Gian nan chiếu bóng vùng cao
Hàng năm, đội chiếu bóng huyện Nam Trà My, thuộc Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng Quảng Nam vẫn vượt núi, băng rừng để “gùi món ăn tinh thần” lên phục vụ đồng bào vùng cao.
Một buổi chiếu bóng tại vùng cao huyện Nam Trà My. Ảnh: T.L |
Tôi cùng anh em Đội chiếu bóng huyện Nam Trà My ra quân phục vụ chiến dịch chiếu phim cho đồng bào vùng cao, biên giới, hải đảo. Vì chiến dịch dài ngày nên chúng tôi chuẩn bị khá chu đáo, từ các vật dụng như quần áo, chăn màn, thuốc chống vắt, muỗi rừng; đến thực phẩm, mỳ ăn liền, cá khô... Và thế là, mỗi người một xe máy chia nhau chở máy nổ, máy chiếu, tăng âm, loa, xăng dầu… cùng với trái tim nhiệt thành hướng về 10 xã vùng cao của huyện Nam Trà My.
Để đến được với đồng bào, từ trung tâm của huyện chúng tôi chỉ đi được xe máy đến điểm xã, còn hầu hết phục vụ các điểm thôn phải đi bộ, chia nhau mang vác máy móc băng rừng, vượt suối để đến các điểm chiếu. Điểm chiếu phim nào gần thì mất 4 tiếng đi bộ băng rừng, còn những điểm chiếu nằm sâu trong các bản làng xa xôi thì đi bộ mất cả buổi, thậm chí đi từ sáng sớm đến tối mịt. Có những điểm chiếu phải nhờ sự giúp sức của trai tráng trong bản mới có thể vận chuyển máy móc đến nơi an toàn, nhất là các thôn của xã Trà Linh, Trà Cang, Trà Nam... Những điểm chiếu này thường có địa hình cực kỳ hiểm trở, đường sá độc đạo, lại phải vượt thác băng ghềnh... Nên chỉ cần một sơ sẩy nhỏ là hỏng máy, hư phim, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng của anh em trong đội. Anh Lê Văn Thu, Đội trưởng Đội chiếu bóng huyện Nam Trà My chia sẻ: “Đời sống của đồng bào còn quá khó khăn, nhất là còn thiếu thốn đời sống tinh thần nên anh em trong đội không ngại khó, ngại khổ, hàng năm chỉ đến được có một lần, nên phải chiếu 5 - 7 đêm, khi nào đồng bào ưng cái bụng mới thôi...”.
Biết được mỗi lần đi là một lần khó nên trước khi vào chiến dịch, đội đã chọn phim chiếu phục vụ đồng bào rất đa dạng và phong phú, đồng bào ưa thích phim có đề tài đấu tranh cách mạng, như phim Cánh đồng hoang, Mùi cỏ cháy, Biệt động Sài Gòn…; các phim tài liệu có nội dung về lịch sử cách mạng trong sự nghiệp đấu tranh, giải phóng dân tộc; các phim ca ngợi Đảng, ca ngợi Bác Hồ; các phim tài liệu khoa học kỹ thuật, khuyến nông, khuyến lâm, chăn nuôi, bảo vệ rừng... được bà con say sưa đón nhận.
Anh Hồ Văn Cang - Thôn trưởng thôn 4 xã Trà Linh nói: “Khó khăn như thế, nhưng Đội chiếu bóng cố gắng về phục vụ đồng bào là chúng tôi mừng lắm, chiếu nhiều phim hay về Bác Hồ, phim về đấu tranh cách mạng, phim phổ biến kiến thức khoa học, học tập theo phim để biết cách trồng cây công nghiệp, không đốt rừng làm rẫy mà chuyển sang trồng cây lúa nước... góp phần thoát cái đói, giảm cái nghèo”. Ông Hồ Văn Chiến - Thôn trưởng thôn 1 xã Trà Linh tâm sự: “Xã chúng tôi là xã miền núi đặc biệt khó khăn... Rất may có đội chiếu bóng lưu động miền núi đến chiếu phim phục vụ hàng năm nên đồng bào dân bản chúng tôi mừng lắm. Các anh đã tạo cho đồng bào dân bản chúng tôi niềm vui và sự hiểu biết về thế giới bên ngoài. Cảm ơn các anh chiếu phim nhiều lắm...”.
Gian nan trong công cuộc đưa chiếu bóng về vùng cao, là khi anh em tại các đội chiếu bóng phải vượt qua bao gian khó, đối diện với núi rừng hiểm nguy, những cơn mưa rừng, giông lốc, có lúc đang chiếu bỗng trời đổ mưa to, chỉ kịp che máy, che phim, chẳng nghĩ đến chuyện che mình; rồi chuyện muỗi đốt, vắt cắn, đến chuyện sốt rét rừng hành hạ... Khắc phục khó khăn đem phim về phục vụ đồng bào dân bản đã là sự cố gắng lớn, nhưng phía sau mỗi anh em trong đội chiếu bóng lưu động miền núi đều có những hoàn cảnh khác nhau. Phần lớn các thành viên đều đã gắn bó với ngành, với nghề khá nhiều năm. Có anh công tác tại các đội chiếu bóng miền núi đến 30, 40 năm, sức khỏe giảm sút, xa gia đình thường xuyên, không có điều kiện chăm lo con cái, đời sống gặp rất nhiều khó khăn. Ông Nguyễn Tấn Sinh, Giám đốc Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng Quảng Nam trăn trở: “Biết đời sống anh em còn khó khăn, lương, phụ cấp trong các chuyến đi phục vụ đồng bào miền núi còn thấp, công việc nặng nhọc, trèo đèo, lội suối, lại phải xa gia đình thường xuyên... Sắp tới một số cán bộ, viên chức lớn tuổi sẽ nghỉ chế độ theo Nghị định 108 của Chính phủ, Trung tâm sẽ tuyển dụng lần lượt đội ngũ trẻ thay thế, ưu tiên số một là lựa chọn người dân tộc thiểu số tại các huyện miền núi, đây là giải pháp mang tính lâu dài, bền vững của công tác chiếu bóng phục vụ đồng bào miền núi thời gian tới”.
TRẦN LỰ