Nỗ lực tự thân
Chính sách giảm nghèo trên địa bàn tỉnh suốt 15 năm qua là sự hỗ trợ thiết thực để những hộ nghèo có điều kiện vươn lên thoát nghèo.
1.Được nhận thưởng dịp Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổng kết 15 năm thực hiện Cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”, nhưng chị Trương Thị Đào, ở thôn Phú Thạnh, xã Tam Phú, TP.Tam Kỳ rất ngần ngại khi đi dự. Bởi theo chị, việc thoát nghèo của gia đình chị hẳn ai cũng biết là 4 người con của chị có điều kiện ăn học như chúng bạn. Sau một hồi trò chuyện, chị mới mở lòng. Gia đình chị Đào lâm cảnh khó nghèo từ lúc người chồng lâm vào vòng lao lý, 4 đứa con thì nhỏ dại, mẹ già yếu. Cú sốc tinh thần quá lớn, chị ốm liệt giường cả tháng. Bà con chòm xóm ai thương tình cứ nghĩ chị không qua khỏi, nhưng rồi mọi chuyện khác đi. Đó là lúc chị em phụ nữ các cấp hội phụ nữ ở thôn, ở xã tới lui động viên, an ủi tiếp thêm nghị lực để chị đứng lên. Rồi từ nguồn vốn vay ưu đãi do các cấp hội đứng ra tín chấp, chị Đào dần nguôi ngoai câu chuyện buồn của gia đình, miệt mài đầu tư chăn nuôi heo, bò… Lúc rỗi, chị lại tranh thủ chạy chợ buôn bán nên cuộc sống dần ổn định, có đồng ra đồng vào. Rất may cả 4 con đều chăm học, nay một con đã vào đại học, một là học sinh giỏi cấp thành phố. Hỏi chuyện bà con chòm xóm ai cũng trầm trồ, hơn 10 năm vắng chồng, một tay chị vừa làm mẹ vừa làm cha, nhưng đứa nào cũng ngoan.
Chị Trương Thị Đào, xã Tam Phú, TP. Tam Kỳ (giữa) kể lại những tháng ngày gia đình lâm hoàn cảnh khốn khó. |
Ông Đỗ Văn Tú, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Tam Phú, TP.Tam Kỳ chia sẻ: “Đào mà không giỏi thì bây giờ gia đình cũng tan đàn xẻ nghé cả rồi. Ngày chị ấy ốm nặng ở viện, bà con đã làm rạp chờ đưa về. Vậy mà người mẹ đó gượng dậy, làm đến chừ, môn ra môn, khoai ra khoai mới tài”.
Năm 2014, gia đình chị Đào đăng ký thoát nghèo theo tinh thần Nghị quyết 119 của HĐND tỉnh. Mặt trận địa phương đến động viên, chị khẳng khái cam đoan, chừ không chỉ lo thoát nghèo mà phải làm nhiều hơn để làm lại cái nhà kiên cố. Dự tính tới đây, chị đầu tư mở rộng chuồng trại, mua thêm heo giống về nuôi; thỏ thì mới nuôi thử nghiệm nếu thành công sẽ nhân rộng. Hơn hai năm nữa chồng chị sẽ mãn hạn tù. Chị tin lúc đó nhà chị có thêm lao động cùng chị chăm lo phát triển kinh tế gia đình.
Lò bánh tráng, bánh bèo “thoát nghèo” của vợ chồng chị Lê Thị Tuyết, Phạm Châu Bình, xã Tam Tiến, Núi Thành. Ảnh: V.T |
2.Theo chân chị Lê Thị Thu Bích, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Tam Tiến, huyện Núi Thành chúng tôi đến thăm gia đình chị Lê Thị Tuyết ở thôn Tân Bình Trung. Nhiều năm, gia đình chị Tuyết vẫn ở diện hộ nghèo. Chồng không có việc làm. Một trong ba đứa con của chị từ lúc sinh ra đã bị chứng bại não, nằm liệt một chỗ. Chị quần quật chăm con nên không có điều kiện lao động. Năm 2012, được sự quan tâm Ủy ban MTTQ xã Tam Tiến, Ban vận động Quỹ vì người nghèo của xã hỗ trợ gia đình chị Tuyết 10 triệu đồng và bày vẽ cách thức làm ăn. Hai vợ chồng chị bàn nhau mở lò làm bánh tráng, bánh bèo bán cho bà con trong vùng trong những phiên chợ sáng ở xã. Nước xay bột bánh tráng, bánh bèo chị tận dụng nuôi heo để tăng thu nhập. Một tháng, hai tháng, rồi nhiều tháng vợ chồng chị đã có nguồn thu kha khá, ngày một tăng dần lên. Mới đây, bù vào nỗi đau khi người con bại liệt mất thì con gái lớn đỗ vào Trường Đại học Quảng Nam. Tiết kiệm từ nguồn thu nhập, gia đình mua được một chiếc xe máy cho con đi học. Tâm sự với chúng tôi, anh Phạm Châu Bình, chồng chị Tuyết xúc động: “Ai nghèo ba họ, vợ chồng mình chừ cố gắng làm ăn, con học đại học tuy có tốn kém nhưng đó cũng chính động lực để mình gắng vươn lên, con cái cũng đỡ tủi thân”.
3.Trong khi đó gia đình bà Nguyễn Thị Thể ở thôn Đại An, xã Tam Đại, huyện Phú Ninh cũng chính thức thoát nghèo từ năm 2014. Bà Thể tuổi đã ngoài 70, mẹ già ngoài 90, lại thêm cô con gái Nguyễn Thị Lim Loan một nách 3 con nhỏ đang tuổi ăn tuổi học. Rất may mắn cả ba con chị Loan vừa đi học nhưng đã biết làm thêm để phụ giúp mẹ, giúp bà. Nay thì 2 cháu lớn đã vào đại học, 1 đang học phổ thông.
Có được ngày hôm nay bà Thể cho biết, gia đình luôn biết ơn sự quan tâm của Mặt trận cũng như các cấp hội đoàn thể xã Tam Đại đã động viên, bày vẽ cách làm ăn. Dựa vào lợi thế vườn đồi rộng rãi, gia đình bà Thể được tín chấp vay 20 triệu đồng đầu tư trồng cỏ, nuôi bò, trồng keo lá tràm, trồng sắn... Nhờ chăm chỉ làm ăn và nguồn thu tổng hợp từ chăn nuôi và trồng trọt, năm 2014 gia đình bà Thể đã tự nguyện đăng ký thoát nghèo. Ý nguyện tới đây bà Thể mong muốn có thêm nguồn vốn đầu tư mua thêm bò chăn thả. Bởi nuôi bò với bà khá thuận lợi, tuy sức yếu nhưng vài con bò bà có thể thả ngoài vườn tràm, trồng thêm ít luống cỏ, tối về cho bò ăn dặm là hoàn toàn nằm trong tầm tay của bà. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Lộc, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Tam Đại, huyện Phú Ninh cho biết, địa phương đang xem xét, tạo điều kiện cho gia đình bà Thể nguồn vốn vay ưu đãi, để bà có nguồn đầu tư chăn nuôi. Bởi theo quan điểm của ông Tú, với những hộ đã thoát nghèo, cũng thường tới lui xem họ cần gì để trợ giúp, có như vậy mới mong sự thoát nghèo thật sự bền vững.
VÕ TRƯỜNG