Tài lột ở biển
Tài lột là biệt danh của những người phục vụ trên tàu câu mực xa bờ do ngư dân các địa phương miền Trung đặt cho họ. Mỗi tàu có từ 4 đến 5 tài lột, phục vụ cho hơn 40 người trên tàu. Trước mỗi chuyến biển họ phải có mặt trên tàu trước 1 tuần để lo dầu, mỡ, nước, thực phẩm và nhiều thứ khác phục vụ suốt hành trình từ 2 đến 3 tháng.
Có người nói đó là nghề tà lọt, nhưng quê tôi quen gọi tài lột hơn. Có khi giọng Quảng là vậy. Nên lỡ có ai cãi, thì người quê tôi sẽ hăng lên, khẳng định ngay rằng cái nghề ấy, công việc ấy, quê tôi cứ gọi là tài lột.
Mưu sinh
Sau khi xuất ngũ từ chiến trường Campuchia, anh Nguyễn Văn Đinh (Hà Bình - Bình Minh, Thăng Bình) về làm công nhân tại nông trường Đức Phú rồi lập gia đình. Vợ anh - chị Hoa (người cùng quê) cũng lên nông trường làm công nhân. Hai vợ chồng định lập nghiệp lâu dài ở Đức Phú. Khi Nhà nước xóa bỏ kinh tế bao cấp chuyển sang kinh tế thị trường thì nông trường lúng túng, sản xuất gặp khó khăn nên công nhân cũng tự chuyển đổi công việc; vợ chồng con cái anh đùm túm nhau về lại Bình Minh. Vì không vốn liếng nên anh không có điều kiện để chung phương tiện đi biển, đành phải đi làm công cho những người có phương tiện đánh bắt gần bờ.
Sau mấy năm làm thuê mà đời sống vẫn khó khăn, nghe một người bạn rủ rê, anh nhảy lên tàu xa bờ để đi thử vài chuyến, ban đầu chỉ là làm "phụ tài lột", tức là giúp việc lại cho những tài lột chính, cố gắng thể hiện mình để được tài công (người lái tàu kiêm thuyền trưởng - NV) duyệt thì sẽ cất nhắc cho làm tài lột chính trong những chuyến đi sau. Những chuyến biển lênh đênh hàng tháng trời, nhọc nhằn bao nhiêu tài công càng nhìn thấy anh cần cù, chịu khó và lanh lẹ bấy nhiêu. Anh Đinh nhanh chóng được nhận chính thức một chân phục vụ trên tàu sau 2 chuyến đi làm phụ. Từ đó đến nay, gần 20 năm, anh trở thành người có thâm niên trong nghề này. Đời sống có khá hơn trước, dẫu vẫn còn khó khăn nhưng anh vẫn lo được ba đứa con ăn học đàng hoàng. "Còn thằng út đang học cấp 3 nữa, cố gắng mần để lo cho hắn, hồi mô hắn có cái nghề lận lưng, tự nuôi sống bản thân thì mình nghỉ, còn chừ phải ráng" - anh tâm sự. Nghĩa là anh sẽ làm tài lột thêm ít nhất là 5,6 năm nữa, khi anh đã ngoài 50 tuổi.
Khác với anh Đinh, anh Hồ Căn Hai là dân làm biển “chính hiệu”, nhưng do việc khai thác ven bờ thu nhập ngày càng ít đi nên anh quyết định đi khơi. Ban đầu dự định làm thử nghề tài lột cho quen dần với biển khơi, sau sẽ "đi bạn", nhưng vì anh làm quá tốt công việc này nên ai cũng thích, từ tài công cho đến người đi bạn... Thế là anh trở thành tài lột. Sau mỗi chuyến biển, nhiều chủ tàu đều tranh thủ kéo anh về để đi với tàu họ. Tuy "đắt sô" là vậy, nhưng anh rất ít khi thay đổi “nơi làm việc”. Bởi theo anh, nghề này càng thay đổi nhiều càng mệt. Gần 20 năm qua anh chỉ gắn bó với 3 chủ tàu và gần 100 chuyến biển. Thâm niên là vậy, nhưng cuộc sống của gia đình anh cũng chẳng khá giả gì. 5 đứa con thì 1 đứa con gái học hành đến nơi đến chốn, học xong xin được việc làm rồi có chồng về tận Kon Tum. Bốn đứa con trai thì hai đứa lớn theo… nghiệp bố, nhưng không làm tài lột mà trở thành những người bạn câu và đã lập gia đình riêng. Hai đứa nhỏ đang đi học nên anh phải tiếp tục lênh đênh theo phận tài lột... Còn trường hợp của anh Bảy "đen" thì khác. Anh là người đi câu mực đầu tiên của xã, trong một lần xuống thúng câu cách xa tàu gần 500m, một cơn lốc biển đêm ập đến, anh may mắn thoát nạn, thế là về chuyển hẳn sang làm tài lột. "Ở trên tàu an toàn hơn, lại thỏa mãn đam mê được tiếp tục ra khơi" - anh nói.
