Ước mơ của Diệu
Từ sự nghèo khó của gia đình, Trương Ánh Diệu (SN 1993, sinh viên trường Đại học Y dược Huế) vẫn cố gắng vươn lên trong học tập và gặt hái nhiều thành quả.
Đến thôn Nhị Dinh 3, xã Điện Phước, thị xã Điện Bàn hỏi về Trương Ánh Diệu hầu như ai cũng biết là “con gái ông Một chất độc da cam”. Vừa bước vào căn nhà nhỏ ọp ẹp, chúng tôi tận mắt chứng kiến ba của Diệu, ông Trương Phú Một (SN 1962) và mẹ là bà Trần Thị Lệ Hương (SN 1965) cùng thay áo cho con trai là Trương Phước Thiện (SN 1996) bị nhiễm chất độc da cam. Mỗi người một tay vừa bế vừa kéo tay mặc áo, lại vừa dỗ dành cho em bớt ú ớ, trườn mình khắp nhà. Rồi nhìn sang góc học tập vỏn vẹn có chiếc bàn cũ với mấy hàng giấy khen treo sát vách tường, chúng tôi bắt gặp hình ảnh Diệu đang giảng bài cho người anh Trương Hùng Anh (SN 1990) cũng bị nhiễm chất độc da cam. Thấy chúng tôi, Diệu đá mắt vào anh trai tay chân xiêu vẹo, cười nói: “Coi vậy chứ ảnh cũng ham học lắm!”. Bao giờ cũng thế, mỗi lần được nghỉ học về thăm nhà Diệu lại tạm gác bài vở sang một bên để giúp đỡ ba mẹ, anh trai và em trai của mình. Dù rằng công việc không mấy dễ dàng nhưng với Diệu đó là cách thể hiện tình thương yêu, xoa dịu phần nào nỗi đau mà anh trai và em trai phải gánh chịu.
Trương Ánh Diệu chăm sóc em trai Trương Phước Thiện bị nhiễm chất độc da cam. Ảnh: V.T.N.T |
Ba của Diệu, ông Trương Phú Một kể lại, hồi đi bộ đội ở rừng, muốn có nguồn nước uống phải tự khoét đất tìm. Tuy nhiên, nguồn nước ấy không may bị nhiễm độc, trở về sau đó ông Một bị chất độc ngấm mà không hề biết nên ông vẫn lấy vợ và sinh con. Kể đến đây, ông Một nhìn Diệu và hai người con trai ngờ nghệch rồi ngậm ngùi: “Chuyện đã lỡ rồi, vợ chồng tui chỉ thương cho chúng nó!”. Ông Một sức khỏe yếu, thêm nữa căn bệnh viêm gan khiến ông thường xuyên lên cơn đau, bà Hương thì bị viêm giác mạc và gai cột sống, thế nhưng hai vợ chồng vẫn phải gắng sức làm để có tiền ăn cho cả nhà, thêm nữa là lo việc học cho Diệu. Sớm ý thức được sự khổ cực của ba mẹ, Diệu nỗ lực học tập không ngừng nghỉ. Nhìn lại chặng đường học tập với bảng thành tích “khủng” của em, chúng tôi lấy làm khâm phục. Mười hai năm liền Diệu đi học là mười hai năm em đạt thành tích học sinh giỏi và luôn xếp vị thứ nhất, nhì trường. Năm 2011, trong kỳ thi tuyển sinh đại học Diệu đỗ đầu cả 2 trường Đại học Kinh tế TP.Đà Nẵng và Đại học Y dược Huế. Riêng trường Đại học Kinh tế TP.Đà Nẵng, Diệu đạt danh hiệu thủ khoa nhưng từ bỏ, bởi ước mơ trở thành bác sĩ chữa bệnh cho ba mẹ, cho anh trai và em trai vẫn không bao giờ ngưng nghỉ trong em. Theo học ngành bác sĩ đa khoa, trường Đại học Y dược Huế đã 4 năm, Diệu quyết tâm không để mất danh hiệu sinh viên giỏi trong bất cứ học kỳ nào. Điểm học tập của em luôn đứng trong top 3 sinh viên dẫn đầu lớp và các chương trình học bổng cũng luôn thênh thang mở lối cho em có cơ hội, điển hình nhất là học bổng Nguyễn Trường Tộ em nhận hàng năm, gần đây là Quỹ ươm mầm tài năng Đất Quảng báo Quảng Nam tổ chức trao thưởng. Diệu chia sẻ: “Tiền học phí của em mỗi năm gần 8 triệu đồng, ngoài việc học giỏi em còn muốn lấy thành tích đạt được để săn các chương trình học bổng trong và ngoài nhà trường. Bên cạnh đó em xin đi dạy kèm kiếm thêm tiền trang trải cuộc sống. Gia đình em khổ nhiều rồi, em không muốn tạo thêm sức nặng trên đôi vai ba mẹ!”.
Hiểu được gia cảnh khó khăn của Diệu, ông Võ Nga (Chủ tịch Hội khuyến học xã Điện Phước) luôn tìm các chương trình học bổng và giới thiệu, định hướng cho Diệu tham gia. Ngoài ra, ông Nga vẫn thường xuyên hỏi thăm, động viên Diệu vượt qua giai đoạn đầy khó khăn này để cố gắng theo đuổi ngành y. Nhận xét về Trương Ánh Diệu, ông Võ Nga nói: “Trên địa bàn xã có rất nhiều con em thuộc gia đình nghèo khó hiếu học. Tuy nhiên, Diệu là trường hợp đặc biệt khó khăn nhất, những người làm công tác khuyến học như chúng tôi sẽ luôn đồng hành tìm cách giúp em trong suốt quá trình học tập!”.
VÕ THỊ NHƯ TRANG