lên tới 42,6 tỷ đồng đã thể hiện sự nỗ lực rất lớn của những người làm công tác KH trong việc trợ giúp cho học trò nghèo vượt khó đến trường cũng như kịp thời khen thưởng động viên học sinh học tập tốt” - bà Chiến chia sẻ thêm.

Song song với công tác gây quỹ KH, các giải thưởng và học bổng khuyến tài cũng đã được nhiều địa phương tổ chức khá sôi nổi, đem lại hiệu quả tích cực. Mở đầu là giải thưởng Phan Châu Trinh của TP.Tam Kỳ và huyện Phú Ninh cách đây hơn 10 năm, rồi đến giải thưởng Huỳnh Thúc Kháng của huyện Tiên Phước, giải thưởng Võ Chí Công của huyện Núi Thành, giải thưởng Vinh danh tài năng Điện Bàn của thị xã Điện Bàn, học bổng Lê Thiện Trị của huyện Duy Xuyên, học bổng Thăng Bình của huyện Thăng Bình, học bổng Ươm mầm Tây Giang của huyện Tây Giang, giải thưởng Nâng tầm trí thức Đại Lộc của huyện Đại Lộc. Trong năm 2015, đã có 458 học sinh, sinh viên đạt thành tích xuất sắc được các địa phương vinh danh, khen thưởng với số tiền 1,2 tỷ đồng.

Cánh tay nối dài

Không chỉ chăm lo chuyện ăn học của học trò, các cấp hội KH còn vươn cánh tay nối dài đến công tác xã hội hóa giáo dục, góp phần tích cực cho ngành GD-ĐT đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng cảnh quan sư phạm. Hàng năm, hội KH cùng với địa phương, trường học vận động doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hỗ trợ kinh phí xây dựng phòng ốc, mua sắm trang thiết bị phục vụ dạy - học. Bình quân, mỗi năm số tiền vận động lên đến hàng chục tỷ đồng, riêng năm 2015 là 63,3 tỷ đồng, góp phần giúp các trường học cải thiện đáng kể bộ mặt cảnh quan, nâng cao chất lượng giáo dục.

Thông qua Hội KH Quảng Nam, thời gian qua nhiều tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đã mang tấm lòng của mình đến với học trò đất Quảng bằng những suất học bổng. Có thể kể tên một số họ bổng có số lượng lớn như học bổng Spell 736 suất với hơn 1,8 tỷ đồng, học bổng Viettel vì em hiếu học 1.040 suất 1,04 tỷ đồng, học bổng kế hoạch ươm mầm đại thụ Việt Nam 600 suất 360 triệu đồng, học bổng Chanchu 140 suất 210 triệu đồng, học bổng Đất Quảng 67 suất 201 triệu đồng, học bổng Lawrence Sting 50 suất 50 triệu đồng.

Nhưng nói đến KH thì không chỉ nói đến việc trao học bổng, khen thưởng cho học sinh hay vận động hỗ trợ trường học xây dựng phòng ốc. Những năm qua, các cấp hội KH còn thực hiện khá tốt chức năng KH ngoài nhà trường, cụ thể là triển khai xây dựng xã hội học tập và gần đây nhất là Quyết định 281 (20.2.2014) của Thủ tướng Chính phủ về đề án đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng học, cộng đồng đến năm 2020. Theo ông Dương Thanh Xuân - Chủ tịch Hội KH TP.Tam Kỳ, Tam Kỳ là một trong 2 địa phương được chọn triển khai thí điểm của tỉnh về mô hình “gia đình học tập”, “dòng họ học tập”, “cộng đồng học tập” giai đoạn 2014 - 2015. Nhờ làm tốt công tác chỉ đạo từ thành phố đến xã, phường nên đến khi kết thúc giai đoạn thí điểm, tất cả 2 khối phố, 2 thôn, 4 dòng họ, 88 gia đình được chọn triển khai thí điểm tại 2 đơn vị là phường Tân Thạnh và xã Tam Thanh đã hoàn thành các tiêu chí và được công nhận. Tương tự, thị xã Điện Bàn cũng đã hoàn thành khá tốt việc triển khai thí điểm mô hình tại xã Điện Minh và Điện Phước, góp phần tạo ra không khí thi đua và nhân rộng ra nhiều địa phương khác trên địa bàn.

Theo bà Phạm Thị Minh Chiến, điều rất đáng mừng là bên cạnh 2 địa phương được Hội KH tỉnh chọn triển khai thí điểm, đã có khá nhiều huyện chủ động tổ chức thực hiện thí điểm riêng của địa phương mình như Núi Thành, Đại Lộc, Duy Xuyên, Phú Ninh, Tiên Phước, Bắc Trà My… với tổng cộng 818 gia đình, 38 dòng họ, 29 cộng đồng. Đây là cơ sở để trong thời gian tới cả tỉnh sẽ tiếp tục triển khai thực hiện có kết quả Quyết định 281 của Thủ tướng Chính phủ và các nhiệm vụ khác của hội như vận động phát triển nguồn quỹ KH và số suất học bổng khen thưởng tăng bình quân hàng năm 5 - 10%, tổ chức hội và hội viên tăng 1 - 1,5%.

XUÂN PHÚ

XUÂN PHÚ