Giải đáp nhiều kiến nghị của cử tri
Kỳ họp thứ 15, HĐND tỉnh khóa VIII diễn ra trong 3 ngày (từ ngày 9 - 12.12). Theo đề nghị của Thường trực HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương liên quan giải quyết, trả lời ý kiến cử tri trước kỳ họp.
“Nóng” chuyện tài nguyên, môi trường
Cử tri huyện Núi Thành đề nghị tỉnh thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để xác định tình trạng và mức độ ô nhiễm môi trường tại nhà máy sản xuất sô đa (Núi Thành). UBND tỉnh cho biết, do báo cáo đánh giá tác động môi trường của nhà máy thuộc thẩm quyền của Bộ TN-MT phê duyệt nên UBND tỉnh đã có công văn đề nghị Bộ TN-MT sớm có kế hoạch thanh tra, kiểm tra hoạt động của nhà máy sản xuất sô đa để xem xét vấn đề này. Trước mắt, UBND tỉnh đã chỉ đạo Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai cùng các ngành, địa phương kiểm tra thực tế, yêu cầu công ty có biện pháp khắc phục.
Trong khi đó, cử tri huyện Duy Xuyên đề nghị tỉnh quy hoạch chăn nuôi cách xa khu dân cư để không làm ảnh hưởng đến môi trường sống của nhân dân. Nội dung này, UBND tỉnh đã có Quyết định số 47/2014/QĐ-UBND ngày 25.12.2014 ban hành quy định về điều kiện sản xuất, kinh doanh giống và chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh. Theo đó, các cơ sở chăn nuôi phải đáp ứng các yêu cầu về vệ sinh thú y và khoảng cách tối thiểu với khu dân cư và đã có chủ trương cho lập dự án quy hoạch phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung theo hướng chuyển dần sang chăn nuôi tập trung ngoài khu dân...
Cử tri đề nghị cần quan tâm nhiều hơn cho nông nghiệp, nông thôn. Trong ảnh: Ruộng lúa nước ở Tây Giang. (ảnh có tính chất minh họa). Ảnh: P.C.A |
Quan tâm hạ tầng giao thông, xây dựng
Cử tri huyện Đại Lộc đề nghị tỉnh tiếp tục quy hoạch, sắp xếp Khu công nghiệp (KCN) Đại Tân để phát triển kinh tế vùng B và giải quyết việc làm cho nhân dân. Vấn đề này, UBND tỉnh đã chỉ đạo Ban Quản lý các KCN tỉnh xây dựng đề án quy hoạch phát triển các KCN Quảng Nam đến năm 2020 và đề án chuyển đổi cụm công nghiệp thành KCN (trong đó có đề nghị nâng Cụm công nghiệp Đại Tân lên thành KCN). Đề án đã được Bộ Kế hoạch và đầu tư thẩm tra trình Thủ tướng Chính phủ thống nhất chủ trương.
Cử tri TP.Hội An phản ánh, dự án mở rộng đường ĐT 608 (từ Điện Bàn đi Hội An) đã tiến hành đền bù và giải tỏa, nhưng đến nay tỉnh chưa bố trí vốn để thi công. Theo UBND tỉnh, dự án mở rộng đường ĐT608 đoạn từ ngã ba Lai Nghi đến bến xe khách Hội An đã được bố trí vào danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 bằng nguồn vốn Trung ương hỗ trợ phát triển hạ tầng du lịch. UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở GTVT tiến hành lập dự án để triển khai thực hiện khi nguồn vốn được bố trí.
Về đề nghị tỉnh chỉ đạo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh sớm chi trả số tiền đền bù tuyến đường nối A Xan - Ch’ơm - Ga ri cho bà con trước tết âm lịch năm 2016 của cử tri huyện Tây Giang, UBND tỉnh yêu cầu Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh triển khai thực hiện theo chỉ đạo của UBND tỉnh về việc dừng thực hiện các hạng mục còn lại, thanh toán chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng và quyết toán dự án đường nối các xã biên giới, tuyến A Xan - Ch’ơm, huyện Tây Giang.
Đầu tư nhiều hơn cho nông nghiệp - nông thôn
Cử tri các huyện Duy Xuyên, Đại Lộc phản ánh giá đầu vào nông sản quá cao trong khi giá bán lại quá thấp, đầu ra tiêu thụ khó khăn và đề nghị tỉnh tiếp tục quan tâm, có chính sách hỗ trợ để cải thiện đời sống cho nhân dân. Vấn đề này, UBND tỉnh đã ban hành quy định ưu đãi, hỗ trợ nhằm khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn. Tại kỳ họp lần này, UBND tỉnh sẽ trình nội dung về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh, hy vọng sẽ thu hút được nhiều nhà đầu tư vào lĩnh vực này nhằm hỗ trợ sản xuất, tiêu thụ nông sản.
Trong khi đó, cử tri thị xã Điện Bàn kiến nghị việc thực hiện cải tạo đồng ruộng, dồn điền đổi thửa (DĐĐT), xây dựng cánh đồng mẫu lớn chưa triệt để, tỉnh cần chỉ đạo quyết liệt để thực hiện. UBND tỉnh cho biết, từ năm 2003 đến nay, UBND tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế khuyến khích đối với công tác DĐĐT. Đến nay, Điện Bàn đã DĐĐT được 338,9ha; đo đạc 50ha nhưng chưa cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. UBND tỉnh đã có chủ trương thống nhất đề nghị kéo dài thời gian thực hiện cơ chế này đến hết năm 2017.
Cần giải quyết nhanh chế độ, chính sách Cử tri huyện Duy Xuyên kiến nghị, chính sách hỗ trợ bảo hiểm y tế (BHYT) cho người dân sinh sống tại xã đặc biệt khó khăn còn nhiều bất cập, triển khai chậm dẫn đến người dân chỉ hưởng được 5 tháng cuối năm, trong khi bảo hiểm được thực hiện ngay từ đầu năm. UBND tỉnh cho biết, hằng năm, trên cơ sở danh sách đề nghị cấp thẻ BHYT của ngành LĐ-TB&XH cung cấp, cơ quan bảo hiểm xã hội (BHXH) cấp thẻ BHYT cho các đối tượng thuộc hộ nghèo, cận nghèo, người dân sinh sống tại các xã đặc biệt khó khăn. Thực tế kiểm tra ý kiến phản ánh của cử tri cho thấy, việc cấp phát thẻ BHYT cho đối tượng là người dân vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện Duy Xuyên chưa kịp thời. Nguyên nhân cơ bản là đơn vị quản lý đối tượng chậm cung cấp danh sách đối tượng được cấp thẻ BHYT cho cơ quan BHXH, hoặc địa phương chậm cấp thẻ BHYT đến tay đối tượng sau khi nhận từ cơ quan BHXH. Cử tri thị xã Điện Bàn và huyện Thăng Bình phản ánh việc giải quyết chế độ cho người có công rất chậm trễ, đặc biệt là việc cấp thẻ BHYT cho con liệt sĩ. Theo UBND tỉnh, đến nay, Sở LĐ-TB&XH ban hành quyết định mua BHYT cho 6.806 trường hợp là con liệt sĩ. Các trường hợp còn lại, do hồ sơ con liệt sĩ có họ, tên; chữ đệm, chữ lót; ngày, tháng, năm sinh giữa hồ sơ liệt sĩ và chứng minh nhân dân (hoặc hộ khẩu) sai lệch nhau cần phải bổ sung, hoàn thiện lại. Tuy nhiên việc bổ sung, hoàn thiện thủ tục còn chậm. |
BẢO NGUYÊN (tổng hợp)