Giữ biển trời tây nam - Bài 1: Đảo là nhà

26/01/2016 09:17

Những ngày cuối năm Ất Mùi, phóng viên Báo Quảng Nam có dịp cùng đoàn công tác của Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân đi thăm, chúc tết cán bộ, chiến sĩ và nhân dân các đảo ở vùng biển tây nam của Tổ quốc. Những trải nghiệm, khoảnh khắc ấn tượng về đất và người nơi đảo xa đã để lại trong tôi những dấu ấn khó phai.Lãnh đạo Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân thăm, chúc tết cán bộ, chiến sĩ trên đảo Thổ Chu. Ảnh: Q.VIỆTKhi đặt chân đến đảo, tôi mới hiểu “đảo là nhà”. Các chiến sĩ ở Trạm ra đa 610 và lực lượng biên phòng Thổ Châu (xã Thổ Châu, huyện đảo Phú Quốc, Kiên Giang) ngày đêm gắn bó không rời, mải miết canh giữ biển trời Tổ quốc.1. Đêm 10.1, tàu HQ-637 hú 3 hồi còi dài đưa đoàn công tác của Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân cùng hơn 50 phóng viên báo, đài trong cả nước đến thăm quân và dân ở các đảo tiền tiêu vùng biển tây nam Tổ quốc. Rạng sáng 11.1, đoàn đến đảo Thổ Chu. Đảo Thổ Chu thuộc xã Thổ Châu, huyện Phú Quốc, địa bàn cách trung tâm huyện 110km và cách TP.Rạch Giá của tỉnh 205km. Từ biển nhìn vào, Thổ Chu in hệt dải lụa mềm vắt qua biển trời miền nam đất nước. Điểm đầu tiên đoàn đến thăm, chúc tết là Trạm ra đa 610, trực thuộc Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân. Đón chúng tôi, Đại úy Nguyễn Hoàng Quang, Trưởng trạm Ra đa 610 chia sẻ, vì biển trời Tổ quốc, xuân này cán bộ, chiến sĩ đơn vị đón tết nơi đảo xa. Nhờ tự chuẩn bị sẵn sàng bánh, mứt, mâm ngũ quả và nhiều nhu yếu phẩm khác nên không khí cũng đầm ấm, yên vui. Thiếu người thân nhưng mọi người sống chan hòa, chia sẻ, đồng điệu nên Thổ Chu cũng giống như quê hương ruột rà. Đây thực sự là ngôi nhà chung của cán bộ, chiến sĩ đơn vị. Tôi hòa cùng các đồng nghiệp đi khắp trạm ra đa, lâng lâng trong người bởi hơi xuân đã theo gió biển len lỏi khắp nơi. Trong từng chiến sĩ như cũng lan tỏa sức xuân căng tràn của tình yêu biển đảo, trẻ trung, nhiệt huyết và trách nhiệm…“Do yêu cầu, nhiệm vụ đặc thù nên các chiến sĩ phải luôn luôn ở trong tư thế trực sẵn sàng chiến đấu. Trong quản lý vùng trời, vùng biển, đơn vị không một phút nào được lơ là, mất cảnh giác. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đó, cán bộ, chiến sĩ phải luôn tích cực học tập, rèn luyện, nâng cao chất lượng huấn luyện và làm chủ vũ khí, trang bị tối tân luôn được bổ sung, làm mới. Tất cả mọi người phải thường xuyên luyện tập, hoạch định các phương án, kế hoạch chiến đấu, đề cao tính tổ chức, tính kỷ luật và tác phong chính quy” - Đại úy Nguyễn Hoàng Quang nói. Tận mắt chứng kiến các chiến sĩ làm việc, chúng tôi nhận thấy tác phong luôn khẩn trương, chỉn chu, mực thước. Họ luôn tập trung cao độ, không rời mắt khỏi màn hình ra đa. Không một chuyến bay nào, một vật thể lạ nào khi bay trong không phận hay di chuyển trong vùng quản lý có bán kính 70 hải lý của trạm ra đa này có thể bị bỏ lọt mục tiêu. Các chiến sĩ cho rằng đó là mệnh lệnh trái tim, để Tổ quốc không bị tập kích bất ngờ từ trên không, trên biển.Phút giây thư giãn của chiến sĩ Trạm ra đa 610. Ảnh: Q.VIỆTĐại úy Nguyễn Hoàng Quang năm nay bước vào tuổi 34. Anh chia sẻ, là trắc thủ ra đa, cần phải nhạy bén, phát hiện kịp thời các mục tiêu xuất hiện từ bất cứ hướng nào, chỉ cần một sơ suất nhỏ hoặc lơ là bỏ qua thì hậu quả thật khó lường. Anh tâm sự, chỉ cần yêu nghề, thiết tha gắn bó với nơi công tác thì đảo xa cũng chính là quê hương, đồng đội cũng sẽ là anh em trong gia đình. Năm 2007, Đại úy Quang được cấp trên điều động công tác ở Trạm ra đa 610. Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, anh được cấp trên và đồng đội tín nhiệm bầu làm Trạm trưởng vào năm 2011. Năm 2014 và 2015, Đại úy Nguyễn Hoàng Quang đều được vinh danh Trạm trưởng Ra đa xuất sắc tiêu biểu nhất Quân chủng Hải quân.2. Giây phút bịn rịn chia tay cán bộ, chiến sĩ Trạm ra đa 610 khiến mọi người đều luyến tiếc. Theo hành trình, điểm thứ 2 chúng tôi đến thăm ở xã Thổ Châu là lực lượng biên phòng địa phương. Thượng tá Lê Ngọc Thành, Chính trị viên Đồn Biên phòng Thổ Châu cho biết, mặc dù đời sống của anh em chiến sĩ trên đảo còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là nước sinh hoạt nhưng việc phối hợp với hải quân, các lực lượng chức năng của xã Thổ Châu vẫn diễn ra hết sức nhịp nhàng. Nhờ đó, nhiệm vụ giữ gìn biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc vẫn diễn ra thông suốt. Cùng với trách nhiệm thường xuyên tổ chức tuần tra biên giới, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Thổ Châu luôn cắt cử người túc trực 24/24 giờ để không bị động trước mọi tình huống. Tình hình an ninh trật tự trên địa bàn đảo Thổ Chu luôn được đảm bảo nhờ vào phương châm gần gũi dân, bám địa bàn của lực lượng biên phòng nơi đây.Đảo Thổ Chu tiếp giáp với nước bạn Campuchia nên trong những năm qua, lực lượng biên phòng Thổ Châu phải thường xuyên đối mặt, giải quyết các vụ tranh chấp trên ngư trường, trong đó ngư dân say mê đánh cá thường lấn qua lằn ranh khó xác định giữa biển khơi. Đối với việc nhiều tàu cá của ngư dân Campuchia vi phạm ngư trường đánh bắt, lực lượng biên phòng Thổ Châu có mặt kịp thời, giải quyết êm thấm trên tinh thần hòa hảo, hòa hiếu. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, cán bộ, chiến sĩ biên phòng đã tuyên truyền cho ngư dân nước bạn biết để tránh đi vào vùng biển không được phép hoạt động.Tìm hiểu về tình trạng thiếu nước ngọt trên đảo Thổ Chu, mục kích sinh hoạt của anh em chiến sĩ biên phòng Thổ Châu mới thấy đó là điều nan giải. Nước sạch được lực lượng biên phòng tích cóp vào can trữ dùng cho sinh hoạt. Nhiều khi lượng nước nhỏ dùng chung cho rửa rau, tắm giặt và tưới cây để tăng gia sản xuất. Mùa khô dài đằng đẵng lại ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đã khiến cho thiếu nước sinh hoạt càng trầm trọng hơn. Nhiều chiến sĩ phải leo núi vài cây số xuống địa bàn có người dân sinh hoạt xin nước về sử dụng. Khó khăn đủ bề nhưng anh em chiến sĩ biên phòng không nề hà, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Chỉ riêng trong tháng 6.2015, Đồn Biên phòng Thổ Châu phối hợp với Trạm ra đa 610 phát hiện 8 đối tượng nghi vấn khi tìm cách vào đảo. Các lực lượng trên đảo liền cấp tốc báo cáo cấp trên và nhận được chỉ đạo phải tìm mọi cách giữ và lấy lời khai báo của các đối tượng trên. Sau đó, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam điều động 2 tàu cảnh sát biển tức tốc đến đảo, phối hợp với lực lượng địa phương bắt khẩn cấp các đối tượng trên. Qua xác minh, Cảnh sát biển Việt Nam xác định đây chính là 8 đối tượng cướp tàu Harmony (quốc tịch Malaysia) chở khoảng 6.000 tấn xăng vào ngày 11.6.2015.Đoàn công tác chia tay cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Thổ Châu lúc trời đứng bóng. Lính biên phòng níu lòng chúng tôi bằng lời sẻ chia: “Khó khăn, thiếu thốn đủ bề nhưng được gần gũi với nhân dân thì không trở ngại nào có thể cản được bước chân chúng tôi”. Bất chợt trên chặng đường từ đảo Thổ Chu trở lại tàu HQ 637 để tiếp tục hải trình thăm các đảo ở tây nam Tổ quốc, chúng tôi nhận thấy ánh mắt xa xăm của Đại tá Nguyễn Văn Đồng, Phó Tư lệnh Quân sự, Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân. Chúng tôi biết, ông trăn trở nhiều với các điều kiện thiếu thốn mà lực lượng hải quân cũng như biên phòng đang ngày đêm thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng phải đối mặt và vượt qua. “Phóng viên các báo, đài đi thực tế, tìm hiểu và viết bài tuyên truyền về đời sống của quân, dân ở các đảo xa xôi đất liền cần có tiếng nói chia sẻ và thông tin được đến các cấp, các ngành, để có thể quan tâm, đầu tư thêm. Qua đó những người canh giữ biển trời Tổ quốc được bớt đi phần nào vất vả là điều đáng quý” - Đại tá Nguyễn Văn Đồng nói.___________________Bài 2: “Gieo chữ” nơi đảo xaGhi chép của NGUYỄN QUANG VIỆT