Một thuở trường làng
Một đời, học bao nhiêu thầy cô giáo sao cứ nhớ thầy cô giáo ở làng vậy? Có phải vì các thầy gắn với tuổi thơ mình nhiều nhất? Có phải vì cái độ tuổi ấy là độ tiếp thu và ghi nhớ nhiều nhất của một đời người? Hay chính vì sự thanh bần và trong trẻo của cả lòng thầy lẫn lòng học trò?
Lớp học vùng cao. Ảnh: THÀNH CÔNG |
Nhà tôi ở bên kia sông, phía sau là cánh đồng. Muốn “giao lưu” với “thế giới bên ngoài” công việc đầu tiên là phải vượt sông. Có nhiều cách vượt sông. Mùa nước cạn thì leo kheo chiếc cầu khỉ chỉ một cây tre vắt từ bên này sang bên kia cho tới hết khúc sông. Mùa mưa, cầu dỡ thì đi bằng ghe. Mùa nước lớn thì cực chẳng đã mới qua sông, mà phải đi đông người, nhiều ghe càng tốt. Trường ở bên kia sông nên trừ những ngày yên ổn với chiếc cầu tre chênh vênh thì hầu như còn lại là ghe trăm phần trăm! Nhớ sao là nhớ cái lớp Vỡ lòng kiêm lớp Năm nơi vườn Đình xa xôi ấy. Nhớ dáng thầy H. dong dỏng ôm mấy cuốn sách cũ kẹp thêm cây thước dài ngoằng đi bộ từ xóm trên xuống. Giữa trưa, đường vắng ngắt, trông dáng thầy nghiêm ra phết! Cho nên đứa nào cũng sợ một phép. Trường lợp tranh. Bàn ghế là mấy thanh tre ghép lại. Lớp cứ ồn như chợ vỡ nên thầy không ngừng đập thước lên bàn. Ổn định lớp xong, thầy bắt đầu “phóng” chữ lên bảng. Chữ thầy nghiêng nghiêng, nét thanh, nét đậm. Bọn học trò chúng tôi vừa quệt mũi chùi xuống vạt áo vừa nằm bò lên bàn cặm cụi viết. Đến phần tập đọc thì theo nhịp đập của chiếc thước, cứ thế ê a. Hết âm đến vận (vần). Hết vận xuôi đến vận ngược. Vận xuôi còn được đến phần vận ngược đọc đến trẹo miệng mà chả khi nào đọc cho ra hồn. Cách học sao có vẻ giống học trò học chữ Nho ngày xưa! Đọc không ra có khi ăn thước vào mông, hoặc ăn roi dương liễu.
Năm lớp Bốn (tức lớp 2 bây giờ), tôi học thầy T. (người bà con xa trong gia đình tôi). Ngày ấy, bà con xa với thầy giáo là oách xà lách rồi. Về học trường xã nên mọi thứ đâu ra đấy. Trường có 4 phòng, bốn lớp. Thầy hiệu trưởng dạy lớp Nhất, học ở phòng sát đường lớn còn tụi tôi ở tận phía bờ rào. Phía trên bảng đen treo hàng chữ “Tổ quốc trên hết” và mấy câu cách ngôn. Có cả “Bảng danh dự” để ghi tên trò học giỏi nhất lớp hằng tháng. Hàng trên cùng của bảng cũng ghi một câu cách ngôn nữa. Góc bảng ghi mấy chữ Lớp Hai/ Sĩ số/ Khiếm diện (vắng mặt)… Bốn năm đứa ngồi một bàn. Tôi nhớ mặt bàn nghiêng nghiêng để dễ tập viết. Phần trên cùng khá phẳng và được đục lỗ để đặt chìm mấy bình cu đê (bình mực). Bình cu đê thật hay, dù có nghiêng bàn mực vẫn không hề đổ bởi phía trong có thêm phần ngăn mực chảy ra giống cái hom lờ! Hễ hết mực thì báo thầy, tất sẽ có người đổ thêm mực! Cũng nhờ bình cu đê này mà bọn tôi áo quần, mặt mũi sạch hơn hồi học vỡ lòng nhiều. Cũng chẳng nhớ đã học những gì. Chỉ nhớ rằng bọn ở tận Mông Lãnh, Xuân Yên, Đồng Tràm thì trưa được ở lại trường. Còn bọn tôi vì ở gần nên phải về nhà ăn cơm trưa chiều mới lên học lại. Ở lại trường thật thích. Bọn ở xa mỗi đứa một mo cơm kèm thức ăn đem theo hễ trưa là kiếm chỗ mát tụm nhau lại mở mo cơm ra ăn. Đứa nào siêng thì đem theo đũa, đứa nào lười thì bẻ đại đôi nhánh dương liễu là có cái để gắp. Một bữa mưa quá, không có ghe về tôi “được” nghỉ lại trưa ở nhà một người bà con. Tôi nhớ, bữa cơm ấy có chỉ cá rô chiên dằm nước mắm. Chúng tôi đã ăn một bữa ăn tuổi thơ kỳ diệu nhất đời mình. Học đâu gần hết đệ nhất lục cá nguyệt thì chiến tranh nổ ra. Cả trường nghỉ học, mỗi đứa lạc một nơi. Đến hơn mười năm sau mới gặp lại.
Sau ngày bọn tôi bỏ học, thầy H. đi kháng chiến rồi về nghỉ mất sức. Thầy mất đã hơn 20 năm. Thầy T. dạy vẫn ở làng dạy học suốt những năm tháng đạn bom. Sau 1975, thầy còn dạy một thời gian nữa mới nghỉ hẳn. Giờ thì đã già yếu đi nhiều, con cái đều ở xa. Ít người còn nhớ đến thầy ngoại trừ ngày 20 tháng 11… Người ta thường ví người dạy học như kẻ chèo đò cũng phải.
LÊ TRÂM