Tạo động lực phát triển Cù Lao Chàm
Nhớ lại những ngày đầu khi nghị quyết phát triển du lịch xã đảo được thông qua (năm 2013), Bí thư Đảng ủy xã Trần Tấn Dũng nói: “Từ đó mà có những chính sách đầu tư, quan tâm hơn, tạo điều kiện thúc đẩy cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương và nhân dân yên tâm gắn đảo, vừa sản xuất vừa kinh doanh vừa phát triển cuộc sống vừa làm những chiến sĩ bảo vệ hòn đảo tiền tiêu này của tỉnh và khu vực”. Nhờ vậy, chính quyền địa phương đã mạnh dạn đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng và các dịch vụ du lịch phát triển kinh tế, đa dạng sản phẩm du lịch thu hút du khách đến tham quan, lưu trú. Hệ thống giao thông nội bộ với khoảng 20 cây số đã được hoàn thiện; hồ chứa nước Bãi Bìm có sức chứa 80.000 mét khối cùng hệ thống dẫn nước tự chảy có chiều dài 6,5 cây số về 2 bể chứa tổng (khoảng 100 mét khối) và các hộ gia đình cũng được đầu tư hoàn chỉnh là điều kiện thiết yếu đáp ứng cơ bản nhu cầu của nhân dân và du khách.
Để tổ chức phục vụ hiệu quả, chính quyền địa phương đã kiện toàn, bổ sung nhân sự ban quản lý du lịch đủ mạnh do phó chủ tịch UBND làm trưởng ban với đầy đủ cán bộ phụ trách các lĩnh vực: trật tự, cứu hộ, vệ sinh môi trường, hướng dẫn tham quan... Xác định tầm quan trọng của ngành kinh tế du lịch đối với sự phát triển của Cù Lao Chàm và nhận thấy không thể làm ăn theo kiểu cũ, lãnh đạo địa phương chú trọng đào tạo đội ngũ cán bộ có liên quan. Tất cả nhân viên của các bộ phận như thuyết minh viên, cứu hộ, quản lý bảo tồn biển, trật tự an toàn... đều được gửi đi bồi dưỡng, tập huấn một cách căn cơ. Bước đầu anh chị em đã đáp ứng được yêu cầu, tạo guồng máy hoạt động thông suốt.
Nếu năm 2012 lượng khách đến tham quan Cù Lao Chàm tăng đột biến với hơn 105 nghìn lượt thì năm 2014 đã có khoảng 230 nghìn lượt, tăng hơn hơn gấp đôi. Hơn 7 tháng qua, lượng khách đến tham quan nghỉ mát trên đảo cũng đạt bằng cả năm 2014. Hơn 45 cơ sở kinh doanh homestay trên địa bàn xã mỗi năm cũng đón 2.000 - 2.500 khách lưu trú, đạt doanh thu từ 200 đến 250 triệu đồng.
Du lịch phát triển đã tạo ra sự đổi thay nhanh chóng, đời sống người dân trên đảo khá hơn trước nhiều đã minh chứng cho sự đầu tư đúng hướng của lãnh đạo thành phố. “Bây giờ Tân Hiệp đã thực sự phát triển rồi, có nghĩa là nếu chúng ta biết đầu tư, biết chọn điểm, giải quyết sự việc thì sẽ tạo thành động lực. Trước đây, có ai nghĩ Tân Hiệp phát triển được như bây giờ, nhưng mấy chục năm nay đã tập trung dồn cho Tân Hiệp nên bữa nay yên tâm được rồi. Thu nhập của dân Tân Hiệp bữa nay cao lắm, thậm chí người ta giàu lên” - ông Nguyễn Sự, Chủ tịch HĐND thành phố chia sẻ.
Cùng với lượng khách du lịch đến tham quan ngày càng đông, những năm qua các dịch vụ du lịch, thương mại trên đảo phát triển nhanh chóng. Quản lý chặt chẽ các hoạt động dịch vụ này để giữ gìn hình ảnh và thương hiệu du lịch cho Cù Lao Chàm, chính quyền địa phương đã tiến hành đồng bộ các biện pháp tăng cường kỷ cương, hạn chế đến mức thấp nhất các hành vi “chặt chém”, “chụp giựt” khi buôn bán, phục vụ du khách. Gần 100 hộ kinh doanh nhà hàng, ăn uống, lưu trú, vận chuyển xe - thuyền và 150 đối tượng là hướng dẫn viên, thuyền trưởng, nhân viên các đơn vị kinh doanh lữ hành đều được tập huấn và tiến hành ký cam kết thực hiện Quy chế quản lý hoạt động tham quan du lịch Cù Lao Chàm, thực hiện văn minh thương mại. Các quy định về công tác vệ sinh môi trường, “nói không với túi nilon”, lặn ngắm san hô, bảo vệ cua đá... cũng được nhắc nhở, kiểm tra thường xuyên, góp phần tạo điểm đến thân thiện và an toàn cho du khách.
ĐỖ HUẤN