Chương trình chấm dứt mua bán người tại Quảng Nam: Tín hiệu tích cực
Chương trình chấm dứt mua bán người (Chương trình ETIP) tại Quảng Nam trong những năm qua đã phát huy hiệu quả tích cực, từng bước phát hiện, ngăn chặn, phòng chống tình trạng mua bán người, kịp thời hỗ trợ các nạn nhân bị mua bán người hòa nhập với xã hội.
Những điểm sáng
Qua hơn 3 năm triển khai Chương trình ETIP, Sở LĐ-TB&XH đã tiếp nhận và hỗ trợ 9 nạn nhân bị mua bán, trong đó có 4 nạn nhân được hỗ trợ sinh kế tái hòa nhập cộng đồng tại địa phương, giải cứu 4 nạn nhân ở tỉnh An Giang, phối hợp chuyển tuyến 1 nạn nhân huyện Nam Giang đến tổ chức Hagar tại Hà Nội để tiếp nhận kế hoạch hỗ trợ học nghề. Theo đánh giá từ tổ chức Tầm nhìn thế giới - đơn vị tài trợ cho dự án - các nạn nhân được hỗ trợ sinh kế đã không còn mặc cảm, hòa nhập với cộng đồng và bước đầu có cuộc sống ổn định. Bên cạnh đó, các hoạt động lồng ghép nội dung công tác phòng chống mua bán người với chương trình phòng chống tệ nạn xã hội, phòng chống tội phạm và bảo vệ an ninh Tổ quốc phát huy được vai trò tích cực; công tác phối hợp của chính quyền địa phương và các phòng, ban liên quan được đánh giá cao. Bà Vũ Thị Đủ, Quản lý Chương trình ETIP tại Việt Nam chia sẻ: “Bằng nhiều hoạt động được triển khai đồng bộ như nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, tăng cường cơ chế phối hợp nhằm phát hiện, ngăn chặn mua bán người, cung cấp dịch vụ hỗ trợ nạn nhân, bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân, các địa phương đã bước đầu nâng cao được hiệu quả trong công tác phòng chống mua bán người. Đặc biệt, ở các địa bàn trọng điểm phát hiện mua bán người, nhận thức của nhân dân và chính quyền các cấp được tăng cường, là tiền đề tiến tới hạn chế và chấm dứt nạn mua bán người theo mục tiêu đề ra của dự án”.
Chị H. T. H. (xã Phước Mỹ, huyện Phước Sơn), một nạn nhân bị bán sang Trung Quốc may mắn được trở về nhà vào năm 2014. Ảnh: T.T |
Theo ông Nguyễn Thùy, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, việc triển khai các nội dung nằm trong chương trình đã có vai trò tích cực cho việc phòng chống nạn mua bán người, nhất là ở các địa bàn miền núi. “Từ khi triển khai chương trình, nhận thức về nạn mua bán người cũng dần được thay đổi, từ đó kịp thời phát hiện nhiều trường hợp mua bán người, xử lý các đối tượng mua bán người và giải cứu, hỗ trợ cho các nạn nhân bị mua bán. Điều đó cho thấy sự chuyển biến không chỉ trong đội ngũ cán bộ, mà còn tăng cường nhận thức cho người dân” - ông Thùy nhấn mạnh. Đại diện Sở LĐ-TB&XH cũng cung cấp thêm, qua các đợt rà soát tại 6 huyện, thị xã là Nam Giang, Phước Sơn, Tây Giang, Thăng Bình, Điện Bàn và Nam Trà My, vẫn còn 28 người đi khỏi địa phương chưa rõ tung tích. Năm 2015, toàn tỉnh chưa phát hiện thêm trường hợp nạn nhân bị mua bán người, tuy nhiên công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức và nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ cần tiếp tục được duy trì, mở rộng để đạt hiệu quả cao hơn theo mục tiêu của chương trình đề ra.
Hiệu quả
Năm 2016, tổ chức Tầm nhìn thế giới tiếp tục tài trợ cho dự án Bảo vệ nạn nhân, duy trì Chương trình ETIP với tổng tài trợ hơn 11.000USD. Đây là một trong những nỗ lực nhằm phối hợp với chính quyền, các ban ngành địa phương phòng chống nạn mua bán người trên địa bàn tỉnh. Sở LĐ-TB&XH cũng đã tổ chức nhiều buổi tập huấn kỹ năng, tăng cường nhận thức cho nhiều đối tượng là cán bộ chuyên trách của chương trình, từng bước chuyển giao Chương trình ETIP trên địa bàn tỉnh sau khi kết thúc chương trình vào năm tới. Gần đây nhất, một dự thảo về quy chế phối hợp trong việc tiếp nhận, xác minh, xác định, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trên địa bàn tỉnh đã được Sở LĐ-TB&XH xây dựng, tổng hợp những ý kiến đóng góp của các ban ngành làm cơ sở tham mưu cho UBND tỉnh ban hành. Đây là động thái rõ ràng nhất nhằm duy trì hiệu quả của hoạt động phòng chống mua bán người, nhất là ở những địa bàn trọng điểm từng xảy ra tình trạng mua bán người trong thời gian qua. Ông Huỳnh Thanh, Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Sở LĐ-TB&XH) chia sẻ: “Quảng Nam có địa bàn khá rộng, có đường biên giáp nước bạn Lào thông qua hai cửa khẩu chính là Nam Giang - Đắc Tà Oọc và Tây Giang - Kà Lừm, dễ xảy ra tình trạng mua bán người. Trong những năm gần đây, các vụ mua bán người và số nạn nhân bị mua bán người ngày càng tăng đang là thách thức cho các cấp, các ngành. Những hoạt động thiết thực nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng, từng bước xây dựng cơ chế phối hợp hành động khởi nguồn từ Chương trình ETIP là tiền đề để tăng cường hiệu quả hoạt động này”.
Theo kế hoạch, Chương trình ETIP sẽ tập trung vào các hoạt động: tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ công tác tại các cơ quan tham gia quá trình xác minh, xác định, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân; thiết lập và duy trì cơ chế hợp tác, phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, tổ chức liên quan trong công tác bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân; tăng cường hỗ trợ đối với các nạn nhân bị mua bán để tái hòa nhập xã hội; triển khai kế hoạch, giám sát và hỗ trợ cho các nạn nhân đã được xác định. “Thông qua những hoạt động này, chúng tôi mong muốn hiệu quả của chương trình sẽ được duy trì và nhân rộng sau khi dự án kết thúc vào năm tới. Công tác chuyển giao, tài liệu hóa các hoạt động đã triển khai và đẩy mạnh thực hiện, vừa hỗ trợ cho các nạn nhân tái hòa nhập xã hội, vừa ngăn ngừa, phòng chống nạn mua bán người từ cơ sở, nhất là ở các địa bàn trọng điểm” - bà Vũ Thị Đủ, Quản lý Chương trình ETIP tại Việt Nam chia sẻ.
THÀNH CÔNG