Dấu ấn phát triển

12/10/2015 08:39

Phát huy truyền thống cách mạng, bản sắc văn hóa và tinh thần đoàn kết, tự chủ, năng động, sáng tạo, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Nam đã vượt qua nhiều khó khăn thách thức, nỗ lực phấn đấu đạt được nhiều thành quả quan trọng trên hành trình phát triển. Báo Quảng Nam điểm lại những thành tựu kinh tế - xã hội nổi bật của tỉnh trong 5 năm (2010-2015).

Cầu Cửa Đại - công trình chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI. Ảnh: TRỊNH DŨNG
Cầu Cửa Đại - công trình chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI. Ảnh: TRỊNH DŨNG

1. Bám sát thực tế, duy trì tốc độ tăng trưởng

Vượt qua khó khăn thách thức, Quảng Nam đã có những bước đi với nhiều giải pháp đồng bộ, sát tình hình thực tế. Nhờ đó, trong 5 năm qua, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng bình quân gần 11,5%/năm. GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 41,4 triệu đồng, vượt 6,4 triệu đồng so với chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội XX đề ra (theo phương pháp tính mới và công bố của Tổng cục Thống kê thì GRDP của Quảng Nam tăng bình quân 9,92%/năm; GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 36,2 triệu đồng).

Một số sản phẩm thuộc các ngành công nghiệp có thương hiệu trên thị trường như ô tô, giày da, may mặc, điện sản xuất... đóng góp tích cực vào phát triển chung của tỉnh.  TRONG ẢNH: Dây chuyền lắp ráp tại Khu liên hợp cơ khí ô tô Chu Lai - Trường Hải. Ảnh: ANH TUẤN
Một số sản phẩm thuộc các ngành công nghiệp có thương hiệu trên thị trường như ô tô, giày da, may mặc, điện sản xuất... đóng góp tích cực vào phát triển chung của tỉnh. TRONG ẢNH: Dây chuyền lắp ráp tại Khu liên hợp cơ khí ô tô Chu Lai - Trường Hải. Ảnh: ANH TUẤN

Thu nhập bình quân đầu người tăng từ 11,2 triệu đồng năm 2010 lên khoảng 24,8 triệu đồng năm 2015. Thu ngân sách trên địa bàn tăng bình quân khoảng 15,2%/năm (năm 2015, ước đạt hơn 12 nghìn tỷ đồng); trong đó, thu nội địa tăng bình quân 22%/năm, thu xuất nhập khẩu tăng bình quân 6,1%/năm.

2. Thực hiện 3 nhiệm vụ đột phá

Dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 1 đoạn qua địa bàn Quảng Nam đã hoàn thành và đưa vào sử dụng tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 1 đoạn qua địa bàn Quảng Nam đã hoàn thành và đưa vào sử dụng tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Ba nhiệm vụ đột phá về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, phát triển nguồn nhân lực, tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư đạt nhiều kết quả quan trọng, nhất là mũi đột phá về xây dựng kết cấu hạ tầng. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội giai đoạn 2011 - 2015 hơn 76.700 tỷ đồng, gấp gần 2 lần so với giai đoạn 2006 - 2010, tăng bình quân 10,2%/năm; trong đó các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đầu tư hơn 5.100 tỷ đồng. Về nguồn nhân lực, với việc tập trung thực hiện Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2011 - 2020 và nhiều đề án, chính sách đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, Quảng Nam đã thu hút được gần 100 bác sĩ bổ sung vào hệ thống chăm sóc sức khỏe nhân dân, cử đi đào tạo sau đại học trên 240 cán bộ, công chức, viên chức… Đề án tuyển chọn 500 sinh viên để tạo nguồn cán bộ chủ chốt xã, phường, thị trấn đã tuyển chọn, đào tạo và bố trí việc làm 418 trường hợp, đang mở lớp thứ tư với 108 học viên.
Công tác quy hoạch được tập trung rà soát, điều chỉnh và bổ sung kịp thời. Chương trình cải cách hành chính giai đoạn 2 (2011 - 2015) đạt được kết quả đáng kể. Chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Quảng Nam các năm gần đây được duy trì ở nhóm khá và tốt trên bình diện chung cả nước (năm 2014 được xếp hạng thứ 14/63 tỉnh, thành phố).

