Cuộc chiến với bệnh thế kỷ trên "đất vàng"
Bên trong căn nhà gỗ là bữa tiệc rượu hoan hỉ, trước sân làng cột sẵn một con trâu chuẩn bị cho lễ cúng bái. Người làng bảo, nhà bố D. hay đau ốm nên phải làm lễ đâm trâu để trừ đuổi tà.
Đó là câu chuyện chúng tôi bắt gặp tại nhà ông H.V.D (thôn 4B, xã Phước Thành, Phước Sơn) hôm 20.8 vừa qua. Theo Trung tâm Y tế huyện Phước Sơn, ông D. bị nhiễm HIV/AIDS vào năm 2011.
Phức tạp
Qua lời chỉ dẫn của một cán bộ xã Phước Thành, chúng tôi ngược lên thôn 4B của xã Phước Thành khi trời đã đứng bóng. Nhà ông D. nằm chót vót trên đồi và có rất đông người dân tụ tập, trong nhà lẫn ngoài sân. Không phải họp hội mà đây là tục ma chay cúng tế để chữa bệnh. Ông D. (46 tuổi) với dáng người cao, khỏe, hoan hỉ mời chúng tôi vào nhà uống chén rượu, như tình cảm vốn có của người miền ngược mỗi khi có khách. Hỏi mắc bệnh gì mà phải đâm trâu, ông lắc đầu, kêu: “Dạo này ăn uống khó!”. Hỏi tiếp, có biết đến bệnh HIV/AIDS? Ông gật gật rằng, mỗi lần đi khám, cán bộ y tế hay nói về căn bệnh này.
Người làng này bảo, gia đình bố D. có điều kiện nhất vùng. Biết vậy, nhưng để mua con trâu với số tiền 23 triệu đồng, họ hàng xa gần mỗi người phải chung vô một ít mới đủ. “Tục của làng là vậy nên mình phải tuân theo, không làm trái được. Sau khi kết thúc phần rượu trà, đến chiều đám trai tráng sẽ tổ chức nhảy múa quanh sân làng để chuẩn bị cho tối đến làm lễ đâm trâu” - ông D. tiếp lời. Theo số liệu thống kê của Trạm Y tế xã Phước Thành, trong 9 trường hợp của địa phương xét nghiệm bị mắc HIV/AIDS, đến nay đã có 7 ca tử vong. Tình trạng người dân không chịu uống thuốc mà tốn kém tổ chức cúng bái vẫn còn phổ biến, dù công tác vận động thay đổi nhận thức được thực hiện thường xuyên.
Con trâu được cột sẵn để chuẩn bị lễ cúng tế “chữa bệnh” cho ông D. vào tối 20.8. Ảnh: VĂN HÀO |
Chúng tôi tiếp tục tìm đến nhà bà M. (trú thôn 2, xã Phước Thành) cạnh một con suối đục ngầu. Bà M. gốc gác tận Cà Mau, ra Quảng Nam để đào đãi vàng được gần 20 năm nay. Trong căn lều bạt lụp xụp, di ảnh con trai bà là N.C.T. mặt còn rất trẻ. Theo hồ sơ từ Trung tâm Y tế huyện Phước Sơn, T. sinh năm 1980, dân tộc Kinh, mắc bệnh HIV/AIDS vào năm 2010. Anh T. mất không lâu, người vợ cũng vừa bỏ đi biệt tăm để lại đứa con gái 5 tuổi hiện sống với bà M. Điều đáng lo ngại là đứa cháu này chưa được đưa đi xét nghiệm bệnh. Chính quyền và ngành y tế địa phương đang làm công tác vận động để đưa cháu đến cơ sở y tế trong thời gian sớm nhất. “Hồi trước tôi vô đây làm vàng sa khoáng, sau đó chuyển sang nuôi heo bán cho mấy công ty vàng. Chờ lấy được hết tiền nợ, tôi dẫn cháu về lại quê nhà sinh sống” - bà M. tâm sự.
