Chảy trôi tài nguyên
Trước thời điểm mùa mưa cận kề, tài nguyên khoáng sản bị vơ vét chớp nhoáng, bừa bãi nên làm biến dạng địa hình núi sông, mất cân bằng hệ sinh thái, để lại nhiều hệ lụy xấu về môi trường.
Đột nhập sông Bua
Con sông Bua, đoạn chảy qua thôn 2 và 3 (xã Trà Vân, huyện Nam Trà My) vài năm nay bị khô khốc vào mùa hè. Nước chỉ ứ đọng trong các vũng, ao được đào sâu hoắm giữa sông, nhưng nhuốm màu vàng khè. Xen lẫn với các đám ruộng màu bằng phẳng của đồng bào dân tộc thiểu số là vô số hố sâu rộng gấp đôi diện tích một ngôi nhà, đào bới nham nhở từ tình trạng khai thác vàng sa khoáng trái phép. Khu vực suối Đa nằm trên sông Bua là “công trường” của vàng tặc. “Điểm nóng” này tồn tại dai dẳng nhiều năm, các ngành chức năng có lúc gần như bất lực trong cuộc đấu tranh, do núi cách sông ngăn. Vì thế, các cuộc truy quét, giữ người để chặn đứng đường dây tận thu vàng quy mô của các ngành chức năng đều bất thành.
Tình trạng khai thác khoáng sản trái phép tại xã Trà Ka (Bắc Trà My) vẫn ngang nhiên xảy ra. Ảnh: T.HỮU |
Tham gia trong đoàn truy quét liên ngành, ông Hồ Văn Thới - Trưởng Công an xã Trà Vân cho biết, khu vực suối Đa có từng khu, lãnh địa khai thác riêng; mỗi nhóm thổ phỉ sở hữu một điểm khai thác khác nhau. Cái khó cho ngành chức năng trong tuyên chiến với vàng tặc ở chỗ, đối tượng thì thường xuyên “theo dõi” cán bộ, phát hiện có người lạ vào rừng thì báo hiệu tẩu tán máy móc, trốn vào rừng và thường di chuyển sang xã Sơn Bua (huyện Sơn Tây) để lánh nạn. Nằm trong kế hoạch truy quét định kỳ, nhưng đầu tháng 8, lực lượng chuyên truy quét khoáng sản của huyện Bắc Trà My nhận được nguồn tin quan trọng từ quần chúng. Mọi bí mật tiếp cận sông Bua đều được các dân quân xã, chiến sĩ Công an huyện Nam Trà My và huyện Sơn Tây (Quảng Ngãi) giữ đến giờ chót. Hai mũi bao vây tấn công đối tượng được chia ra, vì đột nhập bất ngờ nên các đối tượng chưa kịp trốn thoát. Các cơ quan chức năng tạm giữ 18 đối tượng bước đầu điều tra manh mối, xác định danh tính chủ bãi. Một cán bộ trong đoàn truy quét tiết lộ, để vào tận rừng sâu khai thác, đối tượng đã liều lĩnh mở đường dọc ngang nên xâm hại nghiêm trọng rừng. Thực trạng khai thác vàng trái phép ở sông Bua tái diễn liên tục, nên mức độ tàn phá môi trường, môi sinh thêm dữ dội. Nguy hiểm hơn, đối tượng đã thỏa thuận với bà con mua đất sản xuất, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng sinh kế lâu dài.
Cuộc chiến dai dẳng
“Điểm nóng” chóp Nón Lực lượng kiểm tra khoáng sản trái phép cơ động huyện Bắc Trà My vừa truy quét tại “điểm nóng” chóp Nón (thuộc thôn 2, xã Trà Giác). Tại đây, có đến 5 điểm thăm dò, khai thác vàng gốc trái phép. Tổ công tác phát hiện, đốt phá 8 lán trại với tổng diện tích khoảng 300m2 bạt xanh, 6 máy nổ cùng nhiều dụng cụ, máy móc phục vụ tận thu vàng. |
Theo ngành chức năng, trước mùa mưa là thời điểm bùng phát mạnh mẽ nạn khai thác khoáng sản trái phép, nóng nhất ở địa bàn xã Đăk Pring, Đăk Pre, Ta Bhing (Nam Giang), Quế Lâm (Nông Sơn), các xã Ba, Tư, A ting (Đông Giang), Tam Lãnh (Phú Ninh), vùng giáp ranh giữa các huyện trong tỉnh... Nguyên nhân “vàng tặc” tái diễn là chế tài xử phạt, kỷ cương kỷ luật chưa được thực thi đến nơi đến chốn. Chính quyền một số nơi còn “thỏa thuận ngầm” cho đối tượng khai thác khoáng sản trái phép để có chi phí đầu tư cho địa phương. Việc tạm giữ phương tiện, máy móc thiết bị khai thác trái phép gặp khó khăn, do địa hình rừng núi xa xôi, đôi khi chi phí vận chuyển về nơi tạm giữ còn tốn kém hơn tài sản đem về. Nhiều năm nay, chính quyền cấp huyện, xã đã buông lỏng quản lý, để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản tràn lan nhưng chế tài, xử lý trách nhiệm vẫn còn bỏ ngỏ. Đề cập vai trò trách nhiệm khi để xảy ra tình trạng tận thu khoáng sản trái phép trên địa bàn, theo Chủ tịch UBND huyện Nam Giang - ông Alăng Mai, không thể đổ lỗi hết cho lãnh đạo địa phương, mà không đề cập vai trò trách nhiệm của Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên sông Thanh hiện đang quản lý một diện tích rừng khá lớn. Thực tế, lực lượng liên ngành truy quét liên tục nhưng kém hiệu quả, thiếu triệt để.
Tại huyện Bắc Trà My, lực lượng đấu tranh với đối tượng khai thác khoảng sản trái phép đã phân cấp về cho chính quyền cơ sở. Địa bàn các xã Trà Nú, Trà Ka, Trà Giang, Trà Sơn, Trà Tân, Trà Giác, Trà Đông, Trà Đốc, Trà Bui, Trà Kót; vùng giáp ranh với huyện Tây Trà (Quảng Ngãi) hầu như tháng nào cũng kiểm tra, truy quét, song lòng đất vẫn không bao giờ yên ổn. Để chống thất thoát tài nguyên, Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My đã yêu cầu tất cả Chủ tịch UBND xã, thị trấn thuộc huyện cam kết không để xảy ra tình trạng thăm dò, khai thác khoáng sản trên địa bàn quản lý.
TRẦN HỮU