Nghịch lý giao rừng
Từ nguồn tài chính chi trả của Nhà nước, người dân các địa phương miền núi hăng hái giữ rừng có trách nhiệm hơn. Lực lượng kiểm lâm dù đông đúc, tinh nhuệ cỡ nào, nhưng nếu không có sự hợp tác của người dân, cũng không thể nào kiểm soát nổi rừng. Không thể phủ nhận tác dụng, hiệu ứng của việc giao rừng cho người dân bảo vệ. Đó là chủ trương mang lại nhiều lợi ích, là giữ được rừng bình yên và lớn hơn đảm bảo an sinh, giảm nghèo bền vững cho miền núi - vốn là khu vực đặc biệt khó khăn, đang rất cần những chính sách lớn mang tính đột phá. Nhưng, câu chuyện giao phó tài sản thiên nhiên cho các “ông chủ lớn” (gồm ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng, các nông - lâm trường) đến các “ông chủ nhỏ” (cộng động dân cư, nhóm hộ gia đình, cá nhân) của ngành nông nghiệp gợi nhiều suy ngẫm. Sự thật chứng minh rằng, diện tích rừng giao càng lớn thì mức độ xâm hại tài nguyên theo tỷ lệ thuận. Đơn cử, chủ rừng quản lý hàng chục nghìn héc ta như Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh nhiều năm đã không thể xua đuổi được đối tượng khai thác lâm sản và khoáng sản trái phép. Hàng trăm héc ta rừng bị xâm hại để mở đường, khai thác lâm sản trái phép. Các vụ phá rừng quy mô lớn thời gian qua đều xảy ra ở các ban quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ. Gần đây nhất là “điểm nóng” rừng phòng hộ Phú Ninh. Cả doanh nghiệp và người dân cũng "đua nhau" tàn phá mảnh rừng mà Nhà nước đã giao cho họ trọng trách bảo vệ.
Vì sao các điều khoản ký kết trong hợp đồng giao khoán bị xem nhẹ? Ông Nguyễn Xuân Phước - Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Phú Ninh giải thích, lỗ hổng nằm ở chỗ, hợp đồng giao khoán chỉ ghi diện tích nào bị phá thì Nhà nước không chi trả tiền, vả lại chế tài xử lý cũng chưa rõ ràng nên chưa “trói” trách nhiệm người được giao giữ rừng. Trong 11 nghìn héc ta rừng tại đây, có ít nhất 2.000ha đất rừng bị xâm hại, trồng cây trái phép nhưng nhiều năm chính quyền hai huyện Núi Thành, Phú Ninh và ngành lâm nghiệp vẫn chưa có biện pháp xử lý triệt để. Vị lãnh đạo chủ rừng này cũng thừa nhận nghịch lý, trong diện tích đã giao cho nhóm hộ trước đó đã bị phá để trồng keo và cũng có diện tích rừng tự nhiên bị triệt hạ sau khi giao. Sai sót có phần lỗi do phương pháp… đo đạc. Sâu xa hơn, phá rừng nơi đây dai dẳng, chính quyền lẫn các ngành chức năng không thể ngăn chặn tận gốc, các vụ việc xảy ra vừa qua chỉ là … giọt nước tràn ly.
Việc UBND tỉnh vừa có văn bản chỉ đạo các ngành liên quan, chính quyền địa phương tăng cường các biện pháp kiểm tra, xử lý hành vi phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép trên địa bàn tỉnh được xem như “mệnh lệnh” cứng rắn giải quyết hậu quả lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép để trồng rừng!
HỮU PHÚC