Hạnh và khát vọng vườn sinh thái

THÂN VĨNH LỘC 21/10/2015 10:15

Tuổi chưa đến 30, Vũ Mỹ Hạnh (SN 1987) cùng Green Youth Collective (tạm dịch Nhóm thanh niên làm vườn sinh thái) từ bỏ cuộc sống thị thành tìm về làng Triêm Tây (Điện Phương, Điện Bàn) chỉ để thỏa đam mê làm vườn theo mô hình nông nghiệp sinh thái bền vững.

Cách thức mới lạ

Được triển khai chính thức tại làng Triêm Tây từ tháng 5.2015, dự án khu vườn cộng đồng của Vũ Mỹ Hạnh cô gái đến từ Hà Nội (tốt nghiệp Đại học Ngoại thương Hà Nội) và các cộng sự của cô đã gây ấn tượng mạnh mẽ với người dân và du khách. Việc lựa chọn Triêm Tây làm nơi trình diễn mô hình làm vườn sinh thái đã thực sự mang đến những cảm xúc mới lạ để gắn cuộc sống và công việc của cô với ngôi làng này. Vũ Mỹ Hạnh chia sẻ, cô từng có 5 năm làm việc và tư vấn cho các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, tập trung vào lĩnh vực biến đổi khí hậu ở các cộng đồng dễ bị tổn thương tại Việt Nam.

Với mục đích hướng đến xây dựng những khu vườn cộng đồng, tăng cường năng lực sống bền vững của cư dân đô thị, năm 2012 Vũ Mỹ Hạnh vào TP.Hồ Chí Minh cùng những người bạn thành lập Green Youth Collective, chủ yếu cung cấp dịch vụ, giải pháp làm vườn cho cư dân đô thị về các kỹ thuật trồng rau trên mái nhà, khuyến khích người dân tự sản xuất thực phẩm ngay trong không gian sống của mình… Đặc biệt, dự án cũng tập trung vào chương trình hướng  nghiệp cho thanh niên nghèo chưa có việc làm ổn định; kết nối với doanh nghiệp kinh doanh các mảng liên quan tới vườn đô thị để họ thực tập và tiến tới định hình công ăn việc làm ổn định, góp phần hình thành nhóm lĩnh vực nghề nghiệp mới là những công việc hướng đến môi trường xanh và bền vững.

Du khách thưởng thức các sản phẩm rau sạch tại khu vườn cộng đồng Triêm Tây. Ảnh: V.LỘC
Du khách thưởng thức các sản phẩm rau sạch tại khu vườn cộng đồng Triêm Tây. Ảnh: V.LỘC

Cuối năm 2012 khi biết tin UNESCO và ILO đang triển khai dự án du lịch cộng đồng tại làng Trà Nhiêu, Vũ Mỹ Hạnh đã đến thăm tìm hiểu và cảm thấy rất yêu mến mảnh đấy này. “Đó là tình yêu của một người mà đã lâu lắm rồi mới gặp được một làng quê vẫn còn những cảnh quan tự nhiên đẹp như vậy” - Vũ Mỹ Hạnh tâm sự. Tháng 12.2014 sau khi rà soát lại đường hướng hoạt động tại TP.Hồ Chí Minh toàn bộ thành viên của nhóm Mỹ Hạnh cùng chung ý tưởng tìm một cuộc sống gần gũi với thiên nhiên và gắn với cộng đồng cũng như dễ dàng có thể thực hiện được những công việc mong muốn là làm vườn bền vững. Đầu năm 2015, cả nhóm quyết định chọn Triêm Tây thực hiện dự án. Một yếu tố cũng rất quan trọng khiến nhóm rời bỏ Sài Gòn chính là điều kiện hoạt động tại thành phố quá khắc nghiệt và áp lực. “Những tổ chức mới và trẻ như chúng tôi không có nguồn lực tài chính ổn định nên phải thuê đất nhưng cũng không dám đầu tư nhiều vì đến một lúc nào đó nó cũng không phải của mình. Do vậy, chúng tôi đã quyết định chuyển về hoạt động tại làng, thiết lập một cuộc sống chung, ở đó mọi người cùng làm việc và sinh hoạt với nhau để thực hành một lối sống bền vững, trong đó có những khu vườn sinh thái” - Vũ Mỹ Hạnh chia sẻ.

Vũ Mỹ Hạnh (ngoài cùng bên trái) thuyết minh cho khách về khu vườn sinh thái ở  làng Triêm Tây.
Vũ Mỹ Hạnh (ngoài cùng bên trái) thuyết minh cho khách về khu vườn sinh thái ở làng Triêm Tây.

