Tập trung giảm nghèo ở miền núi
Người nghèo được tiếp cận các dịch vụ xã hội; tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh; diện mạo nông thôn, miền núi thay đổi... đó là những kết quả đáng mừng trong công tác giảm nghèo của tỉnh.
Nhiều chính sách đặc thù
Cuối năm 2010, khi thực hiện chính sách giảm nghèo giai đoạn 2011 - 2020, thực trạng hộ nghèo của tỉnh khiến những nhà quản lý, hoạch định chính sách không khỏi băn khoăn, lo lắng. Tỷ lệ hộ nghèo vào thời điểm ấy còn 24,18% (gấp đôi tỷ lệ chung của cả nước 14,2%). Đặc biệt, tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện miền núi lên đến 75,39%, gấp 3,5 lần so với khu vực đồng bằng và 2,4 lần so với toàn tỉnh. Về đời sống, sinh hoạt, sản xuất của hộ nghèo còn nhiều khó khăn, nguyên nhân nghèo phức tạp, nhất là hộ nghèo ở nông thôn, miền núi, dân tộc thiểu số. Quảng Nam cần có những cơ chế, chính sách đặc thù trong giảm nghèo là điều hết sức cần thiết, nhằm xóa nghèo cho người dân. Từ đó, Nghị quyết 31/NQ-HĐND năm 2011 của HĐND tỉnh đã được triển khai, với 4 chính sách hỗ trợ đặc thù. Hơn 7 nghìn lượt học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo của tỉnh đã được cấp bù học phí, giúp các em không dang dở con đường đến trường. Người cận nghèo, dân tộc thiểu số được hỗ trợ phần còn lại của mệnh giá mua thẻ bảo hiểm y tế. Đặc biệt đồng bào dân tộc thiểu số vì cuộc sống còn quá khó khăn, dù có thẻ bảo hiểm y tế cũng không dám đi khám chữa bệnh, vì sợ tốn tiền thêm như tiền ăn và cùng chi trả. Vì vậy, tỉnh đã hỗ trợ cấp bù thêm 5% viện phí cùng chi trả, một số huyện còn hỗ trợ hẳn tiền ăn cho đồng bào khi họ đi khám chữa bệnh.
Hộ nghèo nhận được sự hỗ trợ, chăm sóc về y tế.Ảnh: D.LỆ |
Đối với hộ cận nghèo, không có vốn làm ăn nhưng không dám vay vốn vì sợ không có nguồn trả nợ, tỉnh đã hỗ trợ hộ cận nghèo 50% lãi suất vay vốn, giúp họ mạnh dạn vay vốn để làm ăn thoát nghèo. Riêng 244 cán bộ làm công tác giảm nghèo kiêm nhiệm, tỉnh đã trích ngân sách chi trả bằng 30% mức tiền lương cơ bản. Huyện Núi Thành trích ngân sách huyện trả lương 1,5 triệu đồng/tháng/cán bộ làm công tác giảm nghèo ở các xã. Ngoài ra, tỉnh còn hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng của các huyện nghèo, làm đường giao thông nông thôn, cho vay vốn giải quyết việc làm, hỗ trợ hộ nghèo đón tết… Đặc biệt, từ năm 2014, tỉnh có thêm Nghị quyết 119/NQ-HĐND về thưởng thoát nghèo bền vững, nhờ thế có 7.973 hộ đăng ký thoát nghèo bền vững trong 2 năm 2014 - 2015; tỉnh và huyện, thành phố đã trích ngân sách gần 140 tỷ đồng để thưởng hộ nghèo thoát nghèo bền vững. Theo Văn phòng Giảm nghèo tỉnh, bằng nguồn lực của chính mình, các huyện cũng đã có nhiều chính sách giảm nghèo đặc thù như Đông Giang yêu cầu đảng viên có điều kiện phải đi đầu làm ăn thoát nghèo; cán bộ đảng viên Bắc Trà My đồng hành với người nghèo; Nam Giang trích ngân sách hỗ trợ hộ nghèo thoát nghèo bền vững; Thăng Bình hỗ trợ nguồn vốn cho hộ nghèo vay vốn; Nam Trà My thưởng thêm cho hộ thoát nghèo bền vững 3 triệu đồng…
Tổng lực giảm nghèo
Ông Huỳnh Tấn Triều - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, nhận định: “Trong giai đoạn 2011 - 2015, các nguồn lực của Trung ương, tỉnh đã tập trung tối đa cho công cuộc giảm nghèo. Những chính sách trợ lực đã giúp hộ nghèo có thêm điều kiện làm ăn thoát nghèo. Nguồn lực xã hội hóa cũng được huy động tối đa, như huy động và hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở (hơn 2.700 nhà), hỗ trợ vốn, phương tiện sản xuất, kinh doanh, trợ giúp học bổng cho học sinh, sinh viên; các doanh nghiệp hỗ trợ các huyện, xã nghèo xây dựng trên 20 công trình kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất, dân sinh... với tổng kinh phí hơn 300 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các đoàn thể cũng đã phát động nhiều phong trào thi đua, nhận đỡ đầu, giúp đỡ hộ nghèo với nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả như hỗ trợ phương tiện, công cụ sản xuất, buôn bán nhỏ, trợ giúp học tập, y tế... Nhờ vậy, diện mạo nông thôn, miền núi thay đổi, cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ, đời sống người nghèo có nhiều thay đổi đáng kể. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân mỗi năm 3 - 3,5%, đưa tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2015 ước còn khoảng 9%”.
Dù tỷ lệ hộ nghèo giảm đạt mục tiêu đề ra, nhưng tính bền vững chưa cao khiến các địa phương băn khoăn lo lắng về việc duy trì được tính bền vững trong những hộ đã thoát nghèo. Tại Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 22 (khóa XX) đánh giá tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh vẫn còn cao so với cả nước (tỷ lệ hộ nghèo cả nước là 5%), khoảng cách giữa đồng bằng và miền núi còn cao, xã nghèo, huyện nghèo còn nhiều (4 huyện có tỷ lệ hộ nghèo hơn 40%, 2 huyện trên 50%). Nhiều giải pháp giảm nghèo trong giai đoạn tiếp theo đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu tập trung thực hiện, trong đó giảm nghèo ở khu vực miền núi, xã nghèo, huyện nghèo được ưu tiên tối đa, nhằm giảm tỷ lệ hộ nghèo mỗi năm ít nhất 5 - 6%. Hộ nghèo sẽ được ưu tiên cho vay vốn hỗ trợ lãi suất, tiếp cận với việc làm, đào tạo nghề. Huyện nghèo, xã nghèo tiếp tục được đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện cho kinh tế - xã hội phát triển, người dân được tiếp cận với các tiện ích xã hội. Những giải pháp này nhằm hướng đến năm 2020, toàn tỉnh sẽ không còn huyện nghèo.
LÊ DIỄM