Những hành trình lắng nghe...

LÊ QUÂN 06/01/2016 12:10

Mới đó, mà những câu chuyện họ kể, đã là những dòng hồi tưởng, của “ngày xưa”… Ngày xưa, họ đi đến từng xóm làng tận sâu, để nghe, để nhớ tâm tư của người dân nghèo. Ngày xưa, họ là những nữ đại biểu Quốc hội (ĐBQH) được người dân xứ Quảng gửi gắm bao kỳ vọng…

Đại biểu Quốc hội qua các thời kỳ chụp hình lưu niệm tại buổi gặp mặt. Ảnh: L.QUÂN
Đại biểu Quốc hội qua các thời kỳ chụp hình lưu niệm tại buổi gặp mặt. Ảnh: L.QUÂN

Ở tuổi chín muồi của cuộc đời, hai người phụ nữ chênh nhau 10 tuổi, Hà Thị Thu Sương và Huỳnh Thị Hường, vẫn không thôi nghĩ những nỗi niềm hiện tại. Là trăn trở về những tĩnh lặng còn mất của một khu đô thị cổ, hay những tâm huyết của người mang trên vai trách nhiệm chuyển tải tâm tư nhân dân đến Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ban, ngành, chính quyền địa phương… Hay vẫn còn đó, là những người đương nhiệm. Và họ, gặp nhau khi luôn tâm niệm rằng, một người đại biểu cho tiếng nói của dân, thì phải đến tận nơi nghe dân nói, phải có năng lực và tâm huyết lo cho dân.

Hứa với dân, phải làm

Cuộc gặp mặt ĐBQH qua các thời kỳ nhân Kỷ niệm 70 năm Quốc hội Việt Nam do Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam vừa tổ chức, đong đầy cảm xúc. Đại biểu nào cũng đến sớm hơn giờ khai mạc, để được tay bắt mặt mừng, hàn huyên bao chuyện với những người đồng chí cũ. Tóc xanh, tóc bạc có nề hà chi, khi họ đã từng chung nhau những chuyến đi đến mọi nơi, cùng nghe chung bao tâm tư, nguyện vọng của người dân xứ Quảng. Bà Hà Thị Thu Sương, người được nhớ với tư cách là “ĐBQH chuyên trách đầu tiên” của Quảng Nam - Đà Nẵng, dù đã bước qua tuổi 76, vẫn giữ phong thái của một nữ chính trị gia. Điềm đạm, nhanh nhẹn và đôi khi hóm hỉnh. Câu nói nào của bà, cũng chắc nịch. Bà kể về kỷ niệm đáng nhớ nhất khi lần đầu tiên phát biểu trên diễn đàn Quốc hội (khóa VII), và đã không cầm được nước mắt khi phản ánh lại đời sống của giáo viên tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. Trước đó, do hoạt động trong ngành giáo dục nhiều năm, nên đời sống của anh chị em giáo viên khổ cực như thế nào, bà hiểu rất rõ. Và bà đã mang cả bức tranh này lên diễn đàn Quốc hội khóa VII. Như một hiệu ứng đồng cảm, hàng loạt ý kiến từ những tỉnh thành khác bắt đầu nêu lên về tình cảnh khó khăn của giáo viên thời bấy giờ. Sau kỳ họp Quốc hội khóa VII, đời sống giáo viên được quan tâm và cải thiện nhiều hơn.

Hỏi bà Hà Thị Thu Sương (ĐBQH các khóa VII, VIII, IX) giây phút hạnh phúc nhất khi hồi tưởng những chuỗi ngày làm ĐBQH, bà nói gọn ơ, rằng chỉ cần bất cứ cuộc tiếp xúc cử tri nào ở địa phương cũng đều thu hút được đông đảo cử tri tham gia và chia sẻ tâm tư, nguyện vọng, thì khi ấy, ở vai trò người đại biểu nhân dân, sẽ cảm nhận thật hạnh phúc.

Hỏi bà giây phút hạnh phúc nhất khi hồi tưởng những chuỗi ngày làm ĐBQH, bà nói gọn ơ, rằng chỉ cần bất cứ cuộc tiếp xúc cử tri nào ở địa phương cũng đều thu hút được đông đảo cử tri tham gia và chia sẻ tâm tư, nguyện vọng, thì khi ấy, ở vai trò người đại biểu nhân dân, sẽ cảm nhận thật hạnh phúc.

Người phụ nữ ấy bươn bả với trách nhiệm của mình khi tóc còn xanh đen, đến cả khi đầu đã bạc, bà vẫn không thôi công việc của một người hoạt động vì dân. Nghỉ hưu nhưng vẫn không ngơi chuyện. Bà được bầu làm Chủ tịch Hội Cựu giáo chức tỉnh Quảng Nam, tiếp tục thực hiện và lắng nghe tiếng nói của những người về hưu. Vậy là vẫn không thể xa rời bao nhiêu câu chuyện thời sự, bao nhiêu tâm tư, nỗi niềm. Vẫn giữ nguyên phong thái của một trong những người có  thâm niên làm ĐBQH lâu nhất, liên tục trong các khóa VII (1981 - 1987), VIII (1987 - 1992), IX (1992 - 1997), với tổng cộng 16 năm, trong đó khóa VIII và khóa IX bà làm Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. Năm 1997, khi chia tách Quảng Nam và Đà Nẵng, bà được cử giữ chức Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam cho đến khi bầu khóa mới. Ngoài nhiệm vụ chuyên môn và nhiệm vụ ĐBQH trong Đoàn ĐBQH địa phương, bà còn giữ thêm chức Ủy viên Ủy ban Thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội trong 3 khóa liên tiếp. Nên mỗi tháng ngày gom góp lại, hoạt động chính trị của bà đủ để nuôi lớn một con người trưởng thành. Biểu sao, khi đã đến tuổi nghỉ ngơi, bà vẫn không để tâm trí, chân tay mình yên.

