Trăn trở Chơ Chun

ALĂNG NGƯỚC 18/11/2015 09:11

Gần 5 năm, kể từ ngày tái lập, xã Chơ Chun vẫn còn là địa phương khó khăn nhất của huyện Nam Giang. Chỉ có con đường giao thông đi được trong mùa nắng, mọi thứ còn lại với Chơ Chun dường như chỉ là “khoảng trống” với nhiều khó khăn, trăn trở.

Khó khăn nhiều mặt

Trở lại Chơ Chun, xã biên giới của huyện Nam Giang còn được biết đến với cái tên “xã 5 không” suốt từ ngày tái lập. Con đường đất đá gồ ghề nối dài từ quốc lộ 14D về tận trung tâm xã, trở thành tuyến giao thông huyết mạch giúp Chơ Chun thoát khỏi tình thế cô lập với bên ngoài. Tuy nhiên, theo chính quyền địa phương, đó cũng chỉ mới là giải pháp tạm thời để người dân đi lại được trong mùa nắng, còn vào mùa mưa thì vẫn bị cô lập như cũ, vì nhiều đoạn đường dốc đá hiểm trở. Ông Pơloong Ađốc - Chủ tịch UBND xã Chơ Chun tâm sự, trước mùa mưa lũ hàng năm, người dân địa phương thường phải vượt hàng chục cây số đường rừng xuống tận trung tâm xã Chà Vàl để mua thực phẩm dự trữ ăn dần. Thời điểm mưa lũ kéo dài, khi thực phẩm dự trữ không còn, người dân đành phải chấp nhận sống “tự cung, tự cấp” với rau rừng và măng tre được phơi khô trên giàn bếp. “So với nhiều năm trước, mặc dù diện mạo của xã Chơ Chun đã có nhiều thay đổi, nhưng xét cho cùng đời sống người dân vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn. Trong đó, đường sá đi lại chưa đảm bảo, trường học thiếu kiên cố, điện lưới quốc gia chưa được đầu tư... luôn là những rào cản khiến địa phương gặp nhiều trở ngại trong phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân” - ông Ađốc nói.

Chưa có trụ sở mới, nơi làm việc của cán bộ xã Chơ Chun chỉ là căn nhà gỗ cấp 4 tạm bợ. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Chưa có trụ sở mới, nơi làm việc của cán bộ xã Chơ Chun chỉ là căn nhà gỗ cấp 4 tạm bợ. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Khó khăn chung của xã Chơ Chun không chỉ về đường sá đi lại hiểm trở, hay điện lưới quốc gia chưa được kéo về, mà còn ở chỗ nhiều trường học, trạm y tế xã đã xuống cấp nghiêm trọng nhưng chưa có kinh phí đầu tư, sửa chữa. Đó là chưa kể suốt 5 năm qua, trụ sở làm việc của xã chỉ là căn nhà gỗ xập xệ, thiếu đảm bảo và chưa được quan tâm đầu tư xây dựng. Trong khi đó, ngoài điểm trường thôn Axòo và Blăng đã được kiên cố, tu sửa đưa vào sử dụng, hiện hầu hết điểm trường học còn lại trên địa bàn vẫn tạm bợ, dột nát, ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục cho con em tại địa phương. Chính vì thế, xã Chơ Chun vẫn được xem là địa phương khó khăn nhất của huyện Nam Giang ở nhiều lĩnh vực, khiến công tác giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân còn nhiều trở ngại. Năm 2014, xã Chơ Chun vẫn còn 75,6% hộ nghèo. Nguyên nhân là điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, phương thức sản xuất người dân còn lạc hậu, thiên tai bão lũ liên tục xảy ra... khiến nhiều hộ dân chưa thể thoát nghèo. Theo báo cáo của huyện Nam Giang, Chơ Chun là một trong 4 xã biên giới chỉ đạt dưới mức 5 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới.

Cần chính sách đầu tư

Ông Alăng Mai - Chủ tịch UBND huyện Nam Giang cho biết, so với nhiều địa phương khác trên địa bàn, đời sống kinh tế - xã hội của đồng bào Cơ Tu ở xã biên giới Chơ Chun còn gặp rất nhiều khó khăn, nhất là trong việc xây dựng nông thôn mới và tìm hướng thoát nghèo bền vững. Những năm qua, chính quyền địa phương đã có nhiều nỗ lực trong việc đưa các chính sách, dự án đầu tư nhưng vẫn chưa đáp ứng được so với nhu cầu thực tế của xã. Trong khi đó, việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng cho các xã biên giới còn chưa đồng bộ và toàn diện. Chính vì vậy, tại buổi làm việc với đoàn giám sát của Ban Dân tộc HĐND tỉnh mới đây, Chủ tịch UBND huyện Nam Giang Alăng Mai kiến nghị tỉnh cần có thêm nhiều chính sách đầu tư, hỗ trợ để giúp địa phương từng bước hoàn thiện việc xây dựng cơ sở hạ tầng, đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội cho vùng biên giới, nhất là xã Chơ Chun.

Ông Mai dẫn chứng, đã gần 5 năm kể từ ngày tái lập, nhưng đến nay Chơ Chun vẫn chưa có trụ sở làm việc; nhiều cơ sở vật chất ở các điểm trường học, trạm y tế xã đã hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng nhưng việc hỗ trợ của tỉnh vẫn còn chậm. “Trước đây, khi mới tái lập xã, địa phương đã quy hoạch xây dựng trụ sở làm việc mới cho xã Chơ Chun, nhằm từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng cho miền núi vốn còn gặp nhiều khó khăn. Chủ trương này sau đó đã được UBND tỉnh đồng ý phê duyệt hỗ trợ đầu tư. Tuy nhiên, đến nay nguồn vốn vẫn chưa được rót về địa phương” - ông Mai nói. Thêm vào đó, tuyến giao thông nối từ quốc lộ 14D về trung tâm xã là đường đất, việc vận chuyển hàng hóa, đi lại gặp nhiều trở ngại. Theo ông Coor Dương - Bí thư Đảng ủy xã Chơ Chun, chính giao thông không thuận lợi đã trở thành “rào cản” trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Bởi đã có nhiều dự án dù đã được quy hoạch, nhưng đến nay vẫn chưa thể triển khai thực hiện do không thể vận chuyển vật liệu công trình. “Nếu con đường về trung tâm xã được hoàn thiện, chắc chắn đời sống kinh tế - xã hội tại địa phương sẽ có nhiều đổi mới hơn” - ông Dương mong mỏi.

ALĂNG NGƯỚC

ALĂNG NGƯỚC