Giáo dục đất Quảng: Mở lối đi riêng

XUÂN PHÚ 01/09/2015 10:08

Với nhiệm vụ đổi mới căn bản, toàn diện theo tinh thần Nghị quyết 29 của Trung ương, giáo dục Quảng Nam sẽ chọn cho mình những vấn đề trọng tâm, trọng điểm theo điều kiện, tình hình của tỉnh.

Đột phá

Không phải đợi đến khi Trung ương có Nghị quyết 29, Quảng Nam đã ban hành nhiều chủ trương mang tính đột phá nhằm tạo điều kiện cho sự nghiệp giáo dục phát triển. Hai câu chuyện dưới đây minh chứng cho điều đó.

Cũng giống như đồng bằng sau ngày thống nhất đất nước, giáo dục miền núi Quảng Nam trong thời gian dài chưa chủ động về mặt đội ngũ nên phần lớn thầy cô giáo công tác nơi đây là từ đồng bằng lên chi viện. Dù Trung ương đã có quy định nhưng thực tế có rất ít giáo viên (GV) sau thời gian cống hiến ở miền núi được chuyển công tác về đồng bằng; ngược lại, đã lên miền núi gần như mặc định là gắn bó lâu dài. Thế nên, thời gian dài, tình trạng “đóng băng” đội ngũ GV ở miền núi được xem là một trong những vấn đề là bức bách nhất đối với giáo dục Quảng Nam. Trước thực trạng đó, vào năm 2009 tỉnh đã có chính sách luân chuyển các thầy cô giáo công tác miền núi về đồng bằng qua thực hiện Nghị quyết 146 của HĐND tỉnh. Đến nay, “tảng băng” về đội ngũ GV đã được xóa tan khi hơn 1.000 thầy cô giáo sau 7 - 10 năm, thậm chí không ít người 20 năm cống hiến cho sự nghiệp trồng người miền núi được về dưới xuôi theo nguyện vọng.

Với nhiều chủ trương mang tính đột phá giúp cho giáo dục Quảng Nam có bước phát triển mạnh mẽ trong thời gian qua. Ảnh: X.PHÚ
Với nhiều chủ trương mang tính đột phá giúp cho giáo dục Quảng Nam có bước phát triển mạnh mẽ trong thời gian qua. Ảnh: X.PHÚ

Hồi còn làm Giám đốc Sở GD-ĐT, ông Nguyễn Tấn Thắng cho biết khi hay tin Quảng Nam ban hành chính sách luân chuyển GV miền núi về đồng bằng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đã bày tỏ sự ngạc nhiên và đồng tình với chủ trương nhân văn của tỉnh. Có thể nói, nếu không có Nghị quyết 146, có lẽ đến nay tình trạng “đóng băng” đội ngũ ngày càng lớn và giáo dục miền núi chưa biết sẽ ra sao.

Từ năm 2013, tỉnh chủ trương chuyển đổi trường phổ thông DTNT cấp huyện (trường THCS) thành mô hình trường phổ thông DTNT cấp 2 - 3. Thật ra mô hình này chưa có trong quy định nhưng với cách “lách luật” này đã giúp cho học sinh (HS) tiếp tục được hưởng các chế độ, chính sách như khi còn học ở trường phổ thông DTNT huyện để học tập tốt hơn, phục vụ mục tiêu tạo nguồn đào tạo cán bộ. Đến nay, đã có 3 trường được chuyển đổi thành trường phổ thông DTNT cấp 2 - 3 ở các huyện Nam Trà My, Phước Sơn và Bắc Trà My. Vẫn còn 3 trường vẫn giữ mô hình cũ và có một số ý kiến chưa đồng tình nhưng có thể thấy, việc chuyển đổi sang mô hình trường phổ thông DTNT cấp 2 - 3 đã tạo điều kiện thuận lợi cho HS đi học, giảm tình trạng bỏ học giữa chừng, góp phần nâng cao chất lượng.

