Lúng túng quản trị sông
Không phải vô cớ tổ chức Mạng lưới sông ngòi Việt Nam cảnh báo, thủ phạm “giết” các con sông chính là từ thay đổi nguyên trạng, ngăn dòng chảy tự nhiên của nó. Cuộc hội thảo khoa học quốc tế ở Hội An về tìm giải pháp bảo vệ cửa sông, bờ biển Cửa Đại vào đầu tháng 9, một lần nữa cho thấy vai trò tối quan trọng của sông mẹ Vu Gia - Thu Bồn trong điều tiết lũ, quyết định hiện tượng lở - bồi hạ du cửa biển.
Dòng chảy của thượng nguồn sông Vu Gia bị thu hẹp đe dọa an ninh nguồn nước. Ảnh: T.N |
Quy luật của tự nhiên là sông chảy hết về biển. Trên con đường đô thị hóa, công nghiệp hóa, lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn phải chấp nhận oằn lưng, đánh mất vẻ tự nhiên. Các nhà máy thủy điện với một bên là đối tượng hưởng lợi, phía bên kia là cộng đồng dân cư sống phụ thuộc vào các lưu vực sông luôn gánh chịu thiệt thòi do tác động không mong đợi của phát triển. Chia sẻ quyền lợi về nguồn nước sông đã từng đem ra mổ xẻ giữa hai tỉnh Quảng Nam và TP.Đà Nẵng; sau đó chính quyền TP.Đà Nẵng đòi kiện Bộ Tài nguyên – môi trường (đơn vị chủ quản tài nguyên nước) đã cho thấy có sự lúng túng nhất định trong công tác quản trị tài nguyên nước. Gần đây hơn, trường hợp UBND tỉnh Đồng Nai cho phép lấn sông Đồng Nai để xây dựng khu thương mại ven sông gặp phải sự phản ứng gay gắt từ dư luận, đặc biệt 2 tỉnh Bình Dương và TP.Hồ Chí Minh. Vùng hạ du của hai địa phương này lên tiếng là lẽ đương nhiên, bởi chắc chắn họ sẽ là đối tượng trực tiếp chịu hậu quả nếu như dự án triển khai. Đó là tình trạng xói lở bờ sông, lượng và chất nguồn nước sẽ suy giảm, các trạm bơm thủy lợi hoạt động chật vật… Ở Quảng Nam, xung đột lợi ích lớn nhất ở chủ đầu tư các nhà máy thủy điện, hoạt động khai thác khoáng sản với các địa phương. Mặc dù, Trung ương đã thành lập Ủy ban Lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn nhằm quản lý thống nhất, liên vùng nguồn tài nguyên nước, song thực tế giữa các địa phương vẫn còn thói quen khai thác, sử dụng tùy tiện nguồn nước.
Nhân tai phá hoại dòng sông, rồi đến thiên tai. Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, trong đó 2 tỉnh Quảng Nam và Bến Tre được Trung ương chọn đầu tư thí điểm các dự án phòng chống thiên tai do Chính phủ Đan Mạch tài trợ. Thực tế, thời tiết cực đoan đã khiến nguồn nước mặt giảm sút, thiếu ổn định, đi ngược với nhu cầu sử dụng của con người, đe dọa an ninh nguồn nước. Mùa người dân cần nước nhất thì hạn hán cục bộ, trong khi lại quá dư thừa trong mùa mưa, rồi gây lũ lụt. Để cứu sông, các nhà khoa học đề xuất nhiều biện pháp cấp thiết như đảm bảo dòng chảy tối thiểu, bảo vệ nghiêm ngặt rừng đầu nguồn, tuân thủ nguyên tắc xả thải ra nguồn, chống các hoạt động khai thác tài nguyên trên sông có thể gây sạt lở bờ. Quy hoạch sử dụng tài nguyên nước, phải giữ nguyên trạng của dòng chảy; sớm đưa vào hoạt động có hiệu quả các ủy ban quản lý tổng hợp lưu vực sông, hoặc các tổ chức bảo vệ sông ngòi. Và điều không thể chậm trễ hơn là nhanh chóng thực thi các hành lang khung pháp lý bảo vệ tài nguyên nước, khai thác và sử dụng nguồn nước hiệu quả, tiết kiệm.
TRẦN NGUYỄN