Thủy điện ứng phó mưa bão

TRẦN HỮU 09/10/2015 08:53

Tại cuộc họp về quản lý an toàn đập thủy điện trên địa bàn tỉnh diễn ra chiều 7.10, chủ các dự án thủy điện, ngành chức năng, chính quyền địa phương các cấp và người dân đã tìm được “tiếng nói chung” trong phối hợp, phòng chống thiên tai.

Các phương án ứng phó với mưa bão đã được các nhà máy thủy điện thực hiện nghiêm ngặt. Ảnh: T.H
Các phương án ứng phó với mưa bão đã được các nhà máy thủy điện thực hiện nghiêm ngặt. Ảnh: T.H

Cảnh báo sớm

Từ ngày có mặt các dự án thủy điện trên hệ thống lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn, nỗi lo của người dân vùng hạ du là hệ lụy xả lũ đột ngột, không đảm bảo quy trình, quy định gây thiệt hại nặng nề cho sản xuất, sinh hoạt. Năm 2014, trên địa bàn tỉnh không xảy ra cơn lũ lớn, các nhà máy thủy điện không gặp khó khăn trong ứng phó. Năm nay, các hồ chứa thủy điện bậc thang bắt buộc thực hiện theo quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn được Chính phủ phê duyệt. Theo quy định, hàng năm các nhà máy thủy điện phải lập phương án phòng chống lũ lụt cho vùng hạ du đập. Hiện có 7 nhà máy trên lưu vực sông này đang phát điện gồm A Vương, Đắc Mi 4, Sông Bung 4, Sông Bung 5, Sông Bung 6, Sông Côn 2 và An Điềm 2 có cùng chung vùng hạ du thuộc các huyện Nam Giang, Đại Lộc và TP.Đà Nẵng. Ông Võ Văn Điềm - Phó Trưởng ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh nhìn nhận: “Việc quy định mỗi thủy điện độc lập xây dựng phương án phòng chống lũ lụt cho vùng hạ du là chưa phù hợp với thực tế, không phản ánh được tình hình ngập lụt ở vùng hạ du khi các hồ thủy điện cùng tham gia điều tiết lũ”. Cũng theo ông Điềm, hệ thống quan trắc, khí tượng thủy văn trong lưu vực các hồ chứa thủy điện còn thưa nên việc dự báo lũ về hồ sẽ không kịp thời và ảnh hưởng đến công tác điều tiết lũ của các hồ thủy điện. Nhiều nhà máy chưa diễn tập phòng chống lụt bão, chưa ký kết quy chế phối hợp với địa phương…

Đến nay có 5 nhà máy thủy điện bậc thang đã có phương án phòng chống lũ lụt cho vùng hạ du đập (A Vương, Sông Tranh 2, Sông Tranh 4, Sông Bung 5, Sông Côn 2). Tuy nhiên, trong số 9 thủy điện vừa và nhỏ đã phát điện, thời điểm này chỉ có 2 nhà máy thủy điện là Khe Diên và Sông Bung 4A có phương án ứng phó.

Băn khoăn của chính quyền là làm sao để người dân có thông tin, chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại tài sản, tính mạng. Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Giang - bà Phạm Thị Như cho rằng, ở miền núi lũ xuất hiện rất nhanh, cô lập các vùng khiến người dân trở tay không kịp. Trong điều kiện này, hệ thống thông tin qua sóng truyền hình, điện thoại bị tê liệt hoàn toàn. “Vì vậy, nhà máy thủy điện cần đầu tư thêm thiết bị loa báo tin, giúp dân nắm sớm mức độ lũ lụt để phòng chống, tránh thiệt hại về gia súc, nông sản như cơn lũ xảy ra hồi năm 2013” - bà Như nói.

Chính quyền các huyện Duy Xuyên, Điện Bàn, Hội An tỏ ra không mấy yên tâm khi lọt trong vùng “rốn lũ”. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, các chủ đập không thể có phương án chung chung được mà phải đúc kết cụ thể qua thực tiễn. Năm nay, nhiều địa phương có công trình đường cao tốc đi qua, chia cắt địa hình nên các phương án, kịch bản phải tính toán đến yếu tố này. Nhà máy ký hợp đồng với các đài khí tượng thủy văn phải dài hạn, chứ một năm là quá ngắn.

