Hệ lụy từ công nghiệp thuốc lá

QUỐC HƯNG 22/09/2015 10:27

Ngày Thế giới không thuốc lá (31.5) tập trung vào câu chuyện ngành công nghiệp thuốc lá, nhằm hạn chế sản phẩm này trên toàn cầu.

Đến nay, hầu hết chính phủ các nước trên thế giới đều có các biện pháp hạn chế thấp nhất việc người dân hút thuốc lá nhưng kết quả không mấy khả quan. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) gọi “đại dịch thuốc lá” là một trong những mối đe dọa nghiêm trọng nhất đến sức khỏe và sinh mạng con người. Vào thế kỷ 20, đã có 100 triệu người chết vì các căn bệnh liên quan đến thuốc lá và sẽ là một tỷ người trong thế kỷ 21 này. Cụ thể, mỗi năm thế giới có 6 triệu người chết vì thuốc lá, nếu không được ngăn chặn hiệu quả thì con số trên sẽ tăng lên 8 triệu người vào năm 2030 và hơn thế.  Mỗi năm, có khoảng 200 tỷ USD “bay” theo làn khói thuốc.

Hình ảnh khuyến cáo về tác hại thuốc lá được in trên bao thuốc ở Brunei.(Ảnh: tobaccolabels)
Hình ảnh khuyến cáo về tác hại thuốc lá được in trên bao thuốc ở Brunei.(Ảnh: tobaccolabels)

Nhiều biện pháp, nhiều chiến dịch truyền thông được tuyên truyền, khuyến cáo đến mọi người, gia tăng thuế và giá thuốc lá… Thế nhưng, việc buôn bán thuốc lá lậu hay thuốc lá giả hiện gia tăng phức tạp là cản trở lớn đối với nỗ lực của các tổ chức, chính phủ, cộng đồng trong cuộc chiến tiêu thụ thuốc lá. Thống kê của WHO, cứ 10 gói thuốc lá đang được lưu hành trên toàn cầu hiện nay lại có 1 gói thuốc giả, với giá cả rẻ hơn và tiếp cận người tiêu dùng nhanh hơn, nhất là người nghèo và trẻ em. Thuốc lá lậu không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, không được kiểm định chất lượng, ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng. Hiện gần 80% trong tổng số hơn 1,3 tỷ người hút thuốc sinh sống tại các nước có thu nhập thấp hay trung bình.

Mặc dù các công ty sản xuất thuốc lá chấp thuận việc đánh thuế cao nhưng trên thực tế, số tiền này vẫn thấp hơn nhiều so với chi phí chăm sóc y tế cũng như hệ lụy cho gia đình và xã hội từ người hút thuốc lá. Đặc biệt, chi phí cho thuốc lá từ người thu nhập thấp dẫn đến vòng luẩn quẩn của đói nghèo. Bởi họ có thể đói ăn những không thể “đói” thuốc.

Hiện nay, chính phủ nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á mạnh tay với việc quảng cáo thuốc lá nhưng khó có thể ngăn chặn rốt ráo. Riêng Việt Nam đã hoàn toàn cấm các hoạt động quảng cáo, khuyến mại thuốc lá công khai trên báo đài, truyền hình, pano, áp phích quảng cáo. Tuy nhiên, hình ảnh các loại thuốc lá vẫn đến được với người tiêu dùng bởi các “chiêu” lách luật quảng cáo rất tinh vi. Điển hình nhất là hình thức trưng bày bắt mắt tại các điểm bán thuốc lá. Các điểm bán này đã “lách luật” quy định “tại mỗi điểm bán không được phép trưng bày quá một bao/gói hoặc trưng bày quá một tút/hộp của một nhãn hiệu thuốc lá” theo Thông tư số 78/2008/TT-BVHTTDL.

Nhằm hỗ trợ hoạt động ngăn chặn việc hút thuốc lá, tại Hội nghị thuốc lá và sức khỏe năm 2015 vừa diễn ra tại Abu Dhubi, tỷ phú Michael Bloomberg và Bill Gates chính thức ra mắt quỹ Anti-Tobacco Trade Litigation trị giá 4 triệu USD. Qua đó, giúp các chính phủ cứng rắn hơn trong việc thông qua các quy định cấm hút thuốc lá, đồng thời nâng cao nhận thức của cộng đồng với những mối nguy hại pháp lý của các công ty sản xuất thuốc lá.

QUỐC HƯNG

QUỐC HƯNG