Một năm, nhìn lại…

CHÂU NỮ 25/12/2015 09:23

Sau khi TP.Tam Kỳ phối hợp thực hiện chuyên trang địa phương trên báo Quảng Nam (năm 2010), đến năm 2015 đã có 10 huyện, thị xã, thành phố xây dựng chuyên trang địa phương trên báo Đảng.

Nhờ phối hợp chặt chẽ với địa phương, Báo Quảng Nam tổ chức thông tin chuyên sâu, có trọng điểm tình hình chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, an ninh - quốc phòng... của từng địa phương. Ngược lại, việc tuyên truyền trang địa phương cũng đã góp phần làm phong phú nội dung tuyên truyền trên báo Đảng, từ đó, tạo sự cộng hưởng đưa các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước đến sát cơ sở hơn. Và TP.Tam Kỳ là địa phương đi tiên phong trong việc đưa thông tin đến cán bộ cơ sở bằng việc đặt mua và cấp phát báo Quảng Nam đến trưởng thôn, khối phố và trưởng ban công tác mặt trận thôn, khối phố trên địa bàn. Việc này đã giúp cán bộ cập nhật kịp thời thông tin, không chỉ ở địa bàn mình phụ trách mà còn ở các địa phương khác để học hỏi những cách làm hay cũng như rút kinh nghiệm trong công tác chỉ đạo, điều hành.

Một số trang địa phương trên báo Quảng Nam. Ảnh: C.NỮ
Một số trang địa phương trên báo Quảng Nam. Ảnh: C.NỮ

Sát thực với địa phương

Phóng viên, cộng tác viên Báo Quảng Nam đã bám sát những vấn đề quan trọng, nổi bật, nên luôn sát thực với từng địa phương, dù mỗi tháng chỉ có một địa phương. Chẳng hạn những vấn đề về đời sống, phong tục của đồng bào vùng cao, chế độ cử tuyển đối với học sinh miền núi... được phản ánh khá cụ thể trên trang Nam Giang. Những vấn đề liên quan đến công cuộc xây dựng nông thôn mới được phản ánh khá đậm nét trên trang Phú Ninh, Điện Bàn, Thăng Bình, Đại Lộc... Đó không chỉ là bài viết về sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, ngành từ trung ương đến địa phương, mà còn có bài phản ánh quá trình phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn. Đối với Nam Trà My, vùng đất cao sơn ngọc quế, bài viết trên trang địa phương này tập trung vào công tác quy hoạch, bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh v.v.
Để cán bộ và người dân dễ theo dõi, Báo Quảng Nam ấn định thời gian thực hiện chuyên trang đối với từng địa phương. Tất nhiên, ngoài việc tuyên truyền theo thời gian và dung lượng ấn định, các sự kiện, vấn đề khác của địa phương được tuyên truyền đảm bảo và kịp thời trên các trang khác. Ví như việc Điện Bàn chuyển đổi từ huyện lên thị xã, Báo Quảng Nam đã có nhiều bài viết về thời cơ cũng như thách thức, vướng mắc cần tháo gỡ trong công tác cán bộ, chuyển đổi mô hình quản lý từ thôn sang khối phố, từ xã sang phường… Ông Nguyễn Xuân Hà - Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn cho biết, với việc phối hợp tuyên truyền trên báo Quảng Nam, các vấn đề kinh tế xã hội của địa phương đã được phản ánh kịp thời. Nhiều bài viết đã góp phần giúp lãnh đạo địa phương có định hướng đúng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành. Các bài viết trên trang địa phương khá đa dạng, nhiều chiều. Những điển hình tiên tiến được nêu bật để nhân rộng; những hạn chế được chỉ rõ để khắc phục. Bài “Trăn trở Chơ Chun” trên địa phương Nam Giang đã nêu những khó khăn, trắc trở của một xã khó khăn nhất huyện. Hay bài “Nên chăng sáp nhập trung tâm học tập cộng đồng” trên trang Đại Lộc đã đề xuất hướng tháo gỡ đối với các trung tâm học tập cộng đồng loay hoay tìm hướng đi vì hoạt động không đạt hiệu quả như mong muốn. Một vị lãnh đạo địa phương thẳng thắn nói: “Được khuyến khích, động viên là điều rất đáng phấn khởi. Tuy nhiên, báo chí cần  nêu ra những hạn chế, đề xuất giải pháp tháo gỡ, vì sự phát triển chung của người dân, của địa phương, đó mới là điều đáng quý”.

Cần nâng cao chất lượng

Theo ông Hường Văn Minh - Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước, bài viết trên trang địa phương đã phản ánh được nhiều vấn đề mà lãnh đạo cũng như người dân quan tâm. Tuy nhiên, bài viết cần thực hiện sâu hơn, nêu bật bản chất của sự việc, vấn đề nổi trội, như vậy, sức lan tỏa sẽ rộng hơn. Chẳng hạn, bài về hiệu quả Chương trình 135 trên trang Tiên Phước mới đây chỉ dừng lại ở việc thống kê các công trình hạ tầng và việc hỗ trợ sản xuất cho người dân. Nếu phân tích sâu hơn sẽ thấy được nỗ lực rất lớn của địa phương qua con số giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 30,7% (năm 2011) giảm xuống còn 10,21% (năm 2015). Còn bài viết về Giải thưởng Huỳnh Thúc Kháng của huyện Tiên Phước mới chỉ nêu những gương mặt được giải thưởng mà không nêu được sự hình thành, sức hút của giải thưởng... thì hơi tiếc!

Còn ông Nguyễn Xuân Hà - Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn cho rằng, vẫn biết báo Đảng địa phương phục vụ chủ trương chung của tỉnh nhưng nên chăng, trang địa phương cần bám sát cơ sở để phản ánh vấn đề cụ thể của từng địa phương hơn. Theo ông Hà và một số lãnh đạo địa phương khác, nếu nội dung tuyên truyền do phóng viên đài huyện thực hiện, có lẽ sẽ sát cơ sở hơn. Đây cũng là điều Báo Quảng Nam đang hướng đến nhưng khó ở chỗ, hầu hết anh em phóng viên ở các đài huyện quen với báo nói, báo hình, vì vậy khi làm báo giấy lại tỏ ra lúng túng. Hiện nay, 10 huyện, thị xã, thành phố thực hiện chuyên trang địa phương trên báo Quảng Nam là Tam Kỳ, Điện Bàn, Tiên Phước, Phú Ninh, Núi Thành, Nam Trà My, Đại Lộc, Duy Xuyên, Thăng Bình, Nam Giang. Trong đó, trang địa phương Tiên Phước và Nam Trà My do phóng viên đài huyện đảm nhận. Hy vọng, trong thời gian tới anh em phóng viên đài huyện dần thực hiện nội dung chuyên trang địa phương để kịp thời phản ánh sâu sát những vấn đề thời sự ở địa phương.

CHÂU NỮ

CHÂU NỮ