Ký ức dân lòng hồ
Nói một cách đầy đủ là dân lòng hồ Phú Ninh di cư lập nghiệp ở thôn Eo Gió, xã Tam Lộc (trước đây là Tam Phước), huyện Phú Ninh - nơi hun hút gió ngàn. Ngày ấy, 38 năm về trước, 90 hộ dân thôn Long Sơn, Tam Thái (Tam Đại ngày nay) sốt sắng rời làng, nhường chỗ cho lòng hồ Phú Ninh dâng nước.
Hồ Phú Ninh. Ảnh: PHƯƠNG THẢO |
Làm nhiệm vụ trưởng đoàn di dân, Trưởng thôn Lê Thái Siêu (nay đã 73 tuổi) cùng một số người đi tiền trạm. Khảo sát nhiều nơi, cuối cùng đến Eo Gió. Được các anh bộ đội làm kinh tế tại đây cho biết vùng này ở được, ông Siêu quyết định cắm dùi. Sau đó đoàn cán bộ UBND xã Tam Thái đặt vấn đề với UBND xã Tam Phước. Hưởng ứng chủ trương di dân lòng hồ, UBND xã Tam Phước đồng ý ngay và tạo điều kiện để bà con định cư lâu dài. Công việc “khai thiên lập địa” được bắt đầu với tay rìu, tay cuốc hừng hực khí thế. Sau khi phát rẫy, cắm mốc phân lô, đại diện các gia đình bốc số thứ tự. Thế rồi 90 cái nóc nhà tranh tre tạm bợ được lập lên. Người dân lòng hồ được cấp 6 tháng ăn với cái chăn đắp, bồng bế nhau đến lập nghiệp, lập nên thôn Eo Gió với số dân vỏn vẹn khoảng ba trăm người. Ông Siêu làm luôn nhiệm vụ trưởng thôn từ ngày ấy.
Qua thời gian khó
Tỉnh lộ 615 chạy về vùng Sơn - Cẩm - Hà (huyện Tiên Phước) chẻ đôi số hộ trên mỗi bên một nửa. Tiếng là con đường nhưng ngày ấy chỉ là cái truông rừng, xe đạp phải dắt bộ. Khó khăn nơi gió ngàn hun hút, sốt rét rừng hành hạ triền miên, nhưng lòng dân vẫn kiên gan bền chí, quyết bám trụ nơi này - ông Siêu tự hào về người dân lòng hồ của mình. Ngày xưa đánh Mỹ khó khăn gian khổ biết bao, nhưng người dân vẫn không ngán, giải phóng rồi, vì Đảng, vì dòng nước Phú Ninh, ngán chi ba cái khó nơi này - vợ ông tiếp lời. Nói thiệt là không biết vì đâu mà sức dân mạnh đến thế. Anh tính, đất trồng lúa thì chua phèn, đất rừng thì sỏi đá, quả đúng là “có sức người sỏi đá cũng thành cơm”, đất không phụ lòng người nên cuộc sống ngày một tốt dần lên. Thời bao cấp, thiếu ăn thiếu mặc là chuyện thường ngày. Mỗi năm thiếu ăn ba bốn tháng. Nhà nào có con học cấp 3 là khá lắm rồi. Bây giờ cả thôn có trên 30 em vào đại học, cao đẳng, thế cũng mừng.
Nói thế chứ dân lòng hồ giờ còn khó lắm. Vì ở lưng chừng núi, quanh năm ruộng bậc thang đã chua phèn lại bị ông trời mưa chẳng thuận, gió chẳng hòa nên lúa một vụ nhiều năm bị thất bát chỉ cắt rơm cho bò. Nước sinh hoạt thì năm bảy hộ một giếng. Mùa khô hạn chỉ đủ dùng cho nấu nướng, cho trâu bò uống, tắm giặt phải hạn chế tối đa. Năm 2010, trên cho 10 cái giếng khoan nói là để phục vụ nước tưới và sinh hoạt nhưng miệng giếng như cái khoen rựa nên việc tưới bất thành, chỉ dùng cho sinh hoạt, lúa, tiêu và các cây trồng khác đành ngậm đất chờ mưa dông.
