Một cuộc "trở về"
Cán bộ, y - bác sĩ Bệnh xá Bắc Tam Kỳ thời kháng chiến vừa có cuộc hội ngộ đầy xúc động trên chiến khu xưa, nơi bệnh xá một thời đóng chân cũng là nơi có 25 anh em đồng chí của họ đã hy sinh trong kháng chiến.
Y - bác sĩ Bệnh xá Bắc Tam Kỳ năm xưa viếng hương tưởng nhớ đồng đội đã hy sinh. |
Bệnh xá Bắc Tam Kỳ được thành lập từ đầu năm 1964 tại Núi Chúa - giáp ranh giữa xã Kỳ Ngọc (nay xã Tam Ngọc) và xã Kỳ Quế, sau đó di chuyển vào thôn 7, xã Kỳ Quế nay là thôn Tiểu Tây, xã Tam Lãnh (Phú Ninh). Trong 10 năm hoạt động (từ 1964 - 1975), bệnh xá có tổng số 120 cán bộ, y - bác sĩ, nhân viên. Trong đó có 25 người đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ cứu thương, vận chuyển lương thực, thực phẩm để nuôi dưỡng thương bệnh binh. Trong quá trình hoạt động, bệnh xá đã cứu chữa cho hơn 25 nghìn chiến sĩ và nhân dân tại địa phương, góp phần cùng toàn quân đưa kháng chiến đến ngày thắng lợi.
Hôm nay, sau 40 năm đất nước giải phóng, những cán bộ, y - bác sĩ, các bệnh nhân của bệnh xá một thời lại được gặp lại nhau trên mảnh đất năm xưa. Kể từ khi Nhà bia tưởng niệm Bệnh xá Tam Kỳ được xây dựng hoàn thành (tháng 11.2014), Ban liên lạc bệnh xá đã quyết định tổ chức cho những anh chị em y - bác sĩ về nguồn tại nơi họ từng công tác. Đồng thời cũng tổ chức viếng hương các liệt sĩ tại Nhà bia tưởng niệm Bệnh xá Bắc Tam Kỳ. Khu vực đặt Nhà bia tưởng niệm nằm trên đỉnh núi cao, đường đi vào hết sức khó khăn, tuy nhiên bằng sự nỗ lực, giúp đỡ của các cơ quan, đơn vị, chuyến hành quân về nguồn đã diễn ra tốt đẹp. Trong đoàn hành quân về nguồn, có rất nhiều người sau 40 năm nay mới được quay lại mảnh đất này. Bên cạnh gặp gỡ đồng chí, đồng nghiệp từng một thời vào sinh ra tử, chuyến về nguồn lần này cũng là sự trở về với người dân, bà con vùng chiến khu.
Trên chiến khu xưa
Dù năm nay đã gần 80 tuổi nhưng bà Võ Thị Liên (xã Tam Thanh, Tam Kỳ), nguyên là y tá tại Bệnh xá Bắc Tam Kỳ vẫn nhận ra từng đồng chí đồng đội của mình và những người dân vùng chiến khu xưa. Gặp gỡ các cô Phạm Thị Lợi, Nguyễn Thị Hảo, những người dân vùng chiến khu năm xưa, bà Liên vẫn nhận ra từng người, hỏi thăm chuyện gia đình, con cái. Những vòng tay ôm thật chặt khiến ai cũng xúc động. “Tụi con Lợi, con Hảo, ngày trước lúc tôi ở đây còn nhỏ lắm. Cha mẹ của tụi nó hồi trước là những ân nhân của chúng tôi, họ đùm bọc, che chở, cung cấp lương thực cho chúng tôi, giờ gặp lại tụi nó vui không tả nổi” - bà Liên nói.
Trong số những người có mặt hôm nay, nhiều người từng được điều trị ở bệnh xá năm xưa. Dù mang thương tật trên người nhưng họ cũng đã cố gắng để được một lần về thăm lại nơi này. Cô Nguyễn Thị Bích Đào, từng được điều trị, chăm sóc tại Bệnh xá Tam Kỳ những năm 1968, 1969 đã không kìm được nước mắt khi đứng trước Nhà bia tưởng niệm. Cô Đào chia sẻ: “Từ ngày đất nước thống nhất, tôi chỉ có một mong ước là được trở lại thăm nơi tôi từng điều trị. Ngày đó, nhờ sự tận tình của các y - bác sĩ bệnh xá mà tôi đã được cứu sống. Được trở về chốn cũ, bao ký ức trong tôi lại ùa về. Như vậy là tâm nguyện tôi đã hoàn thành”.
Tuổi trẻ ngành y tế Phú Ninh tham gia hoạt động về nguồn, hứa phấn đấu tiếp nối truyền thống của cha ông đi trước. Ảnh: ĐIỆN NGỌC |
Giáo dục truyền thống
Để tổ chức cuộc hội ngộ lần này, Ban liên lạc Bệnh xá Tam Kỳ đã nhận được sự giúp sức từ các bạn đoàn viên thanh niên Chi đoàn Trung tâm Y tế huyện Phú Ninh. Họ có mặt hôm nay vừa để giúp đỡ các cô chú về thăm lại chiến khu xưa thuận lợi, cũng là chuyến “về nguồn” của thế hệ trẻ công tác trong ngành y huyện Phú Ninh. Đứng trước Nhà bia tưởng niệm liệt sĩ, các bạn trẻ đã được Bác sĩ Nguyễn Văn Lý - nguyên Bệnh xá trưởng Bệnh xá Bắc Tam Kỳ, nguyên Giám đốc Sở Y tế tỉnh kể về lịch sử hình thành, phát triển của bệnh xá; về những vất vả, gian khổ, hy sinh của các y - bác sĩ công tác tại đây năm xưa. Bác sĩ Nguyễn Văn Lý cho biết, trong số 23 liệt sĩ của bệnh xá hy sinh, chỉ 2 người đã có gia đình, còn lại đều rất trẻ. Họ đã hy sinh xương máu và tuổi thanh xuân của mình cho ngành y, cho độc lập tự do. Vì vậy, tuổi trẻ hôm nay cần tiếp nối sự nghiệp vẻ vang, anh hùng của tập thể cán bộ, nhân viên bệnh xá, để tiếp tục cống hiến cho quê hương, đất nước.
Bác sĩ trẻ Võ Văn Mẫn - Phó Bí thư Chi đoàn Trung tâm Y tế huyện Phú Ninh cho biết: “Tuổi trẻ chúng tôi hôm nay rất may mắn vì được sống trong hòa bình. Do đó chúng tôi không quên sự cống hiến của các cô, các chú công tác tại bệnh xá năm xưa. Họ là những chiến sĩ “áo trắng” thời lửa đạn đã cống hiến một phần xương máu tại mảnh đất này. Là một người con của Phú Ninh, lại vừa công tác trong ngành y, thế hệ trẻ chúng tôi xin hứa sẽ phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm của mình trong công tác chuyên môn, cũng như phục vụ nhân dân ngày một tốt hơn”.
ANH ĐÔNG