Và cũng với nỗi đau đáu của một người đã nghe bao nhiêu câu chuyện từ người dân xứ Quảng trong nhiều thời kỳ, bà Hà Thị Thu Sương cho rằng, vai trò của ĐBQH là phải về đến tận nơi nghe dân nói, muốn làm việc có hiệu quả thì phải có năng lực, tâm huyết lo cho dân, hứa với dân điều gì thì phải cố gắng thực hiện. “Thời nay, ngoài lịch tiếp xúc cử tri, người ĐBQH phải cố gắng tiếp cận với các kênh báo đài. Từ những phản ánh của các tờ báo, chúng ta tìm đến tận nơi, hỏi tâm tư nguyện vọng của người dân trước sự việc, có vậy thì mới lắng nghe hết được tâm tư và đáp ứng được nguyện vọng của dân” - bà Sương chia sẻ.

Phải có trách nhiệm với cử tri

Năm nay, bà Huỳnh Thị Hường trở về cuộc gặp mặt khá sớm. “Bao giờ cũng vậy, người đã nghỉ hưu luôn mong muốn có những lần hội ngộ. Cuộc gặp này như một sự trở về. Gặp lại những người cũ, nhớ lại thời gian làm công tác ĐBQH, những người cùng làm công việc của mình, những khó khăn trải qua” - bà Huỳnh Thị Hường chia sẻ. Là ĐBQH các khóa X, XI, đảm nhiệm cả vai trò Trưởng đoàn ĐBQH Quảng Nam khóa XI, cũng như bà Hà Thị Thu Sương, mặc dù đã nghỉ hưu, nhưng tâm trí của bà Hường vẫn luôn hướng đến những vấn đề thời sự của vùng đất đang sống. Cư dân Hội An, quãng thời gian dài sống tại phố cổ, nên có lẽ mọi thấu hiểu của vùng đất này, qua lăng kính của một nhà hoạt động chính trị, hẳn sẽ mang nhiều suy tư. Bà Hường nói, phát triển thương mại, phát triển dịch vụ trong phố cổ, không đơn thuần chỉ có người Hội An. Nên điều đáng lo nhất cho một Hội An tương lai, là ý thức của người dân tứ xứ đến Hội An sinh tồn. Và cũng vậy, chính quyền Hội An phải làm sao để lắng nghe được đông đảo ý kiến của người dân hiện nay.

Ở tuổi 67, trong dáng vóc dịu hiền của người phụ nữ phố cổ vẫn ánh lên nét cương nghị của người hoạt động chính trị. Với bà, Quốc hội ở thời kỳ nào cũng là diễn đàn của nhân dân. Và người ĐBQH phải là người đại diện cho ý chí của nhân dân. “Mà ý chí của nhân dân nhiều khi không trùng khớp với ý chí của Trung ương, thành ra phải có người chuyển tải tâm tư người dân đến các cấp chính quyền. Diễn đàn quốc hội là nơi để nguyện vọng chính đáng của nhân dân được lên tới Trung ương. Tôi nghĩ, ĐBQH phải có trách nhiệm trước cử tri, phải lắng nghe ý kiến cử tri để tập hợp lại, sau đó tại các cuộc họp quốc hội anh phải lắng nghe đầy đủ để ghi nhận” - bà Huỳnh Thị Hường nói. Dường như số phận đã buộc đời bà vào những hành trình lắng nghe, nghe người dân xứ Quảng tỏ bày, nghe cư dân phố cổ san sớt nỗi niềm… Có lẽ, vậy đã tròn vui cho một đời người sống hết mình.

Không chỉ với bà Hà Thị Thu Sương hay Huỳnh Thị Hường, còn rất nhiều nữ ĐBQH luôn tâm huyết với công việc mà mình đã chọn. Như nữ ĐBQH khóa XIII - Nguyễn Thị Tuyết Thanh chia sẻ rằng, đối với bà, Quốc hội cũng chính là “trường đại học” lớn. Nếu hai nữ chính trị gia đã về hưu vẫn còn quan tâm đủ đầy câu chuyện thời sự của người dân xứ Quảng, thì ở cương vị của một đại biểu vẫn còn thời gian nhiệm kỳ, bà Thanh nói, chính yêu cầu đòi hỏi đối với ĐBQH buộc mình phải không ngừng tìm tòi, học hỏi, nghiên cứu về các lĩnh vực mà mình chưa biết để có thêm thông tin tham gia xây dựng luật, thảo luận các vấn đề quan trọng của đất nước được tốt hơn. “Từ những thực tiễn cuộc sống với đa ngành, đa lĩnh vực, giúp tôi nhận thức được vấn đề bao quát, khách quan hơn. Tham gia ĐBQH, với tôi đây không chỉ là trách nhiệm với cử tri mà còn thêm cơ hội để tôi tích lũy kinh nghiệm, sau này giúp người dân, nhất là đồng bào miền núi nói lên chính kiến của mình, thoát khỏi đói nghèo” - bà Thanh chia sẻ.
Lớp người trước, lớp người sau, nối tiếp câu chuyện về hành trình lắng nghe, để chia sẻ khó khăn, truyền tải tâm tư và kỳ vọng về những phát triển. Cứ vậy, mà nên những cuộc gặp đầy ắp ân tình.

LÊ QUÂN

LÊ QUÂN