Đặc xá 2015: Mở vòng tay nhân ái

31/08/2015 08:58

Hôm nay 31.8, các phạm nhân được đặc xá giã từ trại giam. Họ bỏ lại song sắt phía sau lưng, và trước mặt là con đường hoàn lương, là nẻo thiện, là niềm vui và hạnh phúc với khung trời tự do, với gia đình và xã hội…

Điều mà những người từng lầm đường lạc lối trở về rất mong muốn là sự dang tay của gia đình, địa phương, nhất là tạo điều kiện về việc làm, tạo cơ hội để họ tham gia các đoàn thể và hòa nhập cộng đồng.

GHI Ở AN ĐIỀM

Trại giam An Điềm (thuộc Tổng cục VIII, Bộ Công an) những đêm rồi có nhiều phạm nhân dường như không ngủ...

Trung tâm Dạy nghề thanh niên tỉnh mở lớp đào tạo nghề cho phạm nhân sắp chấp hành xong án phạt tù.
Trung tâm Dạy nghề thanh niên tỉnh mở lớp đào tạo nghề cho phạm nhân sắp chấp hành xong án phạt tù.

Đợt đặc xá năm 2015 nhân Quốc khánh 2.9, Trại giam An Điềm có 203 phạm nhân được tha tù trước thời hạn. Trong ngày vui nhân Tết Độc lập, người thân và cộng đồng xã hội đã mở rộng vòng tay nhân ái đón những người con một thời lầm lỡ trở về.

Thao thức ngày về

Trại giam An Điềm, nằm giữa màu xanh của núi rừng xã Đại Hưng, huyện Đại Lộc. Nơi đây, có những con người một thời lầm lỗi đang chấp hành hình phạt tù. Mỗi phạm nhân một hoàn cảnh khác nhau, con đường sa ngã cũng không giống nhau, nhưng họ cùng chung niềm vui được trở về trước thời hạn sau những năm tháng nỗ lực cải tạo sau song sắt. Suốt tuần nay họ đếm ngược thờ gian ngày về. Sự hồi hộp và vui sướng rạng lên trong từng ánh mắt, nụ cười của phạm nhân được đặc xá khi những ngày cuối cùng ở trại giam đang dần khép lại.

Anh N.V.B. (20 tuổi, quê Quế Thọ, Hiệp Đức) vốn là thanh niên hiền lành, chăm chỉ. Nhưng một phút lầm lỡ, anh phải lãnh bản án 4 năm tù về tội hiếp dâm, nhưng bản án lương tâm còn ray rứt hơn nhiều. Thời gian trong trại, tình cảm của gia đình qua những lá thư động viên là sợi dây gắn kết B. với cuộc sống, anh tích cực lao động, chấp hành nghiêm túc các quy định của trại. Những thay đổi trong anh cũng bắt đầu từ mong đợi của người thân. Đợt đặc xá này, anh B. được giảm án 1 năm 6 tháng tù. Anh tâm sự: “Mấy ngày qua tôi mừng muốn khóc, không ngủ được. Qua thời gian ở đây, tôi nhận được sự động viên của ban giám thị, quản giáo trại giam. Mẹ tôi cũng thường động viên để tôi cải tạo tốt” - anh B. xúc động nói.

Anh Đ.N.Â. (26 tuổi, quê thị trấn Hà Lam, Thăng Bình) thụ án 8 năm tù về tội cố ý gây thương tích. Những năm tháng trong trại giam, anh nhận rõ lỗi lầm đã phạm phải. Chính điều đó giúp anh nỗ lực cải tạo tốt để hôm nay được trở về với đời sống tự do, với mái ấm gia đình. Anh Â. chia sẻ: “Hôm nay được lăn tay rồi! Ngày mai tôi được trở về với gia đình rồi!”. Anh Â. kể, không thể quên vào một ngày giữa tháng 7, anh được cán bộ quản giáo thông tin mình được nằm trong danh sách xét đặc xá đợt này. Rồi cuối tháng 8, khi danh sách những người được đặc xá dán lên, anh vỡ òa cảm xúc, ôm mặt khóc nức nở khi thấy tên mình.

Trại An Điềm hiện có tổng cộng gần 2.000 phạm nhân. Từ khi bước vào trại, phạm nhân được giáo dục bằng sự nghiêm khắc và tình thương của những cán bộ quản giáo. Mỗi ngày ở trại giam là một ngày các phạm nhân nhận thêm bài học về cuộc sống, nghiêm khắc nhìn lại những lỗi lầm của mình. Hàng tuần các phạm nhân lao động, học tập 40 giờ; được bố trí học nghề phù hợp. Qua thời gian chấp hành án phạt tù, mỗi phạm nhân được trại trang bị một nghề để có thể sống lương thiện sau khi chấp hành xong án phạt tù.

Để đường về bớt gập ghềnh

Trước những ngày đặc xá, nhiều đơn vị đã phối hợp tổ chức các lớp cung cấp kiến thức cần thiết cho phạm nhân ra tù trước thời hạn. Các phòng chức năng của Công an tỉnh tuyên truyền về Luật Cư trú, Luật Giao thông đường bộ; Hội Liên hiệp thanh niên tỉnh mở lớp kỹ năng sống, kỹ năng hòa nhập cộng đồng; đặc biệt Trung tâm Dạy nghề thanh niên tỉnh mở lớp nề hoàn thiện cho 60 phạm nhân.

Công khai, dân chủ, bảo đảm quy trình

Ngay sau khi có Quyết định 1366/2015/QĐ-CTN của Chủ tịch nước và các văn bản hướng dẫn công tác đặc xá năm 2015, ngày 21.7, Công an tỉnh đã thành lập Tiểu ban chỉ đạo công tác đặc xá. Trước đó, Công an tỉnh tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban ngành, đoàn thể, UBND các địa phương phối hợp chặt chẽ, ban hành đầy đủ, kịp thời các văn bản hướng dẫn cần thiết. Mọi thông tin, hướng dẫn về điều kiện, tiêu chuẩn xét đề nghị đặc xá được niêm yết công khai để phạm nhân tìm hiểu, bình xét. Đại tá Doãn Bá Hồng - Trưởng phòng Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp (PC81) cho biết, trại tạm giam và cơ quan thi hành án hình sự công an cấp huyện đều thành lập tổ giúp việc để phân loại, khảo sát toàn bộ hồ sơ phạm nhân hiện có, đối chiếu với điều kiện, tiêu chuẩn được xét đặc xá, không để sót lọt những người có đủ điều kiện mà không được xét. Sau khi nhận được hồ sơ, thành viên Tiểu ban chỉ đạo xem xét cụ thể từng trường hợp và thống nhất đề nghị Hội đồng Tư vấn đặc xá Trung ương xét đề nghị đặc xá. Qua rà soát, đối chiếu các điều kiện, tiêu chuẩn theo hướng dẫn của Hội đồng đặc xá Trung ương, đợt này Quảng Nam có 14 trường hợp phạm nhân hội đủ điều kiện đặc xá. “Việc xem xét đặc xá phạm nhân được thực hiện chính xác, chặt chẽ, đúng quy trình, không để xảy ra sai sót. Đến thời điểm này, đơn vị chưa nhận được ý kiến hay đơn thư khiếu nại nào liên quan đến việc xét đặc xá” - Đại tá Doãn Bá Hồng khẳng định. Bên cạnh việc xét đặc xá, PC81 còn chú trọng trợ giúp pháp lý, tư vấn tâm lý cho những phạm nhân được đặc xá nhằm trang bị cho họ những kiến thức cơ bản trước ngày trở về với gia đình, xã hội; giúp người đặc xá sớm tái hòa nhập cộng đồng. (P.N - C.N)

Trong thời gian 3 tháng, Trung tâm Dạy nghề thanh niên tỉnh đã tổ chức thành công 2 lớp đào tạo nghề cho phạm nhân sắp chấp hành xong án phạt tù. Với hình thức dạy tập trung tại trại giam, các giáo viên của trung tâm truyền đạt kiến thức cơ bản về đọc hiểu bản vẽ thi công công trình xây dựng dân dụng, quy trình thi công; kiến thức liên quan đến kết cấu nền móng, kết cấu công trình; kỹ năng phục vụ quá trình làm việc trong nghề nề… Các lớp đào tạo nhằm giúp phạm nhân có một nghề trong tay để tìm việc làm khi trở về tái hòa nhập cộng đồng. Với sự cố gắng, nỗ lực của giáo viên và phạm nhân, kết quả có 60/60 học viên được công nhận tốt nghiệp và cấp chứng chỉ sơ cấp nghề, có 14 học viên đạt loại giỏi, 46 trường hợp đạt loại khá.

Đại tá Trương Công Trĩ - Giám thị Trại giam An Điềm cho rằng lớp đào tạo nghề là sự quan tâm của cộng đồng xã hội, sự mong muốn của phạm nhân cũng là sự mong đợi của thân nhân, gia đình họ. Về với cuộc sống đời thường, mỗi người cần phải tích cực vận dụng những kiến thức đã được học vào thực tế công việc và không ngừng học tập, phấn đấu vươn lên. Qua các lớp học này sẽ giúp phạm nhân có nhận thức hiểu biết về nghề nghiệp, để sau khi hòa nhập cộng đồng làm tròn trách nhiệm của một công dân. Là học viên của lớp nghề, anh P.P.P. (quê xã Trà Sơn, huyện Bắc Trà My) bày tỏ lòng biết ơn đối với cán bộ trại giam, các thầy giáo đã quan tâm chăm lo đến những người lầm lỗi như các anh, tạo điều kiện để có thể sớm ổn định cuộc sống khi trở về hòa nhập cộng đồng. “Tôi thấy mình may mắn khi trước lúc ra trại lại có trong tay cái nghề. Từ những kinh nghiệm được học, sau này tôi sẽ áp dụng vào sản xuất, lao động làm việc nuôi sống bản thân, làm người có ích cho xã hội” - anh P. nói.

Anh Hồ Quang Lĩnh - Giám đốc Trung tâm Dạy nghề thanh niên tỉnh chia sẻ với học viên khi lớp học kết thúc: “Chúng tôi không chỉ đưa các bạn qua sông bằng một lần đò mà có thể tiếp tục đưa thêm những chuyến khác nếu như các bạn gặp những khó khăn, trắc trở về nghề nghiệp, việc làm trong cuộc sống sau này. Điều mà chúng tôi mong muốn nhất là khi được trở về với cộng đồng, các bạn phải tránh xa các tệ nạn xã hội, không để xảy ra tình trạng “ngựa quen đường cũ”, không tái phạm tội. Các bạn cũng cần biết rằng, chúng tôi cũng như các tổ chức, cá nhân đã gắn bó với sự tiến bộ của các bạn, luôn dõi trông, luôn hy vọng và luôn tin tưởng các bạn”. (THIÊN NGÂN)

MONG ĐƯỢC SỬA SAI

Sáng nay 31.8, cùng với hơn 18 nghìn phạm nhân của cả nước, 14 phạm nhân tại Trại Tạm giam Công an tỉnh và nhà tạm giữ công an các huyện, thành phố sẽ được nhận quyết định đặc xá của Chủ tịch nước.

Dịp này, toàn tỉnh có 8 phạm nhân được giảm án; ngoài ra, còn có 164 phạm nhân ở các trại giam và trại tạm giam được đặc xá trở về cư trú trên địa bàn tỉnh.

Không khí ở trại tạm giam những ngày gần đây trở nên khác hẳn. Người sắp được về với gia đình hồi hộp đến không ngủ được và an ủi động viên người ở lại cải tạo tốt để được hưởng chính sách khoan hồng của nhà nước. Người ở lại cũng chia sẻ niềm vui với người được đặc xá. Phạm nhân T.P. (quê Điện Bàn) can tội cướp giật tài sản được đặc xá đợt này tâm sự: “Tôi không thể diễn tả niềm vui của mình lúc này. Trong thời gian cải tạo, tôi đã nhận ra lỗi lầm. Niềm khao khát trở về với gia đình đã thôi thúc tôi phấn đấu cải tạo tốt. Tôi xin gửi lời cảm ơn đến Ban giám thị trại và gia đình, những người đã động viên và ghi nhận quá trình phấn đấu cải tạo của tôi. Tôi sẽ cố gắng làm ăn lương thiện, chấp hành tốt pháp luật và trở thành người có ích cho xã hội”. Phạm nhân N.N.S. (quê Phú Ninh) can tội mua bán trái phép chất cấm cũng bày tỏ vui mừng khi biết mình được đặc xá. Bởi, nỗ lực học tập, lao động tốt trong trại bấy lâu nay của S. đã được ghi nhận.

Dù được giảm án nhưng chưa được về trong đợt đặc xá này vì chưa đủ thời gian chấp hành án như quy định, song các phạm nhân H.T.P., P.M.P. (can tội cướp giật tài sản) vẫn thấy lòng phấn chấn. Bởi họ hiểu rằng, nếu học tập, cải tạo tốt, sẽ có cơ hội trở về trước thời hạn như các phạm nhân cùng trại tạm giam. P.M.P. nói: “Tôi sẽ luôn chấp hành nghiêm nội quy, quy chế của trại, tích cực lao động, tu dưỡng đạo đức để có đủ điều kiện, tiêu chuẩn được giảm án, đặc xá. Những ngày ở trại giam, tôi thấu hiểu giá trị của cuộc sống lương thiện”.

Được biết, trong đợt đặc xá gần đây nhất (năm 2013), ở Quảng Nam không có trường hợp được đặc xá nào tái phạm tội. Nhiều người đã được đặc xá không chỉ hòa nhập cộng đồng còn đóng góp tích cực cho xã hội như anh N. (Hiệp Đức), anh  T. (Núi Thành), anh H. (Điện Bàn). Chính sách nhân đạo của Đảng và Nhà nước ta không chỉ dừng lại ở việc đặc xá tha tù trước thời hạn, mà còn thể hiện trong việc dạy nghề, trợ giúp pháp lý, tạo điều kiện để những người được đặc xá tái hòa nhập cộng đồng. Đại tá Doãn Bá Hồng - Trưởng phòng Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp (PC81) cho biết, để tạo cơ hội việc làm, năm nay đơn vị đã mở lớp chăn nuôi, trồng trọt và nuôi bò vỗ béo cho phạm nhân và lớp học này bế giảng cách đây vài tuần. Để người được đặc xá có cơ hội phấn đấu trở thành người có ích cho xã hội, chính quyền địa phương, các tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế và mọi người dân cần quan tâm, động viên, tạo điều kiện giúp đỡ họ hòa nhập cộng đồng. Nhất là gia đình, hãy là chỗ dựa khi họ trở về, giúp họ xóa bỏ mặc cảm, làm ăn lương thiện, không tái phạm tội và vi phạm pháp luật. (PHƯƠNG NAM - CHÂU NỮ)

ĐỐI THOẠI VIỆC LÀM THANH NIÊN

Cuối tuần qua, UBND TP.Tam Kỳ tổ chức diễn đàn đối thoại giữa lãnh đạo thành phố với cán bộ, đoàn viên thanh niên trên địa bàn. Đại diện tuổi trẻ Tam Kỳ và những người đứng đầu thành phố đã cùng nhau trao đổi nhiều vấn đề, trong đó nổi cộm là bài toán việc làm cho thanh niên.

UBND TP.Tam Kỳ tổ chức diễn đàn đối thoại với cán bộ, đoàn viên thanh niên trên địa bàn về vấn đề việc làm.                     Ảnh: VINH ANH
UBND TP.Tam Kỳ tổ chức diễn đàn đối thoại với cán bộ, đoàn viên thanh niên trên địa bàn về vấn đề việc làm. Ảnh: VINH ANH

Gần 200 cán bộ, đoàn viên thanh niên đại diện cho tuổi trẻ toàn thành phố và đại diện lãnh đạo một số ban ngành liên quan của tỉnh và TP.Tam Kỳ đã tham dự diễn đàn. Chủ trì diễn đàn đối thoại với tuổi trẻ có Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Tam Kỳ - Trần Nam Hưng và Phó Chủ tịch UBND thành phố Bùi Ngọc Ảnh.

Phản ánh từ cơ sở

Luôn sâu sát với thanh niên nên những cán bộ đoàn ở cơ sở nắm bắt khá đầy đủ những vấn đề của thanh niên, trong đó có câu chuyện việc làm. Phát biểu tại diễn đàn, các Bí thư Đoàn xã, phường trên địa bàn TP.Tam Kỳ đã đưa ra những ý kiến bày tỏ sự trăn trở, lo lắng về việc làm cho thanh niên, đồng thời đặt ra câu hỏi: “Vì sao doanh nghiệp thiếu lao động, trong khi thanh niên thất nghiệp lại chiếm tỷ lệ lớn như hiện nay?”. Bí thư Đoàn phường An Phú - Phạm Xuân Đồng đặt vấn đề: “Liệu công tác đào tạo nghề, định hướng nghề cho thanh niên lâu nay đã thực sự mang lại hiệu quả? Thực tế cho thấy doanh nghiệp thường chỉ tuyển những lao động có tay nghề, làm được việc, trong khi phần lớn ai cũng muốn đi học đại học, cao đẳng hay trung cấp, để rồi đến khi ra trường chẳng mấy trường hợp có việc làm ổn định, phù hợp năng lực chuyên môn. Nhiều doanh nghiệp khi nhận người buộc phải đào tạo lại. Như vậy sự định hướng của gia đình, xã hội cho thanh niên trong việc chọn nghề hiện nay vẫn còn những vấn đề phải bàn”.

Cũng nói về tình trạng thất nghiệp, Bí thư Đoàn phường Hòa Hương - Nguyễn Thanh Lâm nêu ví dụ cụ thể ngay tại địa phương có trường hợp dù tốt nghiệp đào tạo chính quy Đại học Bách khoa Đà Nẵng, năng nổ, hoạt bát trong các hoạt động tập thể và phong trào thanh niên, tuy nhiên đã ra trường hơn một năm nhưng vẫn chưa tìm được việc làm. Trong khi đó, một số ý kiến của tuổi trẻ TP.Tam Kỳ cho biết, công tác đào tạo, bồi dưỡng và luân chuyển cán bộ trẻ ở một số cơ sở chưa thực sự sâu sát. Nhiều bí thư đoàn sắp hết tuổi đoàn nhưng chưa được điều động, luân chuyển công tác mới.

Liên quan đến vấn đề đào tạo nghề cho thanh niên, Bí thư Đoàn phường An Sơn - Lê Bảo Uyên thẳng thắn nói: “Công tác đào tạo nghề hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu việc làm của thanh niên và người sử dụng lao động. Vì vậy, thanh niên sau khi được đào tạo nghề vẫn không có việc làm. Chúng ta thường đánh giá rằng đã đào tạo được số lượng là bao nhiêu chứ không đánh giá có bao nhiêu người có việc làm sau đào tạo”. Chị Uyên dẫn ví dụ, tại địa phương có nhiều thanh niên được chọn để tham gia các lớp dạy nghề như nấu ăn, pha chế thức uống… nhưng học xong không ai xin được việc làm. Điều này vừa gây lãng phí tiền của vừa làm mất thời gian và niềm tin của người học nghề. Chị Uyên chất vấn lãnh đạo thành phố: “Trong chương trình phát triển thanh niên TP.Tam Kỳ giai đoạn 2014 - 2020 có đưa ra chỉ tiêu giải quyết việc làm ổn định hàng năm cho 4.500 lao động, tương đương 345 lao động/xã, phường. Vậy chỉ tiêu đề ra đã sát với thực tế chưa và thành phố có giải pháp gì để đạt được chỉ tiêu đó”.

Nhu cầu một đàng, học một nẻo

Bên cạnh sự băn khoăn, trăn trở về vấn đề đào tạo nghề cho thanh niên, hầu hết ý kiến của tuổi trẻ TP.Tam Kỳ bày tỏ mong muốn lãnh đạo và các ban ngành của thành phố cần có những giải pháp căn cơ để giảm bớt tình trạng thất nghiệp hiện nay. Sau khi nghe các ý kiến của thanh niên, đặc biệt là vấn đề việc làm, chủ trì diễn đàn cùng lãnh đạo một số ban ngành liên quan của tỉnh và TP.Tam Kỳ đã chia sẻ với những trăn trở của thanh niên. Ông Lê Tôn Tưởng - Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh cho biết, vấn đề thất nghiệp không riêng gì ở Quảng Nam mà là thực trạng chung của cả nước. “Cái khó là cung và cầu lao động không gặp nhau, thừa thầy thiếu thợ, rồi việc học không đi theo định hướng của thành phố và của tỉnh. Hiện nay Tam Kỳ có 3 khu công nghiệp nên nhu cầu việc làm là rất lớn. Nhưng dường như thanh niên không mấy ai chịu học nghề - điều mà doanh nghiệp cần” - ông Tưởng nói.

Bà Nguyễn Thị Đào - Phó Trưởng phòng LĐ-TB&XH TP.Tam Kỳ nói: “Việc làm trên địa bàn thành phố chúng ta không thiếu, tuy nhiên nhu cầu của người lao động nói chung và đặc biệt là thanh niên không phù hợp với nhu cầu của thị trường”. Bà Đào cũng cho hay, thời gian qua thành phố đã mở được nhiều lớp đào tạo nghề, tuy nhiên vấn đề giải quyết việc làm sau đào tạo nhìn chung chưa hiệu quả. Ngành LĐ-TB&XH thành phố cũng đã phối hợp với Đoàn thanh niên và Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh tổ chức nhiều điểm tuyên truyền, tư vấn để xác định công tác đào tạo nghề cũng như định hướng việc làm cho thanh niên. Nhưng thực tế cho thấy tại các điểm tư vấn, tuyên truyền này rất ít thanh niên đến dự nên rất khó để chuyển tải các thông tin về đào tạo nghề và những định hướng việc làm phù hợp với nhu cầu thực tế của thành phố.

Phát biểu tại diễn đàn, Phó Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ Bùi Ngọc Ảnh đề nghị thành đoàn nên tham mưu tổ chức diễn đàn 6 tháng/lần để lãnh đạo thành phố có cơ hội nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của thanh niên. Đồng thời thanh niên cần thường xuyên gửi những kiến nghị, góp ý của mình đến lãnh đạo thành phố thông qua địa chỉ các trang thông tin điện tử, địa chỉ e-mail, facebook cá nhân… Nói về công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm, ông Ảnh cũng cho rằng, đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn (Đề án 1956) qua thực tế triển khai đã bộc lộ nhiều vướng mắc. “Chúng ta chưa “gặp nhau” giữa nhu cầu và giải quyết việc làm. TP.Tam Kỳ hiện nay chỉ có nhu cầu lớn về các ngành may mặc, giày da và một số ngành dịch vụ. Lâu nay chúng ta cứ nghĩ là phải học đại học, trong khi trên địa bàn tỉnh nhu cầu về lao động có tay nghề rất lớn, đơn cử như Công ty Ô tô Trường Hải”. Theo ông Ảnh, sắp đến, doanh nghiệp, người lao động và nhà nước sẽ phải ngồi lại với nhau tìm hướng giải quyết việc làm. Chẳng hạn như Tập đoàn Panko (đầu tư nhà máy dệt may tại Khu công nghiệp Tam Thăng), nhu cầu lao động sắp đến của họ rất lớn, thành phố sẽ mời doanh nghiệp, ngành LĐ-TB&XH, Đoàn thanh niên ngồi lại bàn về định hướng đào tạo nghề, qua đó giúp thanh niên học nghề đúng với nhu cầu của doanh nghiệp. (VINH ANH)