Lối đi riêng

Cho đến nay, nhiều cán bộ quản lý ngành giáo dục, thầy cô giáo đều xem Nghị quyết 12 (28.12.2012) của Tỉnh ủy về phát triển, nâng cao chất lượng GD-ĐT tỉnh Quảng Nam đến năm 2020 là “đi trước một bước” so với Nghị quyết 29 của Trung ương. Những mục tiêu, giải pháp trong nghị quyết này thể hiện quyết tâm và quan điểm đổi mới sự nghiệp GD-ĐT của Tỉnh ủy. Chẳng hạn, nghị quyết đề ra mục tiêu tập trung huy động mọi nguồn lực, tạo chuyển biến toàn diện, vững chắc về quy mô, chất lượng ở tất cả ngành học, bậc học, đáp ứng nhu cầu tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh. Đồng thời nâng cao chất lượng đại trà đi đôi với đẩy mạnh giáo dục mũi nhọn, coi trọng giáo dục truyền thống, bồi dưỡng HS, sinh viên phát triển toàn diện về đức - trí - thể - mỹ, đáp ứng xu thế hội nhập, phát triển của đất nước. Nghị quyết cũng nêu tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về GD-ĐT; thực hiện tốt phân cấp quản lý, phát huy tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong các cơ sở giáo dục…

Thực hiện Nghị quyết 29, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Chín, bên cạnh việc bám sát những vấn đề, yêu cầu cụ thể theo chủ trương của Trung ương thì Quảng Nam phải chọn lối đi riêng mang tính đột phá. Với tinh thần đó, trong kế hoạch thực hiện chương trình hành động của Tỉnh ủy đang được Ban Chỉ đạo đổi mới giáo dục của tỉnh soạn thảo có đưa ra một số nhiệm vụ trọng tâm được xem là “sát sườn” với tỉnh. Cụ thể, tập trung đổi mới căn bản công tác quản lý GD-ĐT theo hướng cơ quan quản lý GD-ĐT cấp tỉnh, huyện, thành phố, thị xã được quyền tham mưu trực tiếp cho UBND tỉnh, huyện, thành phố, thị xã về nhân sự, tài chính ở các cấp học do mình quản lý. Sở dĩ có sự thay đổi này bởi thời gian qua mô hình quản lý GD-ĐT trên địa bàn tỉnh không thống nhất giữa các địa phương. Cơ quan quản lý GD-ĐT của một số địa phương ngoài nhiệm vụ chuyên môn thì không biết gì về tài chính, nhân sự của các trường học trực thuộc mình quản lý. Từ đó dẫn đến nhiều khó khăn, bất cập trong công tác quản lý, điều hành.

Một nội dung khác cũng sẽ được tập trung đẩy mạnh trong thời gian đến là phát triển giáo dục miền núi, vùng dân tộc thiểu số. Dù nhận được sự quan tâm đầu tư rất lớn với nhiều chính sách hỗ trợ của tỉnh nhưng giáo dục miền núi vẫn còn những rào cản trên đường̣ phát triển. Vì vậy, sắp đến tỉnh sẽ ban hành đề án phát triển giáo dục miền núi, trong đó có nhiều chính sách hỗ trợ tốt nhất về điều kiện học tập, đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ GV, nhất là GV người tại chỗ, tiếp tục phát triển mô hình trường THPT nội trú.

Tại buổi làm việc với Sở GD-ĐT mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu cho rằng thời gian tới phải xác định lại cơ chế quản lý nhà nước về GD-ĐT theo hướng tăng cường phân cấp và ủy quyền; phát huy vai trò của Sở GD-ĐT trong công tác tham mưu cho tỉnh về hoạch định chiến lược phát triển của ngành; đẩy mạnh việc kiểm tra, giám sát, đề xuất các giải pháp tổ chức triển khai thực hiện để tạo sự lan tỏa mạnh mẽ trong cả tỉnh. Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu còn yêu cầu Sở GD-ĐT tổ chức rà soát lại việc triển khai thực hiện các đề án, xác định những vấn đề bức xúc nhất của ngành để xây dựng đề án mới tham mưu cho tỉnh quyết định giải quyết một cách tổng thể; gợi ý một số vấn đề cần tập trung đầu tư, trong đó chất lượng đội ngũ là vấn đề quan tâm nhất giai đoạn hiện nay.

XUÂN PHÚ

XUÂN PHÚ