Giám sát từ cộng đồng
Những năm qua, hoạt động của Ban giám sát đầu tư cộng đồng (gọi tắt là giám sát cộng đồng) đã thể hiện rõ nét vai trò giám sát của MTTQ Việt Nam ở cơ sở, nhất là với đề án “Tăng cường năng lực giám sát của Ban giám sát cộng đồng” do Thanh tra tỉnh triển khai trên địa bàn 6 huyện, thành phố trong tỉnh thời gian qua.
Toàn tỉnh hiện đã thành lập được 244 Ban thanh tra nhân dân và kiện toàn thành lập được gần 200 Ban giám sát cộng đồng; ngoài ra ở một số địa phương Ban thanh tra nhân dân kiêm nhiệm Ban giám sát cộng đồng. Mỗi Ban giám sát cộng đồng do chủ tịch hoặc phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã làm trưởng ban. Thời gian qua, công tác giám sát, thanh tra ở cấp cơ sở được thực hiện khá hiệu quả dựa vào 2 ban này. Tại 6 huyện, thành phố (gồm: Hội An, Tam Kỳ, Núi Thành, Phú Ninh, Thăng Bình, Duy Xuyên) Thanh tra tỉnh triển khai đề án “Tăng cường năng lực giám sát của Ban giám sát cộng đồng” đã góp phần nâng cao hiệu quả của các Ban giám sát cộng đồng ở cơ sở. Đề án đã góp phần hình thành mối liên kết, cơ chế phối hợp hỗ trợ hoạt động giám sát cộng đồng giữa 2 cơ quan Thanh tra và MTTQ Việt Nam. Cụ thể, Thanh tra và MTTQ Việt Nam 6 huyện, thành phố đã tổ chức xây dựng, ký kết và triển khai thực hiện 6 bản Kế hoạch phối hợp hoạt động giám sát cộng đồng. Trên cơ sở này, 6 địa chỉ hỗ trợ hoạt động giám sát cộng đồng được thiết lập với 6 tổ tư vấn thường trực gồm thanh tra viên và chuyên viên của 2 cơ quan. Số điện thoại, danh sách thành viên tổ tư vấn được thông tin đến từng Ban giám sát cộng đồng. Cũng đã có 12 đoàn công tác được thành lập để trực tiếp đi tư vấn, hỗ trợ về hoạt động giám sát cộng đồng tại 6 huyện, thành phố trên.
Nhờ các hoạt động hỗ trợ trực tiếp nêu trên mà thời gian qua, 95 Ban giám sát cộng đồng tại 6 địa phương triển khai đề án ngày càng phát huy được vai trò của mình. Tại phường An Xuân (TP.Tam Kỳ), Ban giám sát cộng đồng phường gồm 11 thành viên do phó chủ tịch Ủy ban MTTQ kiêm phó chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường làm trưởng ban. Theo ông Phan Tấn Hùng - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường An Xuân, việc giao cho đồng chí phó chủ tịch Mặt trận làm trưởng ban giám sát là do trước đây từng có thời gian làm ngành xây dựng nên khá am hiểu về các công trình xây dựng, qua đó giúp công tác giám sát đạt hiệu quả tốt hơn. Một số công trình được triển khai trên địa bàn phường như bê tông hóa đường giao thông, lót vỉa hè các tuyến đường Huỳnh Thúc Kháng, Hùng Vương; xây dựng trung tâm thể dục thể thao phường… đều được Ban giám sát cộng đồng giám sát chặt chẽ, đem lại chất lượng tốt cho công trình, được người dân đánh giá cao.
Theo Thanh tra tỉnh, thời gian qua, thông qua hoạt động giám sát của Ban giám sát cộng đồng ở cơ sở đã kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những thiếu sót, sai phạm trong quá trình thi công các công trình, dự án tại địa phương. Đơn cử như Ban giám sát cộng đồng xã Tam Dân (Phú Ninh) đã giám sát phát hiện sai phạm 3 công trình tại xã. Trong đó, qua giám sát công trình Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi và Trường Mẫu giáo Ánh Hồng đã phát hiện cửa gỗ có lẫn gỗ tạp, không đúng chủng loại, cát tô bị nhiễm mặn, qua đó kiến nghị nhà thầu thay đổi vật liệu đúng thiết kế, đảm bảo chất lượng. Hay như từ thông tin của Ban giám sát cộng đồng phường Tân An (TP.Hội An), Thanh tra thành phố đã tiến hành 2 cuộc thanh tra đột xuất với các công trình xây dựng thiết chế văn hóa khối phố Tân Hòa và Trường Mẫu giáo Tân An. Kết quả đã xử lý thu hồi nộp ngân sách nhà nước số tiền sai phạm hơn 136 triệu đồng. Nhân đây cũng thông tin thêm, trong 6 tháng đầu năm 2015, Ban giám sát cộng đồng các xã, phường trên địa bàn TP.Hội An đã tập trung giám sát các công trình chuyển tiếp năm 2014, đồng thời tổ chức giám sát 38 công trình và hạng mục được đầu tư mới năm 2015, với tổng giá trị công trình hơn 40 tỷ đồng. Qua giám sát đã phát hiện nhiều sai phạm, như: thi công không đúng thiết kế, tiêu chuẩn kỹ thuật và thi công không đảm bảo chất lượng. Thời gian tới, phát huy hiệu quả từ 6 địa phương, Thanh tra tỉnh sẽ tiếp tục triển khai đề án ra 18 huyện, thị xã, thành phố trên toàn tỉnh.
Trao đổi với chúng tôi, nhiều ý kiến ở cơ sở cho rằng, hiệu quả thực tế mà Ban giám sát cộng đồng mang lại là rất rõ. Ở thôn, khối phố, khu dân cư, công tác giám sát càng được thực hiện nghiêm túc và hiệu quả hơn vì chính người dân giám sát công trình, bởi họ là người trực tiếp hưởng lợi, sử dụng công trình đó. Tuy nhiên, thời gian qua, hoạt động của các Ban giám sát cộng đồng, đặc biệt là các thành viên thường trực đều trên tinh thần tự nguyện, chứ mức hỗ trợ không đáng bao nhiêu. Hiện nay, mỗi Ban thanh tra nhân dân và Ban giám sát cộng đồng chỉ được hỗ trợ 2 triệu đồng/năm nhằm phục vụ công tác họp hành, đi lại cho cán bộ, là quá ít. Ngoài ra, một vấn đề quan trọng khác đó là hiện nay năng lực của cán bộ thuộc Ban giám sát cộng đồng ở cơ sở còn khá hạn chế, do đó gặp khó khăn trong hoạt động giám sát những công trình, dự án có yếu tố chuyên môn, kỹ thuật cao…
ANH ĐÔNG