Góp sức cho quê hương

HÀN GIANG 06/01/2016 09:10

Dù ở cương vị công tác nào, những người đại biểu dân cử cũng luôn làm hết sức mình để xứng đáng với niềm tin tưởng và sự mong đợi của nhân dân. Các thế hệ đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Quảng Nam đã không ngừng phấn đấu làm sâu sắc thêm điều đó...

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - đại biểu Quốc hội khóa XIII đơn vị Quảng Nam kiểm tra sạt lở bờ biển Cửa Đại trong buổi tiếp xúc cử tri Hội An chiều 30.11.2015. Ảnh: V.LỘC
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - đại biểu Quốc hội khóa XIII đơn vị Quảng Nam kiểm tra sạt lở bờ biển Cửa Đại trong buổi tiếp xúc cử tri Hội An chiều 30.11.2015. Ảnh: V.LỘC

Quyết định “đổi đời”...

Ngày 6.11.1996, tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa IX đã phê chuẩn việc chia tách tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng thành hai đơn vị hành chính trực thuộc trung ương. Đây được xem là quyết định “đổi đời” đối với cả hai địa phương. Gần 20 năm chia tách, Quảng Nam và TP.Đà Nẵng đã không ngừng tranh thủ các điều kiện thuận lợi, từng bước vượt qua các khó khăn, thách thức để đạt được những thành tựu phát triển quan trọng. Bày tỏ vui mừng về sự phát triển của hai địa phương tại Lễ kỷ niệm 70 năm Quốc hội Việt Nam do Đoàn ĐBQH Quảng Nam tổ chức hôm 4.1, ông Lê Quốc Khánh, nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, ĐBQH Quảng Nam - Đà Nẵng khóa IX; ĐBQH Quảng Nam khóa X, chia sẻ: “Yêu cầu về chia tách Quảng Nam và Đà Nẵng là rất bức thiết lúc bấy giờ. Tuy nhiên, “đêm trước” của thời điểm chia tách tỉnh không phải tất cả đều thuận lợi, suôn sẻ, bởi nó phát sinh nhiều vấn đề gay cấn lắm”.

Ông Khánh nhớ lại: “Đầu năm 1996, Thủ tướng Võ Văn Kiệt vào làm việc với lãnh đạo và thống nhất với đề xuất chia tách Quảng Nam và Đà Nẵng thành hai đơn vị hành chính độc lập. Ngay sau đó, Thường trực Tỉnh ủy tổ chức họp bàn rồi đi đến thống nhất đề nghị Bộ Chính trị cho chia tách Quảng Nam và Đà Nẵng. Thời điểm bấy giờ cũng có ý kiến “bàn ra” rằng không nên chia tách tỉnh, hoặc nếu thực hiện chia tách thì Đà Nẵng phải được mở rộng ra Điện Bàn và Hội An. Vậy còn gì cho Quảng Nam nữa? Tôi không đồng tình với các ý kiến này. Chủ trương về việc chia tách tỉnh đã có rồi, không cần bàn luận gì nữa”.

Tại Kỳ họp thứ 10, Thường vụ Quốc hội triệu tập Trưởng đoàn ĐBQH các tỉnh đến họp, nghe Chính phủ báo cáo tờ trình về việc chia tách đơn vị hành chính. Khi đưa ra nghị trường, Quốc hội đã bỏ phiếu hoàn toàn thống nhất việc chia tách Quảng Nam và Đà Nẵng thành hai đơn vị hành chính độc lập. “Tôi muốn nói trở lại câu chuyện này để hiểu rằng việc chia tách tỉnh lúc ấy không đơn giản như vẫn nghĩ. Và để thấy chủ trương của Bộ Chính trị, của Quốc hội về việc chia tách tỉnh là hoàn toàn đúng đắn. Đà Nẵng đã có những bước khởi sắc rất là mạnh mẽ, trở thành một thành phố đáng sống. Quảng Nam có những bước phát triển năng động, tương đối toàn diện trên các mặt. Với tiềm năng, thế mạnh, cùng các điều kiện thuận lợi của mình, tôi tin Quảng Nam sẽ tiếp tục vượt qua các khó khăn, vươn lên phát triển giàu mạnh” - ông Lê Quốc Khánh nói.

Thực hiện lời hứa với cử tri

Còn nhớ, vào ngày 1.9.2014, hàng trăm người dân các địa phương cánh tây của huyện Thăng Bình đã nô nức đến dự lễ khánh thành cầu Xuân An (thôn Xuân An, xã Bình Định Bắc, Thăng Bình). Bà con ai cũng phấn khởi vì từ nay có cây cầu mới vững chãi thì việc giao thương, đi lại của người dân trong vùng sẽ được thuận lợi. Dự lễ khánh thành, người dân địa phương đã xúc động trước lời chia sẻ của vị ĐBQH do cử tri Quảng Nam bầu ra - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ trướng Nguyễn Xuân Phúc: “Cầu Xuân An được xây dựng và đưa vào sử dụng là hiện thực hóa lời hứa của các đại biểu dân cử tỉnh đối với bà con cử tri địa phương”. Cùng với các công trình trọng điểm khác của tỉnh đã được đầu tư xây dựng, cầu Xuân An sẽ góp phần đáp ứng tốt nhu cầu giao thương, phát triển kinh tế - xã hội của bà con các địa phương phía tây của huyện Thăng Bình, Quế Sơn. Cầu Xuân An được khánh thành và đưa vào sử dụng đúng vào dịp cả nước kỷ niệm 69 năm ngày Quốc khánh, cũng là sự kiện nhắc nhở mỗi cán bộ, đảng viên về lòng tận tụy với công việc, quyết tâm ngày càng thực hiện được nhiều phần việc, công trình có ý nghĩa thiết thực đối với cuộc sống của người dân; để làm giàu thêm các thành quả cách mạng trong tình hình mới.

