Mở cửa gặp đời
Chủ tịch HĐND TP.Hội An, ông Nguyễn Sự kể : Cách đây 7 năm, chợ Hội An xây dựng lại. Chiều đó, khoảng 6 giờ, ông đi bộ ra chợ cá, ngó vào. Linh tính điều chi đó không ổn, ông đi thẳng vào đường Tiểu La, mà đầu đường là chùa Ông. Không được rồi. Ông điện khẩn các bên liên quan họp ngay hiện trường. Thiết kế chợ đã được Bộ VH-TT duyệt. Móng mới đã làm, trên cơ sở móng cũ của chợ xây sau 1975. Căn cứ vào móng đó, thì công năng của chợ lớn hơn, nhưng lại lấn qua đường Tiểu La hơn, đồng nghĩa là căn trung của chùa Ông bị thu hẹp lại. Lập tức ông yêu cầu anh em xây dựng đào lại móng cũ trước 1975 và xây đúng theo móng này, bỏ móng mới. “Vì sao à? Vì lúc đó tôi giật mình nhận ra, trước chùa Ông là có đường Tiểu La đâm thẳng ra sông. Ngồi soát lại, thì gần như trước cửa tất cả các chùa ở phố cổ đều có ngã ba ra sông, trừ Phúc Kiến là dời về sau từ Cẩm Phô. Nếu làm chợ theo móng sau 1975, là thu hẹp tầm nhìn từ chùa ra sông. Không được!”.
Ông bảo, đây có thể xem là một phát hiện thú vị nữa về Hội An. Sống ở Hội An, ai ngang qua các chùa đều thấy hết, quá quen rồi, nhưng có khi quen quá hóa thường, không để ý. Ông bà xưa làm chùa rõ ràng có chủ ý. Có đường đâm thẳng vào chùa và ra sông. Tất cả điều quay hướng nam ra sông. Ngay cả miếu thờ Trấn Võ Bắc Đế ở Chùa Cầu, sao không quay hướng bắc hoặc đông mà là hướng nam? Tất cả là dụng ý: ra sông, quay hướng nam, mở cửa là gặp bến gặp thuyền, là giao lưu, là sinh hoạt, là xóa nhòa khoảng cách đạo - đời. Chưa hết, tất cả chùa ở phố cổ đều là hội quán, thờ thần chứ không thờ Phật, nhưng dân gian đều nhất thanh gọi là chùa. Chùa mà không thờ Phật, nhưng cứ gọi. Đó, phép đồng hóa đã được dân gian thu liễm ngay trong tâm thức, trong tiếng gọi truyền đời, như thế, mặc nhiên người ta cải biên, thay cách gọi hết. Để làm chi? Thần thì có ông ác ông thiện, có thể ông đứng phe ni phe kia, chứ Phật là chúng sanh vạn pháp đau khổ, không phân biệt ai hết. Cách gọi như vậy, một lần nữa, kéo nơi tưởng như oai nghiêm linh thiêng xuống gần hơn, hòa mình vào với đời, là kéo thần - vốn không là đạo thành đạo và nhập vào dòng đời luôn.
Những điều trên, một lần nữa cho thấy, đời sống văn hóa - tâm linh người Hội An đã được thiết lập trong sự cân bằng đạo - đời, từ những người chuyên bán buôn cho đến những vị áo dài nghiêm trang chốn hương khói thờ phụng, trên cơ sở có một sự hòa đồng lớn trong quan niệm, từ phong thủy đến hành xử, hình thành nên một lối sống gần gũi, tôn kính và giản dị nơi đây. “Nhớ lại lúc xây chợ, tôi giật mình. Ông bà xưa làm chợ đã tính rồi, nơi mình làm ăn sinh sống nương tựa thì không nên lấn lướt che chắn. Đó là không hẳn là mê tín, nhưng là lễ nghĩa ở đời, là sự tôn trọng, là ứng xử văn hóa” - ông Sự nói.
Rảo một vòng đường phố cổ, nghiệm lại, không sai. Ở đó, một bước chân là một nhịp thở đã được người xưa đo đếm để thấy mình không lạc nhịp với mình...
TRUNG VIỆT