3. Khai thác hiệu quả lợi thế vùng

Vùng đồng bằng ven biển, hải đảo được tỉnh quan tâm đầu tư phát triển nhằm khai thác có hiệu quả các lợi thế so sánh về tự nhiên, nhất là kinh tế biển.  Ảnh: A.B
Vùng đồng bằng ven biển, hải đảo được tỉnh quan tâm đầu tư phát triển nhằm khai thác có hiệu quả các lợi thế so sánh về tự nhiên, nhất là kinh tế biển. Ảnh: A.B

Tiềm năng và lợi thế của mỗi vùng được chú trọng phát huy; diện mạo thành thị, nông thôn có bước phát triển mới. Trong đó, vùng đồng bằng ven biển, hải đảo được xác định là vùng động lực của tỉnh, được quan tâm đầu tư phát triển nhằm khai thác có hiệu quả các lợi thế so sánh về tự nhiên, nhất là kinh tế biển, công nghiệp, dịch vụ, du lịch... Các thành phần kinh tế hoạt động trong vùng đã đóng góp hơn 90% tổng thu ngân sách trên địa bàn, đây là nguồn lực quan trọng để bố trí các khoản chi đầu tư phát triển trên toàn tỉnh, đồng thời tạo ra hàng trăm nghìn việc làm mới, góp phần tích cực giảm tỷ lệ thất nghiệp, chuyển dịch cơ cấu lao động và nâng cao thu nhập cho người dân.

4. Phát huy các giá trị văn hóa

Giá trị văn hóa được phát huy góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của tỉnh. Trong ảnh: Đêm rằm trong không gian văn hóa Hội An. Ảnh: LÊ TRỌNG KHANG
Giá trị văn hóa được phát huy góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của tỉnh. Trong ảnh: Đêm rằm trong không gian văn hóa Hội An. Ảnh: LÊ TRỌNG KHANG

Cùng với các lĩnh vực chính trị, kinh tế - xã hội, văn hóa - nội lực cho sự phát triển được xem trọng. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được các cấp tập trung chỉ đạo triển khai tích cực, có chất lượng, trọng tâm là xây dựng gia đình, tộc họ, thôn bản, cơ quan văn hóa đã tác động tích cực đến việc xây dựng đời sống văn hóa cơ sở. Công tác trùng tu, tôn tạo, bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể các dân tộc trên địa bàn tỉnh luôn được chú trọng và đạt được kết quả. Việc kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể và lập hồ sơ khoa học để đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đã được các cấp, các ngành, địa phương triển khai thực hiện tốt. Toàn tỉnh hiện có 300 di tích cấp tỉnh, 60 di tích quốc gia, 2 di sản văn hóa thế giới. Bộ VH-TT&DL cũng đã trao bằng công nhận cho 6 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia tại Quảng Nam, gồm: nghệ thuật bài chòi, múa tâng tung da dá, dệt thổ cẩm Cơ Tu, lễ rước cộ Bà Chợ Được, nghệ thuật hát bả trạo, cây nêu và bộ gu trong nghi lễ truyền thống của người Co; đồng thời công nhận Bảo vật quốc gia đối với hiện vật độc bản Mukhalinga, Mỹ Sơn E7.

5. Chăm lo giáo dục, y tế

Giáo dục được quan tâm chăm lo với sự chung sức của toàn xã hội. Ảnh: A.B
Giáo dục được quan tâm chăm lo với sự chung sức của toàn xã hội. Ảnh: A.B

Đi đôi với phát triển kinh tế, lĩnh vực giáo dục và y tế được tỉnh quan tâm đầu tư. Đến nay đã hoàn thành đầu tư trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm (Tam Kỳ) và THPT chuyên Lê Thánh Tông (Hội An). Đến cuối năm học 2014 - 2015 toàn tỉnh có 411/780 trường học các cấp đạt chuẩn quốc gia, tỷ lệ 52,5%, tăng hơn 130 trường so với năm 2010. Công tác bảo hiểm y tế, khám chữa bệnh cho người nghèo và trẻ em dưới 6 tuổi đã được triển khai thực hiện đầy đủ; tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế hiện nay đạt hơn 78%. Hệ thống trạm y tế xã từng bước được củng cố, đến nay có 241/244 xã có trạm y tế; trong đó có 106 xã đạt chuẩn mới quốc gia về y tế (44%).

6. Chung tay đền ơn, đáp nghĩa

Phong trào đền ơn đáp nghĩa được thực hiện rộng khắp trong toàn tỉnh.  Ảnh: VINH ANH
Phong trào đền ơn đáp nghĩa được thực hiện rộng khắp trong toàn tỉnh. Ảnh: VINH ANH

Cùng với Nhà nước, những năm qua, toàn xã hội chung tay góp sức chăm lo cho người có công. Đến nay đã hoàn thành giai đoạn 1 về hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở đối với người có công (9.500 nhà); thực hiện tốt công tác lập hồ sơ, thủ tục đề nghị Trung ương phong tặng, truy tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng. Việc chăm sóc Mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh, bệnh binh, người có công cách mạng và giải quyết các hồ sơ đối tượng hưởng chính sách còn tồn đọng được duy trì thường xuyên. Đời sống đại bộ phận gia đình chính sách đã được cải thiện đáng kể. Công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, xây dựng, chỉnh trang nghĩa trang và nhà bia ghi tên liệt sĩ tiếp tục được đầu tư. Trên địa bản tỉnh có khoảng 55 nghìn đối tượng chính sách người có công đang hưởng trợ cấp hằng tháng, mỗi năm thực hiện chế độ hơn 1.200 tỷ đồng. Từ đầu năm 2015 đến nay, toàn tỉnh đã xác nhận, thực hiện chế độ cho 17.500 trường hợp.

7. Quyết liệt giảm nghèo

Ngoài nỗ lực tự thân, người nghèo nhận được sự hỗ trợ tích cực từ cộng đồng để vươn lên thoát nghèo. Ảnh: PHẠM LỘC.
Ngoài nỗ lực tự thân, người nghèo nhận được sự hỗ trợ tích cực từ cộng đồng để vươn lên thoát nghèo. Ảnh: PHẠM LỘC.

Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo được triển khai quyết liệt, đồng bộ. Các chương trình, chính sách giảm nghèo của Chính phủ được vận dụng và chỉ đạo quyết liệt, nhất là đối với các huyện 30a (Phước Sơn, Nam Trà My và Tây Giang). Ngoài ra, tỉnh đã ban hành chính sách khuyến khích thoát nghèo bền vững và được triển khai thực hiện có hiệu quả. Người nghèo có nhiều cơ hội tiếp cận các dịch vụ xã hội, phát triển sản xuất, tăng thu nhập. Ngoài cơ chế, chính sách của các cấp, người nghèo đã từng bước nâng cao nhận thức, không trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, thay vào đó tự vươn lên thoát nghèo. Theo thống kê, nguồn lực huy động cho công tác giảm nghèo 5 năm qua hơn 7.000 tỷ đồng. Tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể, từ 24,2% năm 2010 còn 8,9% năm 2015, bình quân giảm hơn 3%/năm, đạt chỉ tiêu đề ra.

8. Nông thôn mới vượt chỉ tiêu

Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới được nhân dân đồng tình hưởng ứng, nhất là hoàn thiện mạng lưới giao thông nông thôn. TRONG ẢNH: Tuyến ĐT611 Quế Sơn - Nông Sơn được đầu tư, nâng cấp tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội địa phương.  Ảnh: VINH ANH
Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới được nhân dân đồng tình hưởng ứng, nhất là hoàn thiện mạng lưới giao thông nông thôn. TRONG ẢNH: Tuyến ĐT611 Quế Sơn - Nông Sơn được đầu tư, nâng cấp tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Ảnh: VINH ANH

Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới được tập trung chỉ đạo, vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội XX đề ra. Cùng với các cấp ủy đảng, chính quyền và cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, nhân dân toàn tỉnh đã tích cực hưởng ứng, tham gia xây dựng nông thôn mới. Đã xuất hiện hàng trăm mô hình phát triển sản xuất hàng hóa, xây dựng đời sống mới ở nông thôn có hiệu quả. Đến nay, bình quân tiêu chí đạt chuẩn của 204 xã là 9,6 tiêu chí/xã, tăng 4,78 tiêu chí/xã so với năm 2010 và dự kiến đến cuối năm 2015 có 56 xã (chiếm hơn 27% số xã) đạt chuẩn nông thôn mới, huyện Phú Ninh đạt chuẩn nông thôn mới và thị xã Điện Bàn hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, vượt chỉ tiêu nghị quyết đề ra.

9. Chú trọng đào tạo nghề, giải quyết việc làm

Năm năm qua, toàn tỉnh chú trọng thực hiện chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với thu hút đầu tư, giúp doanh nghiệp mở rộng sản xuất để tạo nhiều việc làm mới. Ảnh: A.B
Năm năm qua, toàn tỉnh chú trọng thực hiện chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với thu hút đầu tư, giúp doanh nghiệp mở rộng sản xuất để tạo nhiều việc làm mới. Ảnh: A.B

Cùng với công tác giảm nghèo, 5 năm qua, toàn tỉnh chú trọng thực hiện chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với thu hút đầu tư, giúp doanh nghiệp mở rộng sản xuất để tạo nhiều việc làm mới. Theo đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề của tỉnh hiện nay đạt khoảng 45%. Tỷ lệ lao động phi nông nghiệp từ 40,7% năm 2010 tăng lên 49,9% năm 2015. Trong 5 năm qua, đã giải quyết việc làm mới cho hơn 200.000 lượt lao động, đạt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội XX.