Cho trẻ cơ hội đến trường
Còn hàng triệu trẻ em tại khu vực Đông Nam Á chưa được tiếp cận với hệ thống giáo dục cơ bản, gây nguy cơ bất ổn kinh tế và xã hội.
Một lớp học của học sinh tiểu học tại Singapore. (ảnh: todayonline) |
Học sinh tại nhiều quốc gia khu vực Đông Nam Á đang trong những ngày đầu tiên đến trường. Thế nhưng, hàng triệu trẻ em khác tại khu vực không có cơ hội được tiếp cận với hệ thống giáo dục cơ bản. Văn phòng của Tổ chức Văn hóa, giáo dục và khoa học của Liên hiệp quốc (UNESCO) tại thủ đô Băng Cốc (Thái Lan) vừa báo cáo về tình trạng thất học của hàng triệu trẻ em tại khu vực và những thiệt hại kinh tế từ đây. Báo cáo tập trung vào các quốc gia như Campuchia, Indonesia, Lào, Philippines, Đông Timor. Ví như, ngoài tác động về mặt xã hội, những lao động không có kỷ năng tay nghề sẽ làm giảm đến 4% GDP của Đông Timor mỗi năm.
Ichiro Miyazawa - đại diện của UNESCO tại Thái Lan cho biết, mặc dù các nước khu vực Đông Nam Á đạt nhiều nỗ lực để tạo cơ hội cho trẻ em đến trường như miễn phí giáo dục một số cấp học nhưng số trẻ em thất học vẫn còn khá cao với khoảng 7 triệu em. Tại khu vực, Việt Nam được ghi nhận là quốc gia đã hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học vào năm 2010 và tiến tới những mục tiêu cao hơn về phổ cập giáo dục trung học cơ sở và trung học phổ thông. Trong khi đó, Singapore - lấy giáo dục làm mục tiêu phát triển kinh tế, trong vòng 50 năm qua, từ một quốc gia không có nguồn tài nguyên và tỷ lệ mù chữ rất cao nay trở thành một mô hình giáo dục phát triển tầm cỡ thế giới, một trong những nền công nghiệp phát triển trên toàn cầu.
Tại khu vực, đói nghèo là nguyên nhân chính dẫn đến nhiều gia đình không có khả năng trang trải mọi chi phí cho con em được đến trường. Nhưng không được tiếp cận với hệ thống giáo dục, vòng luẩn quẩn nghèo đói không những tác động đến cuộc sống nhiều gia đình và cho phát triển xã hội mà gây nhiều nguy cơ bất ổn và tổn thất kinh tế cho quốc gia. Do đó, Ichiro Miyazawa cho rằng bản báo cáo lần này của UNESCO tại khu vực giúp chính phủ các nước nhìn nhận lại chương trình giáo dục, kết quả hành động để có thể định hướng tốt hơn cho sự nghiệp giáo dục tại khu vực.
Ngay tại Diễn đàn Giáo dục thế giới năm 2015 được tổ chức tại thành phố Incheon của Hàn Quốc hồi tháng 5 vừa qua, đã ra tuyên ngôn có đoạn: “Không có mục tiêu nào được coi là hoàn tất nếu nó bỏ sót bất kỳ cá nhân nào”. Jordan Naidoo, Giám đốc “Chương trình giáo dục cho tất cả mọi người giai đoạn 2010 - 2015” do UNESCO phát động và Manos Antoninis - chuyên gia phân tích chính sách cao cấp của chương trình Báo cáo giám sát toàn cầu đã có bài viết về nền giáo dục toàn cầu. Trong đó các chuyên gia nhấn mạnh, năm 2015, trên toàn thế giới vẫn có gần 100 triệu trẻ em không được đi học tiểu học và chỉ có một nửa số quốc gia trên thế giới bảo đảm phổ cập giáo dục tiểu học. Do đó, thế giới phải làm sao để không ai bị bỏ lại phía sau trong giáo dục và học tập, giáo dục là một quyền cơ bản của con người và là điều kiện tiên quyết để thực hiện các quyền khác của con người. Hãy cho các em cơ hội để các em thực hiện quyền được đi học.
NAM VIỆT