Mô phỏng tự nhiên

Trên diện tích khoảng 1.000m2 ở bìa làng Triêm Tây, nhóm Vũ Mỹ Hạnh tổ chức trồng nhiều loại cây khác nhau với nguyên tắc đa dạng sinh thái và bền vững. Trong đó, mỗi loại cây đều có chức năng khác nhau nhằm bổ trợ vào quy trình hệ thống sinh thái của khu vườn. Điển hình như việc đào hố trồng chuối trong vườn nhằm làm nơi bỏ rác và các loại sinh khối nông nghiệp giúp hoai mục tạo phân hữu cơ để đất trở nên màu mỡ hơn mà không phải sử dụng phân hóa học, hình thức này rất tiện ích vì tất cả đều có sẵn tại chỗ. Hiệu quả của cách làm trên đã được chứng minh. Từ bãi đất cát bị bỏ hoang nghèo dinh dưỡng, sau thời gian thiết lập hệ thống, các loại cây đã bắt đầu tươi tốt. Bên cạnh đó, nhằm tối đa hóa không gian và tạo cảnh quan, nhóm đã triển khai các mô hình nhỏ với cách trồng cây theo nhiều tầng lớp khác nhau, như trồng cỏ lạc để hạn chế cỏ dại, vừa làm sạch đất, tạo mùn; tầng thấp là những cây rau ngắn ngày, tầng cao hơn một chút là hoa, cây ăn quả và tầng trên cùng là các cây lâu năm. Ngoài ra, nhóm cũng trồng các loài hoa dại để thu hút côn trùng, hạn chế sâu bọ cho các cây khác. “Phương pháp này mình gọi là làm vườn theo hệ thống nông nghiệp bền vững. Với mô hình vườn này tất cả thành phần từ cây cỏ cho đến các yếu tố tự nhiên như đất nước không khí, ánh sáng, thậm chí là những con vật ở trong vườn đều có mục đích. Cách làm đơn giản và tuân theo nguyên tắc đem dinh dưỡng lại cho đất, bảo tồn được hệ sinh thái tự nhiên, bao gồm các yếu tố căn bản là đất, nước và hệ thống ánh sáng, không khí. Kể cả con người cũng là một thành phần trong hệ thống đó” - Vũ Mỹ Hạnh phân tích.

Theo Vũ Mỹ Hạnh, khu vườn như vậy gọi là vườn mô phỏng tự nhiên, trong đó người làm vườn phải quan sát sự vận hành của tự nhiên để con người và thiên nhiên cùng có lợi. Đây là nguyên tắc rất quan trọng nhằm trả lại dinh dưỡng và phúc lợi cho thiên nhiên. Ngoài ra, việc thiết kế cảnh quan từng khoảnh vườn theo kiểu vòng xoáy trôn ốc cũng mang lại lợi ích cụ thể, nhất là tiết kiệm diện tích khi cùng trong một diện tích có thể trồng nhiều loại cây khác nhau. Tùy theo ánh mặt trời ở hướng nào để lựa trồng các loại cây thích hợp, cây ưa sáng và chịu nắng thì ở hướng mặt trời để che mát cho những loại cây khác, hay những cây cần nhiều nước phải ở trên những cây ít chịu nước, khi đó chỉ cần tưới nước từ trên một lần nước sẽ theo hệ thống riêng đi xuống các cây bên dưới. Mô hình này nếu đặt trong một khu vườn rộng sẽ giúp tiết kiệm rất nhiều nguồn lực, đặc biệt trong môi trường đô thị khi mà diện tích không gian, ánh sáng rất hạn chế.

Hoạt động trọng tâm của Green Youth Collective là hướng đến xây dựng những khu vườn cộng đồng, tăng cường năng lực sống bền vững, đó cũng là không gian giao tiếp, học tập của trẻ em, thanh thiếu niên và mọi người trong cộng đồng. Đó có thể là những người sinh sống trong cùng một khu dân cư, nhóm bạn chung sở thích, hoặc một trường học. Tất cả được mời tham gia vào quá trình lập kế hoạch, thiết kế, thi công và duy trì khu vườn. Định hướng trong tương lai, Green Youth Collective sẽ tổ chức chuỗi sự kiện giáo dục nhằm nâng cao nhận thức và gợi ý giải pháp cho một hệ sinh thái bền vững, với thông điệp nổi bật là mối quan hệ gắn bó, phụ thuộc lẫn nhau giữa con người và tự nhiên.

Hiện tại, ngoài làm vườn nhóm còn triển khai chương trình đào tạo nghề cho thanh niên, trong đó tập trung vào thanh niên thất nghiệp, gặp khó khăn trong cuộc sống để có cơ hội kiếm thêm thu nhập thông qua việc làm vườn đô thị. “Sản phẩm của chúng tôi không phải là rau mà là những khu vườn đẹp và bền vững mang tính hệ thống. Tất nhiên nó hoàn toàn trở thành một sản phẩm nếu ở một quy mô nhất định. Sau giai đoạn triển khai ở vườn cộng đồng chúng tôi sẽ mời gọi thành viên các hợp tác xã tại Triêm Tây cùng thử nghiệm những khu vườn với phương pháp bền vững này, tức là không sử dụng hóa chất để mình hoàn toàn có thể tiêu thụ sản phẩm cho làng du lịch cộng đồng cũng như tiếp cận với những cơ sở dịch vụ, nhà hàng chào bán để họ tiêu thụ” - Vũ Mỹ Hạnh nói.

Với dự án trên, hiện Nhóm thanh niên làm vườn sinh thái thu hút rất nhiều tình nguyện viên từ nhiều nơi trên thế giới đến tham gia trải nghiệm. Đặc biệt, mỗi tình nguyện viên khi đến với nhóm cũng sẽ được yêu cầu mang theo 3 thứ là sách, giống cây địa phương tại nước đó và cuối cùng là một tinh thần đam mê sẵn sàng làm việc, không ngại khó khăn. “Mình kết nối với người dân địa phương bằng cách làm việc chăm chỉ, không ngại gì cả và người dân họ quan sát từ chính cái đấy. Dù mới chỉ là bước đầu và vẫn còn nhiều khó khăn khi phải tự lo nguồn kinh phí nhưng tôi cho rằng cái được nhất ở đây là chúng tôi đã có cuộc sống như mong muốn, được gần gũi với thiên nhiên, gần gũi với con người. Quan trọng nhất là những gì chúng tôi muốn làm sẽ đem lại lợi ích cho cả bản thân, cho những người sống xung quanh và cho cả thiên nhiên” - Vũ Mỹ Hạnh chia sẻ.

THÂN VĨNH LỘC

THÂN VĨNH LỘC