Công trình cầu Xuân An cũng như rất nhiều các công trình, dự án trọng điểm đã và đang được triển khai trên địa bàn tỉnh như xây dựng cầu Cửa Đại, cầu Giao Thủy, tuyến đường ven biển, mở rộng và nâng cấp quốc lộ 1 đoạn qua địa bàn tỉnh, kéo điện lưới ra Cù Lao Chàm... đã góp phần quan trọng trong thực hiện ba nhiệm vụ đột phá chiến lược của tỉnh. Có thể khẳng định, đây chính là các minh chứng sinh động cho việc thực hiện lời hứa của người đại biểu dân cử với cử tri khi ra ứng cử, góp phần quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trưởng đoàn ĐBQH Quảng Nam - Lê Phước Thanh chia sẻ, trong những năm qua, Đoàn ĐBQH Quảng Nam đã có nhiều cố gắng để hoàn thành trách nhiệm được nhân dân giao phó, tổ chức tốt các hoạt động theo quy định của pháp luật. Đoàn đã duy trì thường xuyên các hoạt động tiếp xúc cử tri, không ngần ngại đến các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, những nơi có điều kiện giao thông đi lại khó khăn để kịp thời truyền đạt, trao đổi, cung cấp thông tin, lắng nghe các ý kiến, kiến nghị của cử tri. Nhiều vấn đề qua tiếp xúc cử tri không chỉ được ghi nhận và phản ánh đến các cơ quan chức năng mà còn được ĐBQH kịp thời kiến nghị, đề xuất giải quyết. “Tuy còn nhiều khó khăn và hạn chế, nhưng hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam trong thời gian qua đã có nhiều tiến bộ, thể hiện rõ vai trò, vị trí thông qua việc thực hiện ngày càng tốt hơn chức năng, nhiệm vụ của người đại biểu dân cử, đóng góp tích cực vào sự nghiệp chung của Quốc hội. Góp phần cùng với cán bộ, nhân dân toàn tỉnh xây dựng quê hương Quảng Nam ngày càng phát triển, xứng đáng với niềm tin và sự mong đợi của nhân dân” - Trưởng đoàn ĐBQH Quảng Nam Lê Phước Thanh nói.

Ông Nguyễn Văn Sỹ - ĐBQH khóa XII: Thực hiện lời hứa với cử tri

Hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam những năm qua đã góp phần tích cực vào nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Qua các cuộc tiếp xúc cử tri, ĐBQH đã tiếp thu ý kiến của cử tri, kiến nghị với Quốc hội và phối hợp với các đại biểu HĐND kiến nghị với HĐND tỉnh ban hành nhiều chủ trương chính sách đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn, miền núi; phát triển sự nghiệp giáo dục, y tế; giảm nghèo; chính sách với người có công cách mạng; chính sách đối với đội ngũ cán bộ cơ sở xã phường… Đoàn ĐBQH tỉnh cũng đã tổ chức hàng chục cuộc giám sát, phối hợp với Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội giám sát nhiều chuyên đề quan trọng thúc đẩy việc thi hành pháp luật, thực hiện các chính sách phát triển kinh tế - xã hội ở tỉnh. Trong đó có những nội dung rất thiết thực, hiệu quả, như: giám sát việc sử dụng ngân sách, hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân vay vốn tín dụng phục vụ sản xuất kinh doanh; giám sát về đầu tư xây dựng cơ bản; quy hoạch thủy điện ở miền núi, quy trình vận hành xả lũ đảm bảo an toàn hạ lưu mùa mưa bão; việc thực hiện các Chương trình 134, 135, Nghị quyết 30a; việc cải cách thủ tục hành chính... Với nhiệm vụ của mình, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam đã giữ và thực hiện lời hứa với cử tri khi ra ứng cử, góp phần quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Nam. B.T (ghi)

Ông Ngô Văn Minh - ĐBQH khóa XII, XIII; Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội: Chất vấn - thể hiện tính cách Quảng

Tại diễn đàn Quốc hội, các ĐBQH Quảng Nam đã đặt ra không ít câu hỏi chất vấn các Bộ trưởng và Thủ tướng xung quanh những vấn đề nóng của đất nước, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của nhân dân, doanh nghiệp, cũng như các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Không chỉ chất vấn tại kỳ họp, ĐBQH Quảng Nam còn chất vấn bằng văn bản, chất vấn tại các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội như: công tác quản lý, cấp phép khai thác khoáng sản, việc thực hiện nghĩa vụ thuế của Công ty Vàng Bồng Miêu và Phước Sơn; bất cập trong chế độ chính sách tiền lương đối với đội ngũ cán bộ, công chức... Có thể chưa chuyển tải hết những tâm tư, bức xúc, trăn trở của cử tri, nhưng rõ ràng nội dung chất vấn đã thể hiện được trách nhiệm của các ĐBQH Quảng Nam. Chất vấn không phải để thể hiện mình, cũng không phải để gây khó dễ cho các cơ quan Chính phủ, mà chất vấn là để nêu ra vấn đề, làm rõ trách nhiệm, qua đó nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Bởi vậy, một khi vấn đề chưa được giải quyết, trách nhiệm xác định chưa rõ, với tính cách con người Quảng Nam, đại biểu không thể im lặng, xuê xoa qua chuyện. H.G (ghi)

HÀN GIANG

HÀN GIANG