Để giải quyết nước tưới, năm nào cũng phải đắp đập bổi chặn dòng các con suối nhỏ. Nhưng đến mùa mưa thì bao công sức bà con trôi theo cùng bổi. Thế là đến mùa nắng, lúa, bắp, khoai, sắn cứ chết khát. Nay đập Eo Gió bằng bê tông kiên cố từ kinh phí Nhà nước khoảng 30 triệu đồng vừa được khởi công vào đầu tháng 9.2015, bà con phấn khởi lắm. Theo tính toán, nước tưới khoảng 10ha. Lúa, bắp, khoai, sắn chắc cũng đủ nước dùng - Chủ tịch UBND xã Lê Văn Tình hồ hởi. Còn giếng khoan thì đã có dự án cho Eo Gió 4 cái, mỗi cái cho 40 hộ sử dụng, trước mắt khoan 2 cái, sâu chừng sáu bảy chục mét, mỗi cái khoảng 70 triệu đồng từ kinh phí nhà nước. Nói gì thì nói nhưng thực tế đời sống người dân đã thay đổi nhiều - anh Tình quả quyết. Bằng chứng là năm 2014, theo dự án của huyện, xã hỗ trợ giống (đậu phụng), phân bón, bà con chăm sóc tốt nên năng suất khá cao, nhân dân phấn khởi lắm. Dự án này khoảng 20 triệu đồng, xã đầu tư hết cho dân Eo Gió. Dẫu chưa thấm tháp vào đâu, nhưng xã nghèo chỉ biết xoay xở đến vậy. Dù khó khăn gian khổ thế nào ý Đảng lòng dân vẫn gặp nhau ở điểm chung là sự nhất quán trong mọi chủ trương, nhất là chủ trương xây dựng nông thôn mới. Nhà nhà làm kinh tế, người người vượt khó vươn lên. Ai cũng muốn nở mày nở mặt với những thành quả kinh tế, con cái học hành thành đạt. Nhiều hộ được giao đất trồng rừng những năm trước hiệu quả kinh tế rất khá. Nhiều hộ trúng môn, gừng, keo lá tràm cộng với những dành dụm khác đã xây được nhà kiên cố, khang trang, trị giá hàng trăm triệu đồng, sắm sửa tiện nghi sinh hoạt tương đối đầy đủ.
Giúp dân thoát nghèo
Chị Lê Thị Hồng, 49 tuổi, quê Tam Vinh, làm dâu về Eo Gió lúc 21 tuổi, nay có bốn mặt con. Nhớ lại một thời khốn khó, chị bảo: “Ngày ấy cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, cơm chỉ để cho ông già bà cả, con cái chỉ được một bữa mỗi ngày. Hai bữa còn lại nuốt sắn, khoai trầy cổ. Hồi ra riêng, cha mẹ chồng cho một ang gạo, một chục chén, mấy cái dĩa, vợ chồng làm cái chòi nhỏ ở gần đường. Cố sức cuốc cày trên ruộng phèn chua, trên đất rừng sỏi đá mong kiếm cái ăn. Sau này may có dự án giao đất trồng rừng, trồng keo bốn năm năm mới thu hoạch, tính chi li cũng được mấy chục triệu đồng mỗi năm, cộng với tiền dành dụm từ ngày làm công của chồng ở lò bánh mì, chăn nuôi bò, heo, gà, vịt, mỗi thứ ít gom góp lại, nhất là nhờ trúng môn, gừng, giá cả lại được nên mới có nhà cửa khang trang như bây giờ”.
