Dân "vây" doanh nghiệp khai thác cát

TRIÊU NHAN 27/08/2015 08:54

Bức xúc trước việc doanh nghiệp khai thác cát “ngoạm” sâu vào vùng sản xuất hoa màu ven sông Vu Gia, đoạn qua thôn Hà Vy, Ngọc Thạch (xã Đại Hồng, Đại Lộc), rất đông người dân đã tụ tập, quyết liệt yêu cầu doanh nghiệp ngừng hoạt động.

Những hố sâu để lại tại vùng khai thác. Ảnh: TRIÊU NHAN
Những hố sâu để lại tại vùng khai thác. Ảnh: TRIÊU NHAN

Ngổn ngang, loang lổ

Sau khi tập trung phản đối, yêu cầu doanh nghiệp ngừng khai thác cát ở cồn bãi, gây ảnh hưởng tới đất sản xuất hoa màu ven sông, đến ngày 25.8, nhiều người dân hai thôn Hà Vy, Ngọc Thạch vẫn túc trực tại khu vực này nhằm ngăn chặn không cho xe múc, xe tải vào khu vực vận chuyển, khai thác cát đưa đi tiêu thụ. Theo phản ánh của người dân, từ tháng 5.2015 tới nay, Công ty TNHH Khoáng sản Hồng Ân (đang chuyển nhượng cho Công ty TNHH Kim Phú) ngoài việc khai thác cát tại khu vực gần sông Vu Gia đã cố tình xâm lấn một phần diện tích trong tổng số 26ha đất màu của nông dân.

Ông Nguyễn Văn Đ. (thôn Hà Vy) nói: “Doanh nghiệp này lấy cát gần như cạn kiệt, mỗi ngày có tới 2 - 3 xe múc hoạt động bất kể ngày đêm, để lộ các hố sâu như hố bom. Xe cộ ồ ạt vào chở cát đã làm bụi bay mù mịt, ảnh hưởng tới năng suất hoa màu, chúng tôi phản ánh nhiều song vẫn chưa được xử lý. Gần đây, việc khoét ruột bãi bồi càng rầm rộ hơn, chúng tôi không thể ngồi nhìn vùng canh tác lâu năm sắp có nguy cơ xóa sổ”. Ông Bùi Văn Tám (thôn Ngọc Thạch) cho biết thêm, hiện diện tích trồng sắn của bà con đã bị đơn vị khai thác lấn sát, một số diện tích nhỏ bị xâm phạm. Sự việc này rất cần sự vào cuộc quyết liệt của ngành chức năng. Không chỉ bức xúc vì một số diện tích sắn đang kỳ thu hoạch chưa kịp nhổ đã bị đơn vị khai thác đưa xe múc san ủi, vùi lấp mà nhiều người dân còn lo lắng trước kiểu tận thu ồ ạt tài nguyên cát lẫn đất ven sông của doanh nghiệp này. “Trước kia, đất sản xuất của chúng tôi ở tít ngoài xa, nay cứ bị lấn dần sát vùng sản xuất. Dân chúng tôi không đồng ý cho bán cát, nếu cứ tiếp diễn chẳng mấy chốc toàn bộ vùng cồn bãi này sẽ bị xóa sổ” - ông Phạm Văn T. (thôn Ngọc Thạch) nói.

Trước đây, UBND tỉnh đã có Công văn số 3471/UBND-KTN về việc kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động khai thác cát làm vật liệu xây dựng thông thường theo đề nghị của UBND huyện Đại Lộc. Theo đó, UBND tỉnh đã giao Sở TN-MT chủ trì, phối hợp với các sở ngành liên quan và UBND huyện Đại Lộc kiểm tra tình hình khai thác khoáng sản của các đơn vị liên quan theo nội dung phản ánh của huyện Đại Lộc. Nếu phát hiện sai phạm, phải tham mưu UBND tỉnh kịp thời xử lý theo đúng quy định hiện hành, kết quả kiểm tra báo cáo về UBND tỉnh trước ngày 20.8.2015 để theo dõi, chỉ đạo. Song, đến nay mâu thuẫn giữa người dân và doanh nghiệp vẫn diễn biến phức tạp.

Trước mắt chúng tôi, vùng cồn bãi Hà Vy - Ngọc Thạch đã trở nên ngổn ngang, loang lổ những hố bom nước khổng lồ, sâu hoắm. Một vạt sắn nhỏ đang vào vụ thu hoạch của nông dân đã bị vùi trong cát. Xót của, nhiều phụ nữ đã dùng tay cào xới trong đống cát để vớt vát được ít nhiều. Một số người khác còn cố gắng dùng 2 tay lục xới trong đống cát tìm những củ sắn, như để chứng minh cho tính trung thực của sự việc. Một phụ nữ bưng mặt khóc khi thuật lại câu chuyện đã từng sa chân xuống hố sâu chứa nước suýt mất mạng, song người của đơn vị khai thác có mặt tại hiện trường lúc đó lại có lời nói vô cảm…

Điều chỉnh vùng  khai thác

Trao đổi với chúng tôi, ông Trương Văn Huấn, Phó Trưởng phòng TN-MT huyện Đại Lộc cho hay, vụ việc xảy ra huyện đã tiếp nhận phản ánh của người dân và sẽ kiến nghị Sở TN-MT và UBND tỉnh xem xét, có hướng xử lý. Ông Huấn khẳng định, vùng khai thác cát do Công ty TNHH Kim Phú thực hiện vẫn nằm trong vùng cho phép của UBND tỉnh. Song, đó lại là vùng sản xuất lâu nay của người dân xã Đại Hồng do Công ty TNHH Hồng Ân (đơn vị chuyển nhượng) lơ là, bỏ lửng khai thác. Tuy nhiên, điều đáng nói là Công ty Kim Phú chưa có quyết định cho phép chuyển nhượng vẫn vào tận thu ồ ạt tài nguyên. Được biết, vùng khai thác vật liệu xây dựng tại bãi cát thôn Hà Vy được cấp phép với diện tích 7,15ha. Suốt thời gian qua, đơn vị khai thác luôn gặp sự phản đối từ phía người dân.

Theo ông Huấn, Phòng TN-MT, UBND xã Đại Hồng từng mời Công ty Hồng Ân lên làm việc song đại diện công ty này vắng mặt. Ngành chức năng cũng đã làm việc với Công ty Kim Phú, đơn vị này một mực cho rằng vùng sản xuất của mình vẫn nằm trong phạm vi cho phép. Ông Huấn nói: “Chúng tôi đã tham mưu UBND huyện trình Sở TN-MT và UBND tỉnh với hai nội dung chính. Một là cần tổ chức kiểm tra quá trình chuyển nhượng giữa hai công ty, xác định chỗ nào có cát thực tế thì sẽ giao cho công ty khai thác, chỗ nào dính líu tới vùng sản xuất của nhân dân thì sẽ có sự cân đối, điều chỉnh trở lại. Hai là, sẽ điều chỉnh vị trí cấp phép trong sơ đồ, bởi vị trí cấp phép trong văn bản là nằm trên địa bàn xã Đại Lãnh, song thực chất là nằm trên địa bàn xã Đại Hồng. “Dù vùng khai thác của công ty chưa xâm phạm tới đất sản xuất hoa màu của nhân dân, song làm gì cũng phải an dân, đất bà con sản xuất ổn định trên đất đó lâu nay, không thể xâm phạm và làm ảnh hưởng tới sinh kế của họ được”.

TRIÊU NHAN

TRIÊU NHAN