Nhọc nhằn
Toàn xã Bình Minh hiện có gần 800 lao động đi câu mực khơi, trong đó làm tài lột khoảng hơn 100 người. Phần lớn trong số họ là những người sức khỏe không đủ để đi bạn, hoặc đã từng là "bạn câu" nhiều năm nhưng gặp sự cố nên tâm lý không vững vàng để tiếp tục một mình xuống thúng câu nữa, hay có khi là những thanh niên mới lớn chưa tìm được việc làm…
Mỗi tàu thường có từ 4 đến 5 tài lột, phục vụ cho hơn 40 người trên tàu. Trước mỗi chuyến biển thì họ phải có mặt trên tàu trước 1 tuần để lo dầu, mỡ, nước, thực phẩm và nhiều thứ khác phục vụ cho cuộc hành trình từ 2 đến 3 tháng. Ngoài việc lo cơm nước phục vụ cho toàn tàu, tài lột phải cùng với tài công lo gom bạn câu vào mỗi đêm, vớt thúng câu lên tàu từ 4 giờ cho đến sáng. Đôi khi tài lột đảm nhận luôn việc lái tàu vì tài công tranh thủ chợp mắt, ở vùng biển sâu hàng trăm mét nước tàu không neo được mà chỉ thả "dòm", nghĩa là vật nặng thả dưới nước để tàu bớt trôi, nên phải trực lái 24/24 giờ đề phòng bất trắc. Khoảng thời gian từ 22 giờ trở đi thì tài lột phân công nhau xuống thúng để tranh thủ câu đến 3 giờ. Số mực câu được trong thời gian này là nguồn thu nhập chính của họ, câu được nhiều thì hưởng nhiều. Dù không phải chịu phí tổn gì cho chuyến đi như những người đi bạn, cũng không trả phần trăm cho chủ, chỉ tốn chi phí cho bản thân như nước uống, mì tôm, thức ăn khô hoặc rượu... nhưng riêng khoảng này chi phí cũng 3 - 4 triệu đồng/ chuyến... Tổ tài lột câu chung rồi chia nhau sản phẩm, mỗi chuyến biển sản lượng họ câu được chỉ bằng khoảng 1/3 những người đi bạn vì họ chỉ câu gần tàu, độ di chuyển của thúng câu ít nên số mực câu được không nhiều. Ngoài những nhọc nhằn đó thì việc hỗ trợ tiền dầu theo Nghị định 67/ NĐ-CP của Chính phủ họ cũng không được chủ tàu quan tâm. “Đôi khi, sự rủi ro còn đến bất chợt, nhiều tài lột bị tai nạn, mất tích, bị thương. Có trường hợp một tàu mất tích cả hai tài lột do bất cẩn khi đang múc nước rửa sàn tàu, bị sóng to hất văng cả hai người cùng lúc vào nửa đêm…” - một tài lột kể.
Chút nỗi niềm
Trong những chuyến biển dài ngày trở về của các tàu câu mực, sản lượng đánh bắt của mỗi tàu đạt cao ngoài sự phụ thuộc vào nhiều yếu tố như thời tiết tốt, khai thác trúng luồng, bạn câu giỏi, tàu máy đảm bảo an toàn... thì kết quả khai thác còn có sự góp công rất lớn của đội ngũ tài lột trên từng tàu. Tuy nhiên, họ thường hay bị lãng quên và ít được chủ tàu ghi nhận, mặc dù công sức họ bỏ ra rất nhiều, thậm chí đánh đổi cả sinh mạng để được "quá giang" trên tàu, lênh đênh hàng tháng trên biển khơi. Những người làm nghề tài lột thường có chút ngậm ngùi về “chân sai vặt” của mình. Thu nhập của họ bấp bênh. Cuộc sống của họ bập bềnh. Nhưng họ yêu từng chuyến biển.
Hàng trăm chiếc tàu cùng hàng ngàn ngư dân của Quảng Nam đang làm nghề đánh bắt xa bờ ở vùng biển Hoàng Sa -Trường Sa, ngoài việc mưu sinh thì họ còn trở thành những “cột mốc sống” thể hiện chủ quyền biển đảo Việt Nam. Dù họ là chủ tàu, đi bạn hay tài lột.
Và họ cứ ra khơi.
TRƯƠNG CÔNG HÙNG