Ông Nguyễn Lý cùng chiếc xe máy mỗi lần đi chơi Quảng Ngãi. Ảnh: T. Nghị |
Ông Nguyễn Lý tuổi đã 84, ngồi đan rổ thêm vào: “Ngày xưa hy sinh vì dòng nước Phú Ninh mà lên đây. Nơi chôn nhau cắt rốn là núi thấp, bây giờ ở tận sơn lâm, khốn khó trăm bề. Nhưng lòng người luôn thủy chung với đất nên đất nặng nghĩa cưu mang. Ngày xưa đói cơm lạt muối, còn bây giờ muốn ăn cái gì cũng có. Ngày xưa xe đạp không có mà đi, ngày nay xe máy nhiều nhà sắm. Già như tôi còn chạy xe máy vô tới Quảng Ngãi chơi. Cuộc sống như thế là quý lắm rồi…”.
Chụp cho ông một pô ảnh kỷ niệm, tôi sang nhà trưởng thôn Nguyễn Thành. Chị Hạnh gọi điện cho chồng đang ở trên rừng keo bảo về nhà có khách. Trong lúc chờ chồng về, chị Hạnh trò chuyện cùng tôi. Nựng đứa cháu ngoại chưa tròn một tuổi, chị nói như phiền trách: “Nói về nỗi khổ của người dân Eo Gió này thì biết bao giờ mới kể hết. Như tôi, ruộng đất vài sào, lúa nước trời, mưa thuận gió hòa còn kiếm đôi hạt, ngược lại thì chỉ cắt rơm cho trâu bò. May sao năm nay trời thương nhưng hai sào ruộng vừa gặt giỏi lắm cũng chỉ vài chục ang. Tôi tranh thủ đi làm công nhân lò gạch mỗi tháng kiếm thêm vài triệu đồng nhưng cũng bấp bênh…”. Chị bỏ lửng câu nói khi anh Thành về. Anh bảo, ở cái xứ đã Eo mà còn Gió nữa thì làm sao mà khá nổi - anh cười. Nói vậy chứ người dân nơi đây chịu thương chịu khó lắm. Cần cù, nhẫn nại đổi thất bại lấy thành công. Toàn thôn có 200 hộ, 700 nhân khẩu. Nhờ chịu khó vươn lên đã có 20 hộ kinh tế khá, còn lại tạm ổn, không còn thiếu đói như ngày trước. Những hộ đăng ký thoát nghèo được hỗ trợ 5 triệu đồng, vay không lãi 20 triệu đồng, con đi học được miễn tiền trường. Nhờ chính sách này mà nhiều hộ đã vượt khó thoát nghèo. Bằng chứng này là năm 2010 có 36 hộ nghèo, nay chỉ còn 6 hộ… Cả thôn có 30 hộ chính sách, người già neo đơn, khó khăn, mỗi lần thu quỹ gì thì số hộ còn lại gồng gánh, nhưng bà con vẫn vui vẻ…
Chuyện khó khổ ngày xưa giờ đã qua rồi - Bí thư chi bộ Nguyễn Văn Quận trải lòng. Giờ cuộc sống bà con đã khá lên nhiều. Con cái học thành tấn tới, trưởng thành. Chuyện bà con thôn xóm, ông bảo: “Chuyện gì cũng vậy, mình làm tốt công tác vận động thì bà con sẽ theo. Biện pháp tốt nhất là đảng viên gương mẫu đầu tàu, cứ làm cho tốt thì mọi người sẽ đồng tâm hợp lực. Việc gì cũng công khai minh bạch, dân bàn, dân quyết là xong”. Chiều quá rồi, ông xin lỗi tôi rồi xách máy đi cắt lúa hóp lấy rơm cho trâu.
Rời Eo Gió trong gió chiều hùn hụt, tôi nghĩ mãi lời của nguyên trưởng thôn Lê Thái Siêu: “Ngày ấy dân lòng hồ vì nước ra đi; vì dòng nước Phú Ninh tưới mát ruộng đồng nửa phần xứ Quảng. Sự hy sinh lặng thầm chẳng ai mong được đền bù. Bây giờ, Đảng và Nhà nước hãy quan tâm thỏa đáng, khích lệ tinh thần bà con qua những dự án khả thi nhằm nâng cao đời sống cũng là cách ghi nhận sự hy sinh của người dân lòng hồ thuở nào”.
Ghi chép của THANH NGHỊ