Lên "thực đơn" kịch tết

BẢO ANH 29/11/2015 08:42

3 tháng trước, trong và sau tết Nguyên đán hằng năm là “mùa” diễn chính, cao điểm của Đoàn Ca kịch Quảng Nam. Do vậy, thời điểm hiện nay cũng là lúc  mà cán bộ, diễn viên của đoàn lo “lên thực đơn” cho mùa diễn mới...

“Thủ Thiệm ở chợ Được” - một vở diễn của Đoàn Ca kịch Quảng Nam được đông đảo khán giả đón nhận và tiếp tục có mặt trong “thực đơn” kịch tết sắp tới.
“Thủ Thiệm ở chợ Được” - một vở diễn của Đoàn Ca kịch Quảng Nam được đông đảo khán giả đón nhận và tiếp tục có mặt trong “thực đơn” kịch tết sắp tới.

Từ tháng 11 đến nay, Đoàn Ca kịch Quảng Nam bắt tay vào khởi dựng vở diễn mới của năm 2015 - vở “Những linh hồn sống” (kịch bản Nguyễn Quang Lập, chuyển thể dân ca bài chòi Nguyễn Sĩ Chức). Đây là một vở diễn về đề tài hậu chiến, phản ánh hiện thực theo lối luận đề, khai thác, khắc họa những niềm vui, hạnh phúc, nỗi đau, sự chân thật và giả dối... của những phận người đi ra từ chiến tranh. Tuy đề tài vở diễn không mới nhưng vẫn rất “thời sự”, và đó sẽ là một điểm mấu chốt để lôi cuốn người xem. Theo ông Huỳnh Nhật Lệ, Trưởng đoàn Ca kịch Quảng Nam, sau nhiều năm đi diễn ở các nơi, mọi người nhận ra rằng khán giả đặc biệt yêu thích những vở diễn về đề tài đương đại, gần gũi và “có thể nhìn thấy trong đời sống hàng ngày”. Do vậy những năm gần đây đoàn chủ yếu khai thác, dàn dựng những kịch bản thuộc nhóm đề tài ấy và, vở “Những linh hồn sống” được dựng lần này cũng vì lẽ đó.

Bên cạnh vở diễn hàn lâm có dung lượng hơn 2 giờ đồng hồ này, đầu tháng 12 này Đoàn Ca kịch Quảng Nam cũng sẽ bắt tay vào dựng thêm vở kịch ngắn “Quan làng xử kiện” bằng nguồn hỗ trợ sáng tạo, công bố tác phẩm VHNT của Thủ tướng Chính phủ thông qua Hội VHNT tỉnh. Đây là một vở diễn có nội dung “lấy xưa nói nay”, hàm chứa nhiều yếu tố gây cười vừa hồn hậu vừa thâm thúy theo kiểu dân gian. Cách đây 3 năm, Đoàn Ca kịch Quảng Nam đã dựng một vở diễn ngắn dạng này - vở “Thủ Thiệm ở chợ Được”, được người xem đón nhận và cổ vũ rất nồng nhiệt. “Kịch đề tài dân gian, mà lại có yếu tố hài, nếu dựng cho sân khấu dân ca bài chòi thì sự phù hợp và duyên dáng là điều không phải bàn cãi. Tôi tin vở “Quan làng xử kiện” cũng sẽ được khán giả đón nhận một cách nồng nhiệt, phấn khích như với vở “Thủ Thiệm ở chợ Được” trước đây”, ông Lệ nói.

Như vậy là, cùng với những vở diễn từng đem lại những tấm huy chương quý giá tại các kỳ liên hoan, hội diễn chuyên nghiệp và hiện vẫn còn hút khách như “Nỗi đau tình mẹ”, “Biển và bờ”, “Lâu đài cát”, “Thủ Thiệm” và “Thủ Thiệm ở chợ Được”, “thực đơn” kịch tết của Đoàn Ca kịch Quảng Nam sắp tới có thêm 2 vở diễn mới. So với một số đoàn kịch ở 2 trung tâm lớn là Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh, tỷ lệ vở mới như vậy là khiêm tốn. Nhưng với một đơn vị nghệ thuật sân khấu truyền thống, còn nhiều khó khăn, thiếu thốn như Đoàn Ca kịch Quảng Nam, việc mỗi năm dựng thêm được một vở mới (không kể kịch ngắn) là một cố gắng rất lớn, không phải đoàn kịch nào (cùng loại hình, cùng cấp) cũng có thể làm được. Và không chỉ có vậy, Đoàn Ca kịch Quảng Nam cũng đang nỗ lực “làm mới” kết cấu chương trình biểu diễn của mình để thu hút khán giả, nhất là khán giả trẻ. Đó là, trong một suất diễn, thay vì chỉ có một vở kịch dài, đoàn còn “khuyến mãi” thêm một vở kịch ngắn kiểu “Thủ Thiệm ở chợ Được” hay “Quan làng xử kiện”. Hoặc, thay cho vở kịch ngắn, trước khi khai diễn kịch, người xem sẽ được thưởng thức một chương trình ca nhạc tổng hợp, có cả nhạc mới, nhạc trẻ và dân ca bài chòi.

BẢO ANH

BẢO ANH