Học ngược
Trong thời buổi hội nhập hiện nay không thể phủ nhận tầm quan trọng của việc học ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh. Chính vì vậy, việc đưa môn Tiếng Anh vào giảng dạy trong trường học từ lâu đã được nhiều nước trên thế giới chú trọng, trong đó có Việt Nam. Tại Quảng Nam, ở nhiều trường, nhiều lớp, phương pháp dạy và học môn này vẫn chưa mang lại hiệu quả. Bạn H.T.N.T. (Trường THPT Thái Phiên, Thăng Bình) chia sẻ phương pháp dạy tiếng Anh của cô giáo mình cũng như nhiều thầy cô giáo khác: “Cô ghi một từ vựng mới lên bảng, đọc mẫu rồi học sinh trong lớp đọc theo. Cũng do đọc theo mà thành mỗi bạn đọc mỗi kiểu”. N.T. còn cho hay, để nhớ được cách đọc, nhiều bạn phiên âm từ vựng vào vở nhưng phiên âm theo tiếng Việt. Chẳng hạn như từ “change” được các bạn phiên âm là “chênh” hay “chên”; “yellow” ghi thành “dé lao” hoặc “gié lâu”… Nếu cô có ghi phiên âm quốc tế thì cũng chỉ vài bạn hiểu vì nó rất phức tạp nhưng lại không có trong chương trình giảng dạy. Vậy nên dần dà, nhiều thầy cô không chú trọng đến việc phiên âm cho mỗi từ mới. Thói quen cô đọc trước, học sinh đọc sau đã trở nên phổ biến.
Cũng bởi dạy - học theo phương pháp trên mà không ít sinh viên, người đi làm muốn sử dụng tiếng Anh trong công việc phải học lại từ đầu. Là sinh viên năm cuối Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng, bạn Nguyễn Ngọc Tường (xã Bình Nam, Thăng Bình) cho biết, một trong những tiêu chí tốt nghiệp của trường là sinh viên phải đạt chuẩn TOEIC (Test of English for International Communication) đầu ra 500 điểm. TOEIC là chuẩn đánh giá khả năng giao tiếp tiếng Anh trong môi trường làm việc quốc tế, được nhiều công ty nước ngoài sử dụng để “đo” trình độ ngoại ngữ của ứng cử viên. Nhiều trường đặt ra tiêu chí này nhằm giúp sinh viên tốt nghiệp có cơ hội tìm được việc làm. Hình thức thi TOEIC là trắc nghiệm 100%, trong đó phần nghe chiếm 50% số điểm. Điều này khiến không ít sinh viên lo lắng bởi kỹ năng nghe gần như bị “lãng quên” khi còn học trên ghế nhà trường. Phần lớn sinh viên, người đi làm phải “lao đầu” vào những trung tâm Anh ngữ để luyện lại từ đầu: luyện phiên âm, phát âm, nhấn trọng âm, đọc âm cuối… Phát âm, phiên âm là hai trong số nhiều kỹ năng cơ bản và quan trọng đối với người học tiếng Anh nhưng lại bị xem nhẹ trong chương trình giảng dạy. “Có những điều cơ bản, cần thiết cho quá trình học nghe, đọc nhưng đến bây giờ mình mới biết dù đã học tiếng Anh 9 năm. Chẳng hạn như cách phát âm gió, âm ngắn, âm dài, âm đôi…. Như trước đây, mỗi khi lên trả bài cũ thì cứ đọc na ná như cô đọc mẫu chứ không ai để ý đến phiên âm quốc tế” - Tường nói thêm.
Khi vào cấp một, học sinh được tập đọc bảng chữ cái môn Tiếng Việt, sau đó ghép từ, ghép chữ, tập đọc từng chữ mới tiến đến đọc từ, cụm từ, câu… Nhưng với môn Tiếng Anh, học sinh được làm quen ngay với những câu giao tiếp mà không chú trọng vào phiên âm, phát âm… Không được dạy những kỹ năng này một cách bài bản ngay từ đầu nên cách học ấy ăn sâu, vô tình trở thành những thói quen khó sửa, để sau này phải quay lại học phát âm, phiên âm… vì không thể nghe và hiểu trong giao tiếp tiếng Anh. Đó chẳng phải là học ngược sao?!
ĐỨC NHI