Đưa dân vào nhà máy giám sát

Ông Vũ Đức Toàn - Giám đốc Công ty CP Thủy điện Sông Tranh cho hay,  đơn vị luôn xây dựng, củng cố hệ thống cảnh báo lũ từ xa. Đến nay, đã lắp đặt 4 trạm cảnh báo lũ từ xa và đang lắp đặt 2 trạm tại xã Quế Lâm, Quế Ninh (Nông Sơn). Trong nhà máy, có còi thông báo xả tràn tại đập tràn và phía hạ du. Đơn vị cũng lập chương trình tính toán số liệu thủy văn trong mùa lũ hằng năm phù hợp với mực nước được tích. Còn ông Lê Đình Bản - Phó Giám đốc Công ty CP Thủy điện A Vương khẳng định, xác định huyện Đại Lộc là hạ du đầu tiên chịu tác động từ xả nước của nhà máy nên công ty chủ động đưa dân vào giám sát quy trình xả lũ. “Suốt thời gian mưa bão, nhà máy mở cửa đón người dân vào tận mắt thấy hoạt động vận hành hồ, đập tràn để giám sát. Nhờ đó mà cán bộ kỹ thuật ít vất vả hơn khi phải giải thích thắc mắc cho bà con” - ông Bản nói.

Tại huyện Đại Lộc, ở các điểm xung yếu, nhà máy thủy điện A Vương xây dựng loa cảnh báo từ xa, mua sắm cho các trưởng thôn 212 radio và hàng trăm loa để họ cập nhật, truyền tải thông tin cho cộng đồng. Trước mùa mưa bão năm nay, công ty hoàn thành đánh giá tình trạng an toàn hồ đập. Việc bảo dưỡng, sửa chữa toàn bộ thiết bị công trình liên quan đến vận hành chống lũ, nguồn điện, hệ thống chống sét, đường giao thông, phương tiện thông tin liên lạc của nhà máy đến nay đã hoàn tất. Cạnh đó, phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra thực địa hiện trạng dòng chảy thoát lũ phía hạ du đập, ban hành quy chế phối hợp với địa phương trong công tác vận hành hồ chứa theo quy trình được duyệt, đảm bảo an toàn công trình, góp phần cắt giảm lũ vùng hạ du. Trong khi đó, tại nhà máy thủy điện sông Bung 4, chủ đầu tư đã phối hợp với các chủ đập A Vương, Sông Bung 4A, Sông Bung 5, Sông Bung 6, Đắc Mi 4, Sông Côn cùng các ban phòng chống lụt bão địa phương triển khai truyền thông, cảnh báo lũ tại 6 điểm cho 18 xã thuộc huyện Đại Lộc; thiết lập các biển báo nguy hiểm khu vực hạ lưu nhà máy. Ông Nguyễn Minh Chiến - Phó Giám đốc Công ty Thủy điện Sông Bung khẳng định: “Đến nay các tổ máy vận hành ổn định, đạt công suất theo thiết kế, đảm bảo các thông số về độ rung, độ đảo, nhiệt độ trong giới hạn cho phép. Qua 12 tháng vận hành, không có biểu hiện bất thường, đảm bảo dòng chảy tối thiểu trên sông, góp phần giảm lũ cho hạ du trong mùa lũ”.

Để quản lý đảm bảo an toàn đập thủy điện, nhiều ý kiến đề xuất nâng cấp hạ tầng dự báo, ký kết quan hệ phối hợp giữa tỉnh với TP.Đà Nẵng, giữa tỉnh với các chủ đập về xả lũ cả trong mùa mưa lẫn mùa khô; sớm xây dựng bản đồ ngập lụt; xây dựng phương án di dời dân theo từng cụm dân cư. Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu cũng yêu cầu các chủ dự án thủy điện đúc kết thực tiễn để chủ động phòng chống thiên tai, lũ lụt hiệu quả; cần phải quan trắc thường xuyên để đảm bảo tuyệt đối an toàn đập…

TRẦN HỮU

TRẦN HỮU