Nét đẹp chợ quê

VIỆT QUANG 08/09/2015 09:35

Đi qua nhiều vùng quê của huyện Thăng Bình, đôi khi đường xa, mệt nhọc, tôi dừng lại bên một góc chợ quê, uống ly nước, lặng lẽ nhìn ngắm xung quanh rồi lại lên đường. Bất chợt vậy thôi nhưng những khoảnh khắc ấy lại níu kéo tôi trở về  với cuộc sống nơi miền quê dân dã…

Có thể đó là góc chợ ở thôn Đồng Trì, xã Bình Hải. Một góc chợ nhỏ nhắn, lọt thỏm giữa lũy tre làng mông mênh, nép mình bên nhánh nhỏ của dòng Trường Giang. Trong khung cảnh trữ tình, dung dị, yên lành như vậy, chợ toát lên vẻ đẹp mềm mại mà rộn rã. Đó là đủ thứ thanh âm, từ tiếng cặp cặp của vịt đến tiếng eng éc của heo con, tiếng hỏi han ân cần của người làng bất ngờ gặp gỡ, cả tiếng thỏ thẻ hỏi mua hàng hóa. Nét đẹp của chợ đầy sắc màu sống động, từ màu xanh biêng biếc non tơ của lá cải, rau húng, rau dền, đến màu vàng rượm của bí, của bắp, màu trắng tinh tươm của gạo, muối, màu vàng óng ánh của vải vóc, lụa là… Đa âm, đa sắc của chợ quê được bao bọc bởi sự tảo tần, một nắng hai sương của người dân quê lam lũ. Như một nhà thơ đã viết: “Chợ quê con tép cũng gầy/ Con cua, con cá dính đầy bùn tươi/ Mớ rau muống, mớ mùng tơi/ Quả cà, quả bí nói lời gió sương”.

Chợ quê trên địa bàn huyện Thăng Bình là nơi tập hợp, bày bán đủ loại hàng hóa. Tuy vậy, tựu trung chủng loại hàng hóa nông nghiệp là phổ biến nhất. Ở đó có lương thực, thực phẩm, công cụ lao động như cái liềm, cái búa, đục, lưỡi dao, cái kéo, đồ dùng trong gia đình, những mặt hàng thiết yếu phục vụ cho cuộc sống hàng ngày. Đó còn là những sản phẩm tiểu thủ công nghiệp từ những làng nghề nổi tiếng do chính người dân thôn dã đã trực tiếp làm ra và đem ra chợ trao đổi như mắm Cửa Khe (Bình Dương), hương (Quán Hương, thị trấn Hà Lam), giỏ xách mây đan (Bình An), bàn ghế làm bằng tre, trúc (Bình Quế)... Những hình ảnh mộc mạc, giản dị của góc chợ nơi làng quê Thăng Bình hiện nay là sự tiếp nối các giá trị kinh tế, văn hóa mà người dân Thăng Bình xưa đã dày công dựng nên. Chợ quê không chỉ riêng có người dân bản địa mà còn thu hút nhiều người bán dạo tập trung. Từ giao lưu, trao đổi văn hóa các vùng miền đã tạo nên sự dày dặn của văn hóa bản địa. Sự tiếp biến vì thế mà làm cho vốn văn hóa ngày một đầy đặn hơn.

Huyện Thăng Bình đang tập trung phát triển thương mại thành ngành kinh tế mũi nhọn. Có thể trong nay mai, các siêu thị, trung tâm thương mại lớn sẽ hiện hữu trên địa bàn. Hàng hóa sẽ đa dạng hơn, chủng loại sẽ phong phú đầy ắp hơn. Và cũng có thể, khi đó mọi người chỉ để ý đến hàng hóa, giá cả mà quên đi trò chuyện thân mật. Giá cả đã mặc định rồi vì thế mà sự giao lưu giữa người bán hàng với người mua hàng và những người mua hàng với nhau cũng thành thưa thớt. Chợ quê là nơi sinh hoạt cộng đồng. Đến chợ không chỉ để trao đổi hàng hóa mà còn thăm hỏi, chia sẻ những thông tin cập nhật làng quê. Đến với chợ quê chẳng ai không liên tưởng đến những hình ảnh thân thương của các mẹ, các chị tảo tần sớm khuya, quang gánh thời gian trĩu nặng in hằn. Trên những đôi vai nặng trĩu ấy là ký ức, là vỉa tầng văn hóa sâu lắng...

VIỆT QUANG

VIỆT QUANG