Dấu hiệu chững lại
Bác sĩ Đặng Xuân Vinh - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Phước Sơn cho biết, nếu so với thời điểm cách đây 10 năm thì sẽ thấy tình trạng người nhiễm HIV/AIDS tại địa phương có dấu hiệu chững lại, không tăng một cách ào ạt như trước đây. Theo thống kê, từ năm 2005 đến tháng 6.2015, huyện Phước Sơn có 99 trường hợp nhiễm căn bệnh này, trong đó 49 ca đã tử vong. Dẫn đầu danh sách là thị trấn Khâm Đức, tiếp đến là xã Phước Thành.
Theo số liệu tại hội nghị giao ban Chương trình phòng chống HIV/AIDS do Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh tổ chức vào ngày 18.8 vừa qua, giai đoạn từ năm 2005 đến tháng 6.2015 số ca nhiễm, tử vong do HIV/AIDS trên toàn tỉnh tăng theo từng năm. Tính đến tháng 6.2015 đã có 873 ca (so với năm 2014 là 861 ca), trong đó 426 ca tử vong (tăng 3 ca so với 2014). Huyện Phước Sơn đứng đầu danh sách với 99 ca, tiếp đến là TP.Tam Kỳ (97 ca), Thăng Bình (96 ca); duy nhất huyện Tây Giang không có trường hợp nào. |
Phước Sơn là địa bàn phức tạp về tình trạng đào đãi vàng trái phép, đông đảo lượng người tứ phương đến mảnh đất này để làm vàng, buôn bán nên rất khó kiểm soát tình trạng nghiện ngập, lây truyền HIV/AIDS. Nếu người bị nhiễm nhưng không hợp tác đi xét nghiệm, trình báo thì sai số giữa thực tế và trên giấy tờ sẽ không hề nhỏ. Ông Hồ Văn Tưởng - cán bộ Trạm Y tế xã Phước Thành từng nhiều năm phụ trách mảng y tế HIV/AIDS tại xã Phước Kim trước khi điều chuyển lên Phước Thành cho biết, nhiều người có dấu hiệu nhiễm bệnh này như ho kéo dài, tiêu chảy nhưng không chịu đi kiểm tra sức khỏe cho đến khi đổ bệnh và tử vong. “Việc nắm hết danh sách đối tượng nhiễm bệnh tại địa phương rất khó khăn, vì hôm nay họ ở đây nhưng mai lại chuyển sang nơi khác. Rồi tình trạng mại dâm tại các bãi vàng, chích hút ma túy phức tạp nên khó nắm được con số thực” - ông Tưởng cho hay.
Bác sĩ Đặng Xuân Vinh thông tin, lây lan HIV/AIDS tại địa phương nổi cộm là qua đường máu (chiếm 80%). Còn những trường hợp người mẹ bị nhiễm bệnh nhưng vẫn sinh con, nếu xét nghiệm đúng quy trình để phát hiện bệnh và kịp thời điều trị thì tỷ lệ nhiễm bệnh này sẽ kiểm soát được. “Nếu 100 bà mẹ bị nhiễm HIV/AIDS, sinh con thì khoảng 35 - 40% trẻ bị lây nhiễm. Nếu trẻ không quá 10 tuổi, phát hiện sớm và điều trị thì vẫn có thể khỏi hoàn toàn” - bác sĩ Vinh nói. Việc tư vấn định kỳ, đảm bảo thông tin bí mật đã và đang được ngành y tế địa phương duy trì. Song, tình trạng nhiễm HIV/AIDS tại Phước Sơn có dấu hiệu chững lại thì rất dễ kéo theo sự chủ quan, sao nhãng. Vì vậy cuộc chiến với căn bệnh này tại “đất vàng” cần có sự quan tâm nhiều hơn